Dồn lực đầu tư điện mặt trời, Điện Gia Lai tăng gấp đôi đòn bẩy nợ

Từ hai nhà máy, đến cuối quý II/2019, Điện Gia Lai đã có 5 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động với công suất thiết kế 260 MWp. Hơn 200 triệu cổ phiếu GEG của doanh nghiệp này sẽ lên sàn HoSE hôm 19/9 tới sau hai năm rưỡi đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Dự án điện mặt trời Kông Pa của CTCP Điện Gia Lai tại tỉnh Gia Lai

Dự án điện mặt trời Kông Pa của CTCP Điện Gia Lai tại tỉnh Gia Lai

Làn sóng đầu tư phát triển nhà máy điện mặt trời “bùng nổ” sau quyết định hồi tháng 4/2017 của Thủ tướng. Theo đó giá mua điện từ các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại trước 30/06/2019 là 9,35 cents/kWh. Cuộc chạy đua đầu tư vào điện mặt trời vì thế trở nên ráo riết hơn ngay trước “mốc vàng” này. Chỉ trong nửa đầu năm, CTCP Điện Gia Lai đã nâng số nhà máy điện mặt trời từ 2 nhà máy công suất 117 MWp lên 5 nhà máy với tổng công suất 260 MWp.

Doanh thu từ bán điện mặt trời 6 tháng qua đạt hơn 269 tỷ đồng, gấp 7,2 lần cả năm trước. Cơ cấu doanh thu cũng đảo lộn. Trong khi các năm trước, thủy điện là nguồn thu chính yếu, tỷ trọng doanh thu từ thủy điện và nhiệt điện đã về mức 38%/62%. Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm nhẹ từ 57% xuống 54,8% nhưng vẫn ở mức cao nếu so sánh với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành, nhất là trong bối cảnh ngành thủy điện gặp khó khi tình hình thủy văn không thuận lợi nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, một yếu tố đột biến trong kết quả kinh doanh quý này là khoản chi phí lãi vay tăng mạnh, gấp hơn 7,5 lần, lên 84 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng đến từ việc dồn lực đầu tư cho điện mặt trời.

Riêng các khoản đi vay ngân hàng và phát hành trái phiếu của Điện Gia Lai tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm, từ 1.527 tỷ đồng lên 3.235,29 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp điện này là các ngân hàng thuộc nhóm Big 4. Mức lãi suất đi vay khá ưu đãi, cùng kỳ hạn vay khá dài. Chỉ tính riêng số tiền Điện Gia Lai vay dài hạn tại Vietcombank đã lên tới gần 2.100 tỷ đồng.

Hiện cả 5 dự án điện mặt trời đều sử dụng vốn vay. Khoản nợ dài hạn lớn nhất của Điện Gia Lai là khoản vay 810 tỷ đồng tại Vietcombank với lãi suất cố định 7,8%/năm để đầu tư nhà máy điện mặt trời Kông Pa. Đây là nhà máy mang về doanh thu lớn nhất, góp tới 45% doanh thu từ điện mặt trời nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý II, Điện Gia Lai còn đang đầu tư dở dang vào dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với số tiền đầu tư gần 290 tỷ đồng. Dự án Hàm Phú 1 đã được công ty quyết định đổi sang thành dự án trang trại để đầu tư trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất dành cho phát triển dự án. Phần diện tích đất rừng sẽ trả lại cho Nhà nước.

Các dự án điện mặt trời của Điện Gia Lai - Nguồn: Bản Cáo bạch

Các dự án điện mặt trời của Điện Gia Lai - Nguồn: Bản Cáo bạch

Nợ phải trả sau khi tăng 2,12 lần so với cuối năm, hiện đã chiếm 62% nguồn vốn của doanh nghiệp. Hệ số nợ/ vốn chủ sở hữu phản ánh tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp vì thì cũng tăng gấp đôi chỉ sau nửa năm lên 1,675 lần từ mức 0,81 lần trước đó. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý II chưa đầy 80 tỷ đồng, chỉ tương đương một phần nhỏ vốn điều lệ (2.038,9 tỷ đồng).

Sau hai năm rưỡi đăng ký giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu GEG chuẩn bị niêm yết trên HoSE ngày 19/9 tới đây. Thông báo từ Sở GDCK cho biết giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 27.490 đồng/cp.

Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Điện Gia Lai đạt hơn 5.600 tỷ đồng. Vượt qua nhiều doanh nghiệp điện khác, Điện Gia Lai sẽ đứng thứ 4 về vốn hóa trong nhóm ngành dịch vụ tiện ích, sau PVGas (GAS), PVPower (POW) và Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Hai cổ đông lớn nhất là CTCP Xuất nhập khẩu Bến tre (19,27%) và CTCP Đầu tư Thành Thành Công (18,12%). Nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 35,86% vốn doanh nghiệp này.

An An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-luc-dau-tu-dien-mat-troi-dien-gia-lai-tang-gap-doi-don-bay-no-d107095.html