Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Những ngày này, trong khi mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền thì tại tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh, những người lính mang quân hàm xanh vẫn đang ngày đêm phải căng mình bám trụ 24/24 giờ tại các trạm, chốt để kiểm soát chặt, ngăn chặn các trường hợp cố tình xuất nhập cảnh (XNC) trái phép qua biên giới về Việt Nam thông qua các đường mòn, lối mở, góp phần không cho dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Mốc 1302 có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển là một trong những điểm cao khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Mốc 1302 có độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển là một trong những điểm cao khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh.

Những ngày này, trong khi mọi gia đình đều tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền thì tại tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh, những người lính mang quân hàm xanh vẫn đang ngày đêm phải căng mình bám trụ 24/24 giờ tại các trạm, chốt để kiểm soát chặt, ngăn chặn các trường hợp cố tình xuất nhập cảnh (XNC) trái phép qua biên giới về Việt Nam thông qua các đường mòn, lối mở, góp phần không cho dịch Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Những ngày áp Tết Nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh có dịp trở lại thăm các cán bộ, chiến sĩ tại chốt kiểm soát số một của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) nằm ngay dưới chân cột mốc 1302 giáp với xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Phía đối diện là huyện Ninh Minh của nước bạn Trung Quốc.

Điểm chốt này cao khoảng 600 mét so với mực nước biển, khu vực này người dân sống thưa thớt và chủ yếu là đồng bào người Dao, Tày sinh sống.

Đại úy Đặng Quang Anh, công tác ở Phòng Chính trị, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, đi cùng chúng tôi chia sẻ: hầu hết các cán bộ chiến sĩ ở chốt đều đến từ các vùng quê khác nhau nhưng gắn bó, giúp đỡ nhau như anh em trong một gia đình. Tất cả đều xác định rõ nhiệm vụ và trọng trách lớn lao đặt lên vai mỗi người là bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hoành Mô có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 43km đường biên với 41 mốc giới, 68 cột mốc và quản lý năm xã cùng một thị trấn biên giới, có cửa khẩu Hoành Mô và điểm thông quan Đồng Văn, cùng nhiều đường mòn lối mở. Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Hoành Mô đã thiết lập tám chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới để ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Để lên được chốt kiểm soát biên phòng tại mốc 1302, chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn đường có độ dốc khá cao, hiểm trở với một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Vừa đưa tay kéo tôi qua một chỗ dốc khá tức chân, Thượng úy Nguyễn Minh Hải cho biết, đây là một trong những điểm chốt trên tuyến biên giới khó khăn nhất hiện nay của đơn vị. Tại đây vẫn chưa có điện, nước và sóng điện thoại là điều xa vời đối với anh em trên chốt. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, các cán bộ, chiến sĩ trực tại chốt phải thay nhau đi hàng cây số đường rừng đến khe nước để cõng nước về phục vụ sinh hoạt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là tình trạng người dân đi lao động ở bên Trung Quốc trở về vào dịp Tết qua các đường mòn, lối mở có diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ ở chốt đã thường xuyên đến từng hộ dân, nhất là đối với bà con người dân tộc thiểu số để tuyên truyền về cách phòng, chống dịch và truyền tải thông điệp “5K” đến với mọi người.

Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sĩ tăng cường tuần tra, kiểm soát và nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giá, nếu phát hiện có người lạ ra, vào bản phải báo ngay cho lực lượng chức năng để ngăn chặn kịp thời.

Vừa cho thêm củi vào đống lửa, Thiếu tá Nguyễn Văn Diện, Phó Đội trưởng vũ trang, phụ trách chốt 1302 tâm sự: Điểm chốt này nằm cách xa khu dân cư hơn 20km, chưa có điện, nước, sóng điện thoại. Chính vì vậy, cuộc sống sinh hoạt của anh em nơi đây hết sức thiếu thốn, vất vả. Thời tiết khắc nghiệt, đợt rét đậm vừa qua, ở đây đã xuất hiện băng giá, khiến cho quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn. Ban đêm, anh em phải đốt lửa ở những vị trí đứng gác để bảo đảm sức khỏe. Trong gian khó lại càng thấy truyền thống anh hùng của bộ đội Cụ Hồ được tỏa sáng. Với tinh thần chủ động, đoàn kết, động viên nhau vượt qua thử thách, họ kiên cường bám trụ, bám chốt để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

Rời chốt 1302, chúng tôi đến chốt gác ở mốc 1326, thuộc thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn. Lúc này trời đã tối, những đợt gió khá lạnh kèm theo hơi sương vốn là “đặc sản” của thời tiết trên điểm cao này làm chúng tôi bất chợt khẽ rùng mình và ai nấy đều trùm mũ lên đầu và kéo kín cổ áo lại. Thấy vậy, Trung tá Lê Văn Vương, phụ trách chốt gác mốc 1326 chia sẻ: Những ngày này ở đây không khí ẩm ướt, rét buốt, quần áo vì thế giặt không thể khô. Thương anh em trên chốt vất vả, vừa qua, chốt phòng dịch này đã được cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng công trình phụ rộng với diện tích hơn 40m2 với đầy đủ nhà tắm, khu vệ sinh khép kín, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ của Đồn yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng các cán bộ, chiến sĩ tại các trạm, chốt vẫn dành thời gian dọn dẹp, trang trí mâm ngũ quả, bánh chưng, kẹo bánh, cành đào để đón xuân.

Tâm sự với chúng tôi thiếu tá Nguyễn Văn Diện chia sẻ: ngay từ ngày lập chốt này anh là người xung phong cùng với các anh em dựng lên lán trại ở tạm, cho đến nay được hơn một năm nhiều anh em đã chuyển về các chốt gần với đồn hơn nhưng anh vẫn xin với chỉ huy đồn được ở lại đây. Càng gần Tết, nhìn thấy mọi người sắm sửa đón tết, anh em cũng cảm thấy nhớ nhà, nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ biên cương, ngăn chặn dịch bệnh, các anh đều gác lại việc riêng, động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Thấu hiểu và chia sẻ với chồng, vợ anh Diện đã gọi điện động viên anh và động viên anh cùng đồng đội yên tâm ở lại làm nhiệm vụ, bởi ở nơi đó Tổ quốc cần anh hơn, ở nhà em và con vui xuân đón Tết cùng ông bà. Sự động viên tinh thần của vợ anh Diện đã làm cho anh em trên chốt thấy được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Một mùa Xuân nữa đang về trên khắp mọi miền của Tổ quốc, với những người lính mang quân hàm xanh nơi đông bắc luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó trước mọi diễn biến, giữ vững địa bàn biên giới an toàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; quyết tâm ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. Các anh thực sự đang là những “vành đai thép” sừng sững nơi cửa ngõ biên giới. Và chính các anh đang mang một mùa Xuân an lành và hạnh phúc đến với mọi gia đình.

QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/don-la-nha-bien-gioi-la-que-huong-635208/