Dồn lực bảo vệ nhân dân vùng bối trong mưa, lũ
Trong những ngày qua, nhiều xã vùng duyên giang đang ngập trong nước, một số địa bàn bị chia cắt, cô lập… Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, điều hành khẩn trương, linh hoạt công tác triển khai ứng phó, khắc phục các sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung sức, đồng lòng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bối.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 34 bối, trong đó có 31 bối có dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Liên tục từ hơn 23 giờ đêm ngày 9/9 đến trưa ngày 11/9, trời mưa to, kéo dài, cộng với việc xả lũ của các hồ thủy điện và nguồn nước mưa từ thượng nguồn đã khiến mực nước lũ trên các sông dâng cao uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê sông, đê bối. Cụ thể, lúc 10h30 ngày 11/9/2024, mực nước trên sông Đào tại Trạm thủy văn Nam Định là 4,97m, cao hơn mức báo động 3 là 0,67m; trên sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương là 3,60m cao hơn mức báo động 3 là 1,00m. Tuyến đê bối Đồng Tâm, xã Đại Thắng (Vụ Bản) dài 5,8km thuộc đê hữu sông Đào là một trong những vùng bối lớn của tỉnh có khoảng 7.600 người dân sinh sống và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như: trường học, giao thông, hệ thống điện...
Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Đại Thắng cho biết: “Tại vùng bối của xã có 143 hộ, với 462 khẩu nằm ngoài đê bối; trong đó có 39 người già, 76 trẻ em. Từ 4 giờ đến 10 sáng 11/9, mực nước trên sông Đào liên tục tăng cao. Trên toàn tuyến đê bối của xã, xuất hiện một số điểm ngập tràn. Nếu mực nước sông Đào tiếp tục tăng thì nguy cơ nước lũ tràn đê bối là hiện hữu. Tính đến 11 giờ trưa 11/9, cơ bản toàn tuyến đê bối của xã vẫn an toàn, cục bộ có vài điểm nước lũ bắt đầu tràn qua mặt đê. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện Vụ Bản, xã đã phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ; tổ chức tuyên truyền, vận động toàn bộ các hộ dân di chuyển vào phía trong đê đại hà, kê cao tài sản của các hộ có nguy cơ bị ngập lụt, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Đối với hệ thống kè, cống, xã đã bảo đảm tốt theo phương châm “4 tại chỗ”. Riêng điểm xung yếu tại vị trí Trạm bơm Cống Đế, UBND đã chuẩn bị lực lượng, tập kết cọc tre, máy đóng cọc, bao tải, bạt chống tràn, sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu…
Ở các vùng bối khác trong tỉnh đều chuẩn bị các phương án phù hợp, khả thi để ứng phó hiệu quả với mưa lũ trong tình hình hiện nay. Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đến 11 giờ 30 ngày 11/9, để bảo đảm an toàn tính mạng của người dân vùng bối, ven sông, các huyện, thành phố đã lập, triển khai thực hiện kế hoạch di dân theo tình hình thực tế. Tại thành phố Nam Định, tổng số hộ dân phải di dời của các phường, xã là 314 hộ, trong đó đã di dời được 187 hộ (phường Vị Xuyên 12 hộ, phường Năng Tĩnh 26 hộ, phường Cửa Nam 89 hộ, phường Nam Phong 60 hộ); còn lại 127 hộ đang tiếp tục thực hiện di dời trong thời gian sớm nhất. Xã Mỹ Tân đã di dời 117 người già và trẻ em, số còn lại đang tiếp tục di dời; Chuẩn bị sơ tán tiếp 100 hộ vùng bối thôn Vị Lương, phường Nam Phong.
Huyện Nam Trực đã xây dựng kế hoạch di dân, sẵn sàng sơ tán khi có lệnh. Huyện Trực Ninh đang tổ chức di chuyển 1.500 người ở khu đê bối Phương Định đến nhà người thân và trường học phía trong đê chính. Tại huyện Ý Yên, bờ bao sản xuất thôn Ninh Mật, Ngô Xá, xã Hồng Quang xảy ra tràn bờ bao khoảng 500m. UBND xã Hồng Quang đã thông báo và thực hiện di dời người dân, tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao sản xuất vào trong đê đến các địa điểm là Trạm Y tế xã, Nhà văn hóa thôn Ninh Mật và nhà người thân của các hộ dân. Số lượng dân cư vùng ngoài đê của xã là 326 hộ với 1.450 nhân khẩu. Tại xã Yên Khang xảy ra tình trạng nước lũ tràn bờ bao sản xuất thôn Trại Mễ, với đoạn đê tràn dài khoảng 200m. Số lượng dân cư sống vùng ngoài đê của xã là 116 hộ với 382 nhân khẩu. UBND xã Yên Khang đã di dời người dân, tài sản vùng trong bờ bao vào trong đê đến 2 điểm: Nhà văn hóa thôn Mễ Thượng và Nhà văn hóa thôn Uy Nam và nhà người thân. Trên tuyến đê bao thuộc thôn An Thành và An Quang xã Yên Phúc đã bị tràn, lực lượng chức năng của địa phương đã đắp chống tràn ở nhiều đoạn dài khoảng 200m, một số vị trí đê bao bị rò, bị vỡ đã được xử lý kịp thời. Xã đã cho thông báo di dời tài sản và 70 hộ dân với 300 nhân khẩu. Tại xã Phú Hưng có 21 hộ dân sinh sống ngoài đê đã được di chuyển đến nơi an toàn. Xã bố trí điểm nhà văn hóa xóm Tây Cổ Đam để các hộ tránh trú và đảm bảo các điều kiện thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt. Xã Yên Lộc đã di chuyển người già, trẻ em của 85 hộ đến nơi an toàn và chuẩn bị đầy đủ vật tư để kịp thời xử lý khi có tình huống. Huyện Hải Hậu, khu vực bối xã Hải Minh đang vận động nhân dân di dời vào trong đê. Huyện Xuân Trường đã di chuyển 101 người ở ngoài đê vào trong đê an toàn. Huyện Nghĩa Hưng, tại các khu vực đê bối Phù Sa Thượng thuộc địa phận xã Hoàng Nam, khu vực ngoài đê xã Đồng Thịnh đã di dời toàn bộ 140 hộ với 394 nhân khẩu và tài sản vào nơi an toàn.
Cùng với chỉ đạo quyết liệt các địa phương đã tổ chức thực hiện tốt các phương án PCTT, phương án di dân đã được phê duyệt từ trước, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục đi kiểm tra địa bàn, trực tiếp xem xét nơi tránh trú, các điều kiện ăn ở sinh hoạt của người dân phải sơ tán, chia sẻ, động viên bà con yên tâm, tích cực tham gia phòng, chống thiên tai; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các phương án bảo vệ đê điều, bảo vệ người dân.
Các lực lượng chức năng như: Công an, Quân đội, lực lượng tình nguyện cũng chung sức, đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực vượt khó khăn vào những vùng bối để hỗ trợ nhân dân kê kích, di chuyển tài sản; di dời người dân, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, những người yếm thế neo đơn đến nơi tránh trú an toàn. Nhờ đó đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có thiệt hại về người, toàn hệ thống đê, kè, cống, nhất là các tuyến đê bối vẫn an toàn. Tuy nhiên tại một số bối trọng điểm như: Hồng Long (Mỹ Tân), Nam Phong, Hồng Quang, Yên Trị… vẫn tiềm ẩn những rủi ro, khó lường đối với đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi cập nhật thường xuyên tình hình mực nước lũ, nước mưa để chủ động tuần tra, canh gác bảo vệ các tuyến đê theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 7/5/2024 của tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024. Triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về việc quản lý bảo vệ tuyến đê vùng bối ven sông. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản trong vùng bối, không được để bị động khi vỡ đê bối, phải có phương án di dân sớm khi mất an toàn đê bối. Khi nước rút, nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-nong/202409/don-luc-cuu-dan-vung-boi-trong-mua-lu-06000e8/