Dồn lực khắc phục sạt lở, thông tuyến QL9 qua Đakrông
Trời mưa to, nước sông chảy mạnh kèm theo đất đá từ ta luy dương đổ xuống vị trí sạt lở Km50+200 khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Ngày 12/10, có mặt tại Km50+200 QL9, đoạn qua xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị), PV ghi nhận lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị để thu dọn, khơi thông điểm sạt lở này.
Quan sát của PV, mưa lớn kéo dài khiến điểm sạt lở đã ăn sâu vào gần nửa đường. Ở phía dưới, nước sông Đakrông dâng cao, chảy cuồn cuộn. Trong khi đó, khối lượng đất đá, gỗ cây cùng nước ở trên vách núi đổ xuống nền đường rất nhiều, trời tiếp tục mưa to. Nhiều xe múc được huy động, tiến hành cào đắp đất ở 2 bên vệ đường để dòng nước chảy theo rãnh taluy dương, tránh nguy cơ tràn qua đường gây sạt lở taluy âm.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, lực lượng chức năng đã tiến hành đóng đường, cắt cử người túc trực. Phía 2 đầu điểm đóng đường, hàng chục xe tải hạng nặng đang ùn ứ tại đây.
Tài xế Nguyễn Vĩnh (SN 1982, quê ở Quế Sơn, Quảng Nam) cho hay, từ 21h tối 11/10, xe container chở hàng do anh điều khiển từ Lao Bảo đi Đà Nẵng phải tạm dừng di chuyển vì Km50+200 sạt lở. Anh Vĩnh nói rằng, việc đậu đỗ ở khu vực này rất nguy hiểm cho người và xe vì tình trạng sạt lở có thể tiếp tục xảy ra, trong khi xe không thể quay đầu vì đường hẹp, quanh co và dốc.
“Anh em tài xế rất mong cơ quan chức năng sớm khắc phục, thông đường”, anh Vĩnh nói.
Cách đó chừng vài chục mét, dù trời mưa rất to nhưng những công nhân làm đường vẫn miệt mài, cố gắng khắc phục điểm sạt lở. Anh Lê Thanh Dũng (SN 1988, trú tại Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho hay, anh đã túc trực tại khu vực này hơn 3 ngày nay. Việc ăn ngủ của anh cùng các đồng nghiệp đều diễn ra trên xe ủi, máy múc. Trời mưa to, lạnh nhưng mọi người luôn cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất để “cứu đường”, đảm bảo các phương tiện lưu thông an toàn.
“Anh em túc trực 24/24h, sạt lở lúc nào thì xử lý đến đó, cố gắng xử lý nhanh nhất có thể để thông tuyến cho người dân. Vì là đặc thù của công việc nên với chúng tôi mưa gió có sá gì đâu", anh Dũng vui vẻ nói.
Không chỉ điểm sạt lở này, vào sáng 12/10, đoạn tuyến Km250+700 - Km250+920 đường HCM (nhánh Tây) cũng xảy ra tình trạng đất cát từ ta luy dương sụt xuống kèm theo nước sông dâng cao gây ngập tắc đường. Ngành chức năng đã tổ chức đóng đường, cấm người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Bên cạnh đó, Km294+210 thuộc tuyến đường này cũng xảy ra sạt lở ta luy dương gây tắc giao thông.
Theo ghi nhận, đến chiều 12/10, trên địa bàn huyện Đakrông có mưa rất to, lượng mưa đo được từ tối 11/10 đến 12/10 phổ biến từ 177 - 325 mm. Mưa lũ khiến các sông, suối trên địa bàn huyện Đakrông dâng cao gây chia cắt trên diện rộng. Mực nước tại các công trình thủy điện trên địa bàn đều vượt ngưỡng tràn từ 6-7 m, đặc biệt tại thủy điện Đakrông 2 là 7,3 m. Huyện này đã tiến hành di dời hơn 1.200 hộ dân với gần 5.000 người đến nơi an toàn.