Dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát - Bài 2: Tháo gỡ khó khăn, quyết tâm về đích
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ, vướng mắc từ cơ sở được các cấp chính quyền quyết tâm giải quyết, đảm bảo về đích đúng kế hoạch.
Cộng đồng vào cuộc
Trong những năm qua, huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công, hộ nghèo. Việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở là một trong những hoạt động được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Trong giai đoạn 2020-2024, huyện đã hỗ trợ 985 hộ gia đình xây mới và sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo.

Căn nhà mới của hộ ông Nguyễn Văn Hùng tại huyện Văn Yên, Yên Bái đang được hoàn thành.
Trong năm 2025, thực hiện phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước”, Đề án triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2025, UBND huyện Văn Yên đã phát động phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Văn Yên năm 2025.
Huyện Văn Yên sẽ xây mới và sửa chữa có 201 nhà tạm, nhà dột nát (169 nhà xây mới và 32 nhà sửa chữa), trong đó có 25 nhà thuộc các hộ người có công và thân nhân liệt sỹ, 112 nhà thuộc các hộ nghèo, 64 nhà là các hộ cận nghèo. Dự kiến, tổng nguồn kinh phí thực hiện trên 11 tỷ đồng, hộ xây mới được hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà, hộ sửa chữa sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà.
Ông Lê Văn Trường, Trưởng phòng Nội vụ huyện Văn Yên, đơn vị phụ trách chương trình xóa nhà tạm tại địa phương cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra, rà roát tại các địa phương, đảm bảo đúng đối tượng, quy trình; đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; chỉ đạo các xã, thị trấn huy động tổng lực vào cuộc để hoàn thành việc làm nhà cho hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trước ngày 30/6/2025.
Huyện phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân phụ trách, từng hộ gia đình trong việc triển khai làm nhà, thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa nhà phù hợp với điều kiện thực tế. Huyện họp giao ban tiến độ từng ngày để cập nhật quá trình triển khai, đảm bảo vướng mắc tại đâu, lãnh đạo huyện và xã sẽ tập trung tháo gỡ ngay tại đó. Đến đầu tháng 4/2025, huyện đã đã khởi công 201 nhà, phấn đấu về đích xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng hẹn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết, từ điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, những năm qua, cùng với phát triển kinh tế xã hội, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo với những giải pháp, cách làm hiệu quả, phù hợp thực tiễn địa phương.
Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo các cấp để thống nhất chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện, huy động cả hệ thống chính trị tham gia. Yên Bái đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực, trong đó, quan tâm lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở vùng khó khăn với các nguồn kinh phí xã hội hóa huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ (nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm trên 70%).
Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự hưởng ứng, tham gia của các tầng lớp nhân dân, xóa nhà tạm, dột nát đã trở thành một phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế các mẫu nhà phù hợp với điều kiện, đặc điểm văn hóa của từng dân tộc để các gia đình có thể vận dụng làm nhà. Nhờ có sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng, mỗi căn nhà sau khi hoàn thành đã có chất lượng tốt, giá trị cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bình quân 120 triệu đồng/căn xây mới, 40 triệu đồng/căn sửa chữa.
Đến nay, Yên Bái đã khởi công 2.196/2.208 nhà, đạt 99,5%. Trong đó, có 1.070 nhà đã hoàn thành. Với tiến độ như hiện nay, tỉnh dự kiến hoàn thành 100% số nhà trước ngày 30/6/2025, vượt mục tiêu kế hoạch của Đề án. "Từ những kết quả đạt được về công tác giảm nghèo những năm qua, dự kiến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn 6,87%; trong đó, hộ nghèo còn 4,18%, cận nghèo còn 2,69%", bà Vũ Thị Hiền Hạnh khẳng định.
Còn theo bà Hoàng Thị Dứa, Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, tổng số hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương là 659 căn; trong đó, xây mới 377 căn, sửa chữa 282 căn, với tổng kinh phí 28 tỷ đồng. Số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa theo rà soát nhiều, trong khi nguồn lực tại địa phương hạn chế. Tỉnh mong có sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương.

Một căn nhà mới đã được hoàn thiện theo chương trình xóa nhà tạm.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Lạng Sơn cho hay, tỉnh có hơn 4.400 nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, tỉnh đã xóa được hơn 1.000 căn nhà tạm. Khó khăn lớn nhất với tỉnh là số lượng nhà cần hỗ trợ lớn, đòi hỏi nguồn lực huy động nhiều cả về tài chính lẫn nhân lực. Nhiều xã vùng III còn gặp khó khăn về giao thông, ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật liệu xây dựng, nhiều hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý... khiến quá trình triển khai bị kéo dài.
Dự kiến, Lạng Sơn sẽ hoàn mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát vào tháng 9/2025. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, quản lý kinh phí tài trợ cho chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”; hướng dẫn Ban Thường trực MTTQ các huyện, thành phố phối hợp với UBND và các ngành chức năng khảo sát, phân loại, lập danh sách hộ dân có nhà ở thiếu kiên cố hoặc tạm bợ, từ đó triển khai hỗ trợ đúng đối tượng. Các địa phương sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp về vật liệu, lực lượng đoàn thể giúp xây dựng, bố trí nguồn vốn hỗ trợ cao hơn hoặc phối hợp lồng ghép từ nhiều chương trình...
Gieo hy vọng từ những viên gạch nghĩa tình
Đến tháng 4/2025, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng hơn 3.500 căn nhà mới cho hộ nghèo, trong đó hơn 1/3 số căn nhờ sự vận động và đóng góp của Bộ Công an. Tại các huyện: Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang... hàng trăm căn nhà mới được xây dựng từ nền đất cũ, nơi từng là những túp lều tranh xiêu vẹo hiện trở thành nơi an cư vững chãi.
Không chỉ lo kinh phí, lực lượng Công an địa phương còn vào cuộc sát sao trong quá trình triển khai. Thượng tá Võ Văn Liệt, Trưởng Công an huyện Cầu Kè chia sẻ: Để xây dựng nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn nhà ở đảm bảo đúng tiến độ đề ra, Tổ giám sát kiểm tra chặt chẽ vật liệu đầu vào trước khi đưa vào triển khai xây dựng, đảm bảo vật tư đủ, đúng quy cách, chủng loại, chất liệu theo thiết kế do Bộ Công an cung cấp. Ban Chỉ đạo huyện ưu tiên hỗ trợ trước cho các hộ đặc biệt khó khăn; đồng thời, huy động cán bộ, chiến sĩ công an huyện phối hợp cùng đoàn viên, thanh niên ở cơ sở chung tay hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển vật tư, xây dựng nền móng, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng...
Đại tá Trần Xuân Ánh, nguyên giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh khẳng định: “Đề án 1.300 căn nhà đã được hoàn thành và bàn giao cho bà con là chủ trương lớn của Bộ Công An, hưởng ứng sự kêu gọi chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính Phủ phát động. Đây là chương trình do Đảng, Nhà nước phát động, tiếp tục cùng cả nước chung tay thực hiện trên cả nước, mang ý nghĩa to lớn, mỗi căn nhà được trao đi góp thêm niềm vui, hy vọng cho những gia đình khó khăn có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, địa phương phấn đấu đến tháng 9/2025 thực hiện xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát của 2.154 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng Công an tỉnh Quảng Bình được giao nhiệm vụ hỗ trợ huyện Tuyên Hóa 229 căn nhà xây mới và sửa chữa. Công an tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và có chương trình hành động cụ thể, thiết thực.
Đại úy Dương Quốc Khánh, Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Quảng Bình bày tỏ: “Tuổi trẻ Công an tỉnh triển khai 171 đội hình, gồm 145 đoàn viên của Công an xã và 26 cơ sở đoàn trực thuộc, liên hệ với chính quyền địa phương rà soát các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có công với cách mạng, để hỗ trợ dỡ nhà tạm, vận chuyển vật liệu, xây dựng nhà mới. Cùng với nguồn lực hỗ trợ của chính quyền, người dân, các hộ còn được vay ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện đã có 33 gia đình vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, với số tiền 1,3 tỷ đồng để có thêm động lực xây mới nhà khang trang hơn...".
Theo ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, đơn vị đã ban hành hai công điện về khảo sát nhu cầu vốn và đốc thúc giải ngân cho vay các chương trình để tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Qua khảo sát, tỉnh có 228 gia đình có nhu cầu vay vốn công trình vệ sinh nước sạch để xóa nhà tạm, nhà dột nát...0
Đến thời điểm này, theo Ban Chỉ đạo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát Trung ương trên cơ sở tổng hợp số liệu của các địa phương, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 195.068 căn. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng sự chung tay của toàn xã hội, mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 31/10/2025 đang dần trở thành hiện thực.
Bài cuối: Huy động sức mạnh hệ thống chính trị, cộng đồng cho chương trình xóa nhà tạm