Đón năm học mới, giáo viên vùng cao vừa làm thầy, vừa làm... thợ
Giáo viên vốn chỉ quen với nét bút thì nay trở thành thợ xây 'lành nghề'. Họ chung tay xây dựng ngôi trường khang trang, đón trò đến lớp!
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những giáo viên vùng cao vốn dĩ chỉ quen với những nét phấn, bài giảng thì nay họ trở thành những người thợ lành nghề. Họ chung tay để xây dựng ngôi trường khang trang, sạch đẹp hơn để đón trò đến lớp!
Người thợ “bất đắc dĩ”
Năm học mới cận kề, những ngày này giáo viên ở hầu hết các trường vùng cao của tỉnh Điện Biên lại đôn đáo lo công tác chuẩn bị đón trò. Họ buộc chuyển sang “nghề tay trái”. Người biết hàn thì hàn sắt, người biết sơn thì sơn sửa, còn người biết xây thì cải tạo khuôn viên, trường lớp và các hạng mục bị hư hỏng sau đợt mưa lũ vừa qua. Tất cả chỉ với mong muốn có được cơ sở vật chất tốt nhất đón năm học mới.
Đến với trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, chúng tôi khá ấn tượng về “Thư viện xanh” của trường. Giữa tháng 8, công trình còn đang thi công dang dở. Cô Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là Thư viện xanh của trường đang được hoàn thiện để chuẩn bị cho năm học mới. Công trình được xây dựng một phần từ nguồn ngân sách, một phần do vận động xã hội hóa. Nhưng ở đây học sinh ít nên xã hội hóa không nhiều. Để xây dựng thư viện xanh cho học sinh, toàn thể giáo viên trong trường đã tham gia xây dựng.
“Các thầy cô dù ở xa hay gần đều tự nguyện nán lại để cùng nhau hoàn thiện công trình. Mỗi người mỗi việc, tự giác và chia sẻ, các thầy cô đều vui, hạnh phúc, phát huy tinh thần trách nhiệm với công việc. Với giáo viên vùng cao, trường học là ngôi nhà thứ 2. Họ coi học sinh là con nên luôn sẵn sàng, nhiệt tình cống hiến”, cô Nhung tâm sự.
Theo cô Nhung phân tích, nếu thư viện được thuê nhân công xây dựng, lắp đặt, sơn sửa hoàn toàn thì nhà trường sẽ tốn một khoản kinh phí khá lớn. Nhưng để giáo viên tự làm thì vừa tiết kiệm cho nhà trường, lại vừa tăng thêm tình đoàn kết. Trong khi vẫn đảm bảo kỹ thuật, bền, đẹp. Và học sinh sẽ có thêm không gian học tập, thư giãn, phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Là người góp công ở hầu hết các công trình xây nhỏ của trường, thầy Thùng Văn Lượng (trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa) chia sẻ: “Lúc đầu có ai biết xây đâu, nhưng cái gì chưa biết thì hỏi, học qua người này người kia. Bí quá thì lên mạng xem video hướng dẫn, làm nhiều thì thành quen, có khi còn đẹp đấy chứ”.
"Những phần khó, đòi hỏi kỹ thuật cao thì nhà trường nhờ thợ cả, phần còn lại thì các thầy cô trong trường làm được là làm hết. Mỗi người chung tay một chút là hoàn thành ngay", thầy Lượng cười nói.
Để phụ huynh yên tâm gửi gắm...
Ở vùng cao hầu hết trường nào cũng có những “đội thợ” xây dựng như thế. Các thầy cô cùng nhau bỏ công sức lao động vì học sinh, phần lớn cũng bởi muốn có môi trường học tập an toàn cho trẻ.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Năm học 2023-2024, huyện có gần 21.000 học sinh theo học tại 42 trường. Trong đó, cấp Mầm non 16 trường (125 điểm trường); cấp Tiểu học 11 trường (51 điểm trường); THCS 15 trường.
Để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho năm học mới và triển khai lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó có phương án bố trí, sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư. Đồng thời xác định nhu cầu đầu tư xây dựng mới, nhu cầu cải tạo, sửa chữa phòng học (bảo đảm 1 lớp/phòng cho MN, TH), phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn... theo quy định. Phòng cũng tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng các hạng mục công trình.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các trường học tự sửa chữa, tu sửa, dọn dẹp để tiết kiệm nguồn ngân sách. Mục tiêu phải đảm bảo cơ sở vật chất để phục vụ học sinh trước ngày khai giảng năm học mới”, ông Chiến cho biết.
Huyện biên giới Mường Nhé cũng thuộc diện khó khăn như Nậm Pồ. Những ngày này, thầy cô đang tất bật với công việc “tu trường, sửa lớp”. Thầy Lò Văn Tiến, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Quảng Lâm, huyện Mường Nhé cho biết: Giống như các trường bạn, hàng năm tại đây việc sửa trường, dựng lớp vẫn diễn ra trước thềm năm học mới.
“Có một môi trường học tập đảm bảo an toàn thì phụ huynh mới yên tâm gửi gắm con em mình. Biết vậy nên các thầy cô trong trường đều sẵn sàng tham gia. Ai cũng muốn có môi trường sạch, đẹp trước khi đón học sinh quay trở lại sau kỳ nghỉ hè”, thầy Tiến bộc bạch.
Dù cơ sở vật chất tại trường PTDTBT THCS Quảng Lâm được đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học song vẫn chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, một số hạng mục đã xuống cấp trước những tác động của mưa lũ. Nên ngay khi kết thúc kì nghỉ hè nhà trường đã bắt đầu tổ chức tu sửa lại nhiều hạng mục như: Lớp học, phòng nội trú, công trình vệ sinh, nhà tắm, hàng rào, hệ thống đường điện, đường nước, cải tạo chăm sóc bồn hoa cây cảnh...
“Để đảm bảo cho việc sinh hoạt của học sinh bán trú, chúng tôi đã tiến hành đổ lại bê tông tại sân nội trú; xây dựng hàng rào bằng B40. Mục đích là để học sinh có sân chơi sạch đẹp, cũng như bảo vệ cơ sở vật chất cho nhà trường”, thầy Tiến nói thêm.
Hiện tượng mưa lũ, sạt lở suốt những ngày qua cũng đã gây ảnh hưởng nhiều đến các hạng mục được đầu tư trước đó ở mỗi trường học tại Mường Nhé. Bởi vậy, mỗi trường lại tự bảo nhau nỗ lực khắc phục. Hoạt động tu sửa trường, lớp đều do các nhà trường phát động; giáo viên và phụ huynh đồng thuận tham gia. Người góp của, người góp công để có những ngôi trường sạch, đẹp, an toàn.
“Cùng với sự nhiệt tình chung tay của các thầy cô giáo, sự đóng góp công sức của phụ huynh thông qua việc kêu gọi xã hội hóa đã giúp chúng tôi tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi năm”, thầy Tiến cho hay.