Dồn lực phát triển giao thông
'Giai đoạn 2015-2020, huyện Long Thành ưu tiên đầu tư cho nông thôn mới, nhưng giai đoạn 2021-2025 sẽ ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, bao gồm cả đường liên xã, đường liên huyện và liên tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam' - ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay.
Đẩy mạnh đầu tư mạng lưới giao thông sẽ giúp địa phương phát huy được tiềm năng, đồng bộ hạ tầng với các công trình giao thông lớn, huyết mạch của quốc gia qua địa phương này và đặc biệt là kết nối với các tuyến đường nằm trong quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
* Trung tâm giao thông vùng
Huyện Long Thành được xem là tâm điểm giao thông của khu vực miền Nam. Trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường giao thông huyết mạch hiện hữu là quốc lộ 51 và tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Trong đó, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang góp phần làm giảm áp lực giao thông cho nhiều tuyến đường, giúp việc thông thương hàng hóa và đi lại của người dân trở nên thuận lợi hơn. Đồng thời, 2 tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang được triển khai. Ngoài ra còn có tuyến đường vành đai 4 kết nối các tỉnh Tây Nguyên. Các dự án khi đi vào hoạt động sẽ đưa Long Thành trở thành trung tâm kết nối giao thông các vùng, miền khu vực phía Nam.
Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành cho biết, theo đồ án quy hoạch vùng huyện Long Thành do Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị Hà Nội tư vấn lập, huyện Long Thành được chia thành 5 vùng phát triển kinh tế, với 3 đô thị thành phần có chức năng khác nhau và có tính chất hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện sẽ tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội và tạo cảnh quan cho các đô thị.
Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động hoặc đã có chủ trương đầu tư, sắp tới sẽ có thêm nhiều tuyến đường lớn được triển khai để phục vụ việc xây dựng Sân bay Long Thành, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong quy hoạch của tỉnh, Long Thành là trung tâm đầu mối giao thông kết nối các huyện, thị, thành phố. 5 năm gần đây, nhiều tuyến đường giao thông liên huyện, liên tỉnh được ưu tiên xây dựng, mở rộng, nâng cấp. Có thể kể đến: tuyến đường 769 kết nối với các huyện Thống Nhất, Trảng Bom và TP.Long Khánh; tuyến 25B, 25C kết nối với huyện Nhơn Trạch; tuyến hương lộ 10 kết nối với huyện Cẩm Mỹ... Trong đó, tuyến 769 có vai trò đặc biệt quan trọng tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội huyện Long Thành và nhiều địa phương lân cận.
Với hệ thống các công trình giao thông đường bộ, đường thủy hiện hữu và đường sắt, đường hàng không đang dần hình thành, Long Thành là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch của quốc gia và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là lợi thế để tiếp tục đầu tư cho giao thông địa phương, tạo đà cho kinh tế huyện Long Thành tăng tốc.
* Triển khai nhiều dự án hạ tầng
Theo Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức, với lợi thế là trung tâm giao thông vùng, việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tăng nhanh. Các khu, cụm công nghiệp nhanh chóng được hình thành và có tỷ lệ lấp đầy cao, kéo theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng về lao động. Nhiều công trình nhà ở, công trình đường giao thông dân sinh và giao thông kết nối được quan tâm đầu tư.
Theo kế hoạch được phê duyệt, trong 5 năm tới, gần 20 tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã; hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, Sân bay Long Thành; đường dân sinh, đường vào các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn huyện được tỉnh chấp thuận chủ trương xây mới, nâng cấp, mở rộng. Đây là lợi thế quan trọng để huyện Long Thành hoàn thiện và đồng bộ hệ thống giao thông.
Trong số này có hương lộ 21 nối xã Tam An của huyện Long Thành với phường Tam Phước, TP.Biên Hòa; tuyến đường Long Phước - Phước Thái kết nối 2 xã với Nhơn Trạch; tuyến Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường kết nối với huyện Cẩm Mỹ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; mở rộng đường vào Khu công nghiệp Long Đức; tuyến đường vào khu logistics xã Tân Hiệp; mở rộng quốc lộ 51... Tổng số tiền đầu tư cho các dự án này dự kiến gần 5 ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh và bán đấu giá các khu đất công ở huyện.
Là huyện đặc thù có sân bay, nên vấn đề định hình giao thông, cải tạo hạ tầng ở Long Thành ngày càng trở nên quan trọng, được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Theo quy hoạch, Long Thành sẽ có 5 vùng phát triển với 3 đô thị thành phần là thị trấn Long Thành hiện hữu, đô thị Phước Thái và đô thị Bình Sơn. Trong số đó, đô thị Bình Sơn gắn liền với quy hoạch tái định cư cho sân bay và huyện đang kêu gọi đầu tư để xây dựng các tuyến giao thông kết nối giữa các vùng, các khu vực đô thị. Trong đó, đặc biệt là các dự án mở rộng tuyến đường giao thông 769, mở rộng quốc lộ 51 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, thời gian qua, nhiều công trình giao thông được triển khai nằm trên địa bàn huyện. Đây là động lực cho tỉnh và huyện thực hiện đồng bộ hóa hạ tầng, đưa Long Thành trở thành trung tâm giao thông của miền Nam.
Quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2035, tầm nhìn 2050 cũng chỉ ra, Long Thành là trung tâm thương mại, tài chính cấp vùng, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Sắp tới sẽ có thêm nhiều dự án về giao thông của quốc gia, của tỉnh, của huyện được triển khai trên địa bàn. Huyện Long Thành đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các công trình triển khai sớm. Với các dự án được chấp thuận, hy vọng sẽ tạo sự đổi thay lớn cho Long Thành, giúp kinh tế tăng trưởng mạnh và đời sống của nhân dân tốt hơn.