Dồn lực hỗ trợ người dân vùng rốn lũ Nho Quan ở tỉnh Ninh Bình

Đến ngày 12/9, toàn huyện Nho Quan (Ninh Bình) có khoảng 2.556 hộ bị ngập lụt, trong đó xã Lạc Vân khoảng 300 hộ, Đức Long khoảng 953 hộ, Lạng Phong khoảng 172 hộ... mức độ ngập từ 0,3-2m.

Nhà cửa của hàng nghìn hộ dân ở Nho Quan bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Nhà cửa của hàng nghìn hộ dân ở Nho Quan bị ngập sâu trong nước. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Những ngày qua, mưa lớn kết hợp với nước thượng nguồn đổ về khiến hàng nghìn hộ dân của huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) ngập trong nước lũ.

Mất điện sinh hoạt, thiếu nước sạch khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đức Long là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ năm nay trên địa bàn huyện Nho Quan.

Những ngày qua, nước lũ liên lục dâng cao khiến tám thôn ngoài đê của xã với khoảng 1.000 hộ dân đã bị ngập trong nước và bị cô lập; 35 ha lúa, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Mất điện sinh hoạt, không có nước sạch phục vụ sinh hoạt đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Ông Đinh Quang Hoạt, thôn 8, xã Đức Long cho biết ngay khi lũ về bà con đã nhanh chóng hỗ trợ nhau di chuyển đồ dùng sinh hoạt lên tầng cao, chuyển gia súc và một số vật dụng lớn lên chân đê; người già, trẻ em cũng được ưu tiên di chuyển đến nơi an toàn.

Những ngày này, các hộ dân bị ngập cũng nhận được sự chia sẻ từ phía chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm chính vì vậy cuộc sống cũng phần nào vơi bớt khó khăn.

Ông Đinh Văn Hòe, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Long, cho biết trước khi mưa bão, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con di dời tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, năm nay mưa to, nước lũ thượng nguồn đổ về nên tình trạng ngập lụt nặng hơn.

Xã đã tập trung nhanh chóng triển khai bơm tiêu kiệt nước đệm trong đồng để cứu lúa và tuyên truyền các hộ dân chủ động chăng lưới để bảo vệ thủy sản.

Để đảm bảo an toàn cho người dân xã cũng đã triển khai các phương án phân luồng giao thông, lập chốt cảnh báo để người dân không đi vào vùng thiếu an toàn và khuyến cáo cho nhân dân các thôn bị ngập úng biện pháp đảm bảo sinh hoạt.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nho Quan, những ngày qua do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão mực nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông và các xã vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong thuộc huyện Nho Quan.

Đến ngày 12/9, toàn huyện có khoảng 2.556 hộ bị ngập lụt. Trong đó, xã Lạc Vân khoảng 300 hộ, Đức Long khoảng 953 hộ, Lạng Phong khoảng 172 hộ, Gia Thủy khoảng 647 hộ, Gia Lâm khoảng 130, Xích Thổ khoảng 67 hộ, Thượng Hòa khoảng 230 hộ... Mức độ ngập từ 0,3-2m.

Nước lũ dâng cao cũng ảnh hưởng đến khoảng 528ha lúa, hơn 446ha thủy sản; khoảng hơn 158ha hoa màu; cây trồng hằng năm và cây ăn quả khoảng hơn 1.000ha; rừng sản xuất khoảng 11ha... bị ảnh hưởng

Đối với các địa phương bị ngập, huyện Nho Quan đã triển khai các phương án ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" để bảo đảm an toàn cho người dân bằng hình thức ổn định tại chỗ lên tầng cao hơn, xen ghép vào nhà người thân và các gia đình không bị ảnh hưởng.

Đồng thời, tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sĩ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ; bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại; thành lập ngay các tổ công tác trực tiếp xuống các địa bàn bị ảnh hưởng để hướng dẫn phòng tránh, ứng phó với tình hình mưa lũ.

 Hàng nghìn hộ dân huyện Nho Quan đang chịu cảnh ngập nước. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Hàng nghìn hộ dân huyện Nho Quan đang chịu cảnh ngập nước. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Ông Bùi Văn Thể, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nho Quan, cho biết đến thời điểm hiện nay, tất cả các hồ đập trên địa bàn huyện Nho Quan đều an toàn, có một số đê bị sạt lở và trôi đất bề mặt đê, một số kênh mương bị gãy, vỡ.

Huyện đã nhanh chóng triển khai các phương án chống úng, tiêu nước cho sản xuất. Trên địa bàn huyện hiện tại có 11 trạm bơm đang vận hành tiêu nước, hồ Thác La mở toàn bộ 13 cửa, hồ Đồng Chương tổng mở cả hai cửa và hồ 4 Hồ Yên Quang thi công đặt ống sắt tháo nước gần tràn.

Lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu, sông Đáy tại Ninh Bình lên chậm. Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Bình, vào 19h ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,93m (trên báo động 3 là 0,93m); tại Gián Khẩu 4,5m (trên báo động 3 là 0,8m) và tại sông Đáy tại Ninh Bình 4,2m (trên báo động 3 là 0,7m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 là 0,26m.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Nho Quan tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân biết để phòng tránh và nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống thiên tai; rà soát, nắm chắc tình hình những nơi trọng điểm, khẩn cấp để kịp thời chỉ đạo, báo cáo xin chỉ đạo; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ và thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đã được phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/don-luc-ho-tro-nguoi-dan-vung-ron-lu-nho-quan-o-tinh-ninh-binh-post976380.vnp