Đón làn sóng du học sinh về Việt Nam
Từ trước khi Bộ GDĐT có công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19, nhiều trường đại học (ĐH) đã chủ động bổ sung các chương trình liên kết, du học bán phần hoặc mở rộng mạng lưới đối tác để giúp du học sinh không dang dở giấc mơ du học.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH, Đại học Việt Pháp) cho biết năm nay, trường có 5 đợt tuyển sinh trực tiếp theo hình thức xét học bạ và phỏng vấn, trong đó có 4 đợt tuyển sinh trước kỳ thi THPT Quốc gia và 01 đợt tuyển sinh sau kỳ thi THPT Quốc gia. Đợt tuyển sinh lần thứ 4 vừa kết thúc ngày 15/7/2020 vừa qua. Thống kê sơ bộ cho thấy nhà trường nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển là các du học sinh trở về Việt Nam từ nước ngoài đang tìm kiếm các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, nhiều học sinh Việt Nam có dự định du học nước ngoài nhưng phải thay đổi kế hoạch bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới nên quyết định tạm gác ước mơ du học nước ngoài mà ứng tuyển vào các trường trong nước.
Tại trường ĐH Kinh tế TP HCM hiện đang triển khai hai chương trình chuyển tiếp, phù hợp cho du học sinh lỡ du học hoặc về Việt Nam tránh dịch. Bao gồm chương trình cử nhân Kinh doanh Western Sydney hỗ trợ sinh viên học toàn thời gian tại Việt Nam theo giáo trình của Australia và được ĐH Western Sydney cấp bằng và chương trình liên kết với ĐH Victoria của New Zealand, cho phép sinh viên học 1,5 năm tại Việt Nam, 1,5 năm tại New Zealand và lấy bằng quốc tế. Trong tình hình năm nay, nhà trường nhận được 30.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu 5.000, riêng chương trình Western Sydney đã có hơn 1.000 em đăng ký để cạnh tranh 250 suất.
Thống kê của nhiều trường cho thấy mức độ quan tâm của học sinh và gia đình tới các chương trình đào tạo liên kết tăng rõ rệt trong thời gian gần đây. Đó chính là cơ hội tốt cho các trường ĐH Việt Nam khi đón nhận nhiều du học sinh về nước học tập. Không chỉ về mặt trí tuệ chất xám mà cả chi phí học tập ở nước ngoài thường khá cao so với các chương trình trong nước.
Nhưng làm sao để “giữ chân” được các em trong suốt thời gian hoàn thành khóa học đòi hỏi việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường cũng như tìm kiếm thêm những cơ hội mới để tạo điều kiện cho người học được trải nghiệm các chương trình trao đổi học thuật, thực tập tại nước ngoài phong phú như nguyện vọng của nhiều học sinh và gia đình hiện nay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/don-lan-song-du-hoc-sinh-ve-viet-nam-491291.html