Đón làn sóng đầu tư Mỹ: Tập trung vào thể chế, môi trường kinh doanh

Amcham đề nghị Việt Nam cần tập trung vào yếu tố thể chế, nhất là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh.

Chiều 22/3, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ gồm các nhà quản lý cấp cao từ 52 tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ gặp, thảo luận với lãnh đạo nhà nước và các bộ, ngành về các vấn đề liên quan đến chính sách, các cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư tại Việt Nam. Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) sẽ đưa phái đoàn doanh nghiệp gặp Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và gặp gỡ, thảo luận với nhiều bộ, ngành để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Các “đại bàng” kỳ vọng gì ở Việt Nam?

Trước thềm gặp gỡ với cấp cao Việt Nam, trả lời báo chí, Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định bất chấp những trở ngại và thách thức được dự báo đối với nền kinh tế Việt Nam năm nay, cộng đồng DN Mỹ vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam.

Đại diện Phái đoàn tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 21/3

Đại diện Phái đoàn tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 21/3

Theo lời ông Ted Osius, với số lượng doanh nghiệp tham gia lớn nhất từ trước tới nay, trong đó có những tập đoàn hàng đầu Boeing, Lockheed Martin, Apple, SpaceX, Netflix…, Mỹ thể hiện niềm tin của cộng đồng kinh doanh với tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam cũng như những ấn tượng về sự ổn định, định hướng phát triển KT-XH trong 10 năm qua.

Đại diện AES, công ty năng lượng nằm trong top 500 công ty lớn nhất Mỹ của Fortune, chia sẻ sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng sẽ mang đến công nghệ lưu trữ năng lượng - giải pháp giúp Việt Nam tích hợp được năng lượng tái tạo, giảm tắc nghẽn, ổn định lưới điện. "Năng lượng là lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước".

Trong khi đó, Tập đoàn Boeing cho biết họ quan tâm tới lĩnh vực hàng không bền vững. Các cuộc thảo luận tới sẽ tập trung vào các cách khử cacbon cho ngành hàng không, mang lại hiệu quả hoạt động và con đường tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo với trọng tâm là nhiên liệu hàng không bền vững và công nghệ tiên tiến.

Đại diện của UPS, cho biết đã và đang kết nối các doanh nghiệp tại Việt Nam với khách hàng và các cơ hội trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua. Chúng tôi tự hào góp phần sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua, ông Squall Wang - Giám đốc điều hành UPS Việt Nam nói.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục làm việc với các nhà hoạch định chính sách và đối tác trong toàn ngành logistics để phát huy những thành tựu đã đạt được và tạo ra một môi trường giao thương đem đến sự tăng trưởng bền vững, cùng có lợi cho tất cả mọi người trong dài hạn”, ông Squall Wang nói.

Đại diện Citibank (trụ sở tại Mỹ), cho rằng sự kiện này là dịp để ngân hàng và các phái đoàn khác của Mỹ thảo luận về các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia của Citibank cũng nhận định dù lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực xuất khẩu nhất định của Việt Nam có chững lại từ quý IV/2022 nhưng triển vọng dài hạn của Việt Nam rất tốt và Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn FDI. Citibank sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy hỗ trợ dòng vốn đầu tư này.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), các công ty Mỹ đang quan tâm xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, hàng tiêu dùng nhanh FMCG, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh.

Phát triển hạ tầng hàng không và cảng biển để tăng lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Ảnh minh họa

Phát triển hạ tầng hàng không và cảng biển để tăng lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Ảnh minh họa

Amcham đề nghị nhà nước Việt Nam cần tập trung vào yếu tố thể chế, nhất là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh. Chú trọng khâu chất lượng của thể chế và thực thi, thực hiện tốt những cam kết với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần cải thiện về cơ sở hạ tầng nhất là liên quan đến sân bay, cầu cảng, đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư về nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá việc đoàn DN Mỹ tới Việt Nam lần này mở ra cơ hội lớn về thu hút đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh kinh tế 2 quốc gia phục hồi sau Covid-19. Sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), không chỉ DN Mỹ và nhà đầu tư châu Âu cũng bắt đầu quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Đỗ Khoa Tần chia sẻ: "Chúng ta đã từng đặt giấc mơ trở thành trung tâm sản xuất linh kiện máy bay khi có nhiều nhà sản xuất thiết bị cung ứng cho các hãng máy bay thương mại, vũ trụ... vào Việt Nam. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến hoạt động của nhà đầu tư có chậm lại. Với chuyến đi có mặt của những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ… lần này, chứng tỏ Việt Nam có sức hút mạnh. Giấc mơ về một trung tâm sản xuất linh kiện cho máy bay, tàu vũ trụ, công nghệ cao trong tàu thủy… vẫn có thể được "kích hoạt" trở lại".

Theo TS Lê Đăng Doanh, những tập đoàn lớn thường được nhiều nước "săn đón". Vì vậy, để thu hút mạnh hơn vốn FDI nói chung và các tập đoàn từ Mỹ, Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải thực hiện. Đó là xây dựng chương trình đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế số vì đây là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế trên toàn cầu. Song song đó, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. "Yếu tố chất lượng của dòng vốn đầu tư cũng cần được các địa phương quan tâm, không còn cạnh tranh bằng giá rẻ nữa mà cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Nâng cao các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số cạnh tranh về hiệu quả và năng lực hành chính công PAPI; đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và cả nhà ở cho công nhân" - TS Cấn Văn Lực nói.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/don-lan-song-dau-tu-my-tap-trung-vao-the-che-moi-truong-kinh-doanh.html