Dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát - Bài cuối: Huy động sức mạnh hệ thống chính trị, cộng đồng
Chương trình xóa nhà tạm không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi đóng góp dù nhỏ bé, đều có thể mang lại sự thay đổi lớn cho những gia đình đang cần một mái ấm vững chắc. Phóng viên báo Tin tức và Dân tộc đã có cuộc trao đổi với bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về vấn đề này.
Thưa bà, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình vào tháng 4/2024, MTTQ Việt Nam đã phối hợp cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai sâu rộng. Các địa phương đồng loạt hưởng ứng và đẩy mạnh phong trào, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực và rõ nét.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Hiện nay, các địa phương đang vào cuộc quyết liệt và linh hoạt. Chính phủ đã quy định rõ, yêu cầu trích 5% ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Nếu địa phương hoàn thành sớm sẽ được hỗ trợ thêm để giúp các tỉnh còn khó khăn hơn. Đây là chính sách vừa nhân văn vừa thiết thực, tạo động lực cho các địa phương chủ động triển khai. Nếu chỉ trông chờ vào vận động xã hội, khó đạt được quy mô như hiện nay.
Việc tiết kiệm 5% chi thường xuyên để dành cho chương trình xóa nhà tạm giúp đảm bảo nguồn lực, thể hiện quyết tâm chính trị cao. Nhờ đó, các địa phương dù còn hạn chế về tài chính cũng có thêm động lực để thực hiện. Phong trào được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tổ chức chính trị xã hội tham gia, nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long, người dân đóng góp ngày công xây dựng, tiết kiệm đáng kể chi phí và thể hiện rõ tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận chuyển vật liệu, lắp đặt thiết bị. Hội Phụ nữ cũng có nhiều mô hình hỗ trợ hiệu quả... Nhờ sự đồng lòng ấy, tỉnh Bắc Ninh hiện đã hoàn thành xóa nhà tạm ngay đầu năm và có thêm 20 địa phương sẽ hoàn thành trong quý II/2025. Các địa phương còn lại cam kết hoàn thành trước quý III/2025...
Trong quá trình triển khai có những khó khăn nào có thể ảnh hưởng đến tiến độ cần giải quyết ngay, thưa bà?
Vướng mắc lớn nhất là việc giải ngân nguồn tiết kiệm ngân sách 5% còn chậm. Thêm vào đó, nhiều nhà tài trợ, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ, nhưng chưa thể chuyển ngay nguồn lực, khiến việc triển khai bị gián đoạn.
Chương trình đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa nguồn lực tài chính, vật tư và nhân công. Mỗi mắt xích bị chậm trễ đều ảnh hưởng đến tiến độ. Tuy nhiên, có thể khẳng định, vào dịp Quốc khánh 2/9/2025 và chào mừng Đại hội Đảng, nhiều địa phương sẽ có thêm nhiều mái ấm khang trang, vững chãi cho người dân.
Việc giám sát nguồn tài trợ được MTTQ Việt Nam thực hiện ra sao để đảm bảo minh bạch, thưa bà?
Nguồn lực từ các nhà tài trợ hiện có hai hình thức chuyển về: Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương hoặc Quỹ cấp tỉnh, tùy theo nơi nhà tài trợ đăng ký. Tất cả đều được sử dụng đúng mục đích xóa nhà tạm.

Một căn nhà mới theo hình thức chìa khóa trao tay được xây dựng cho hộ nghèo tại Lạng Sơn.
Ngay từ đầu, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu mở tài khoản riêng cho chương trình, tách biệt với các hoạt động khác, nhằm dễ theo dõi, chi tiêu minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nguồn tài trợ không đến một lúc, mà theo tiến độ, nên việc điều phối cần linh hoạt.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành giám sát chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tiến độ và đúng đối tượng thụ hưởng. Hy vọng, các nhà tài trợ tiếp tục đồng hành. Đây là chương trình lớn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia và nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn bà!