Đón năm mới sau... mành tre

'Chào bà con, cô bác! Mừng năm mới, em diễn trò rối nước mời cô bác thưởng thức...' – Đấy là lời giáo trò quen thuộc đón khách của chú Tễu mỗi khi Tết đến, xuân về. Để rồi, giữa những tràng pháo tay tưởng thưởng không ngớt dành cho biết bao trò diễn đặc sắc ấy thì phía sau tấm mành tre là người nghệ sĩ lặng thầm đón năm mới…

Để có được những trò diễn đón năm mới lung linh luôn là sự lao động miệt mài nhưng luôn “giấu mặt” của các nghệ sĩ múa rối. Ảnh: Bình Thanh.

“Vua không biết mặt…”

Ở hầu hết các loại hình nghệ thuật, nghệ sĩ luôn được biết đến qua các vai diễn trực tiếp trên sân khấu. Nhưng với nghệ sĩ múa rối thì đây là nghề “vua không biết mặt, chúa không biết tên”.

Trước mỗi chương trình biểu diễn, khán giả vẫn được nghe giới thiệu vai diễn nhưng ngay sau đó không ai thấy được người nghệ sĩ ấy trên sân khấu giống như các loại hình sân khấu khác: Kịch nói, cải lương, chèo, tuồng...

Vậy họ đã ở đâu? Nếu là rối nước, họ luôn đứng lấp ló sau tấm mành tre để hóa thân vào mỗi con rối diễn trò trên mặt thủy đình. Nếu là rối cạn, họ đứng sau những tấm rèm, mặc trang phục và mang mạng che mặt đen để lẫn vào bóng tối mà điều khiển con rối.

Khi đó, gương mặt và tâm hồn của người nghệ sĩ đều được gửi gắm vào những con rối trong đủ trò diễn cổ trên thủy đình như: Tễu giáo trò, múa rồng, vinh quy bái tổ, múa sư tử, múa rồng, múa phượng, múa tiên, múa lân, tứ linh, câu ếch, cày cấy, đánh cá, bắt vịt...

Cũng có khi là những vở rối cạn được dàn dựng một cách công phu như “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt tinh”, “Alibaba và cây đèn thần”, “Trái tim người mẹ”, “Nhịp điệu quê hương”, “Vũ điệu hoa quỳnh”, “Thân phận nàng Kiều”...

Thế nên, khán giả nhiều khi vẫn tấm tắc khen: Sao mà chú Tễu giáo trò lúc nào cũng hài hước, dí dỏm thế; con trâu, con ếch, đàn vịt cứ làm náo loạn cả mặt nước. Sao rồng có thể phun lửa, phượng đẻ trứng ở dưới nước. Từ hoa quỳnh cho đến nàng Kiều sao mà yểu điệu thục nữ đến nhường ấy?…

Ít ai hay, phía sau tấm mành kia là người nghệ sĩ không chỉ lao động cật lực, mà còn “nhập vai” vào rối với cử chỉ, hành động cùng lời ăn tiếng nói..., y như mình trực tiếp xuất hiện trên sân khấu vậy.

Đẫm mồ hôi với vai diễn mụ phù thủy trong vở rối cạn “Trái tim người mẹ” (cảm tác theo truyện “Hai cây phong” của Liên Xô cũ), NSƯT Lê Thị Thu Huyền – Nhà hát Múa rối Thăng Long kể: “Thường thì chúng tôi đứng sau tấm bình phong để điều khiển con rối. Cũng đôi lúc người nghệ sĩ trực tiếp xuất hiện trên sân khấu, đeo ngoàm con rối lên người nhưng luôn giấu mặt bằng chiếc mũ đen trùm kín. Dù vậy vẫn phải khóc – cười, truyền được cảm xúc, nỗi lòng tâm sự của nhân vật qua từng động tác, lời nói”.

 Khán giả chỉ có thể biết mặt nghệ sĩ múa rối khi chương trình biểu diễn kết thúc. Ảnh: Bình Thanh.

Khán giả chỉ có thể biết mặt nghệ sĩ múa rối khi chương trình biểu diễn kết thúc. Ảnh: Bình Thanh.

Luôn lỗi hẹn... mùa xuân

Lúc sinh thời, NSƯT Phương Nhi – Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn hay tự trách mình luôn lỗi hẹn với... mùa xuân. Chẳng là, nếu như những người mẹ khác sẽ bận bịu thu vén việc gia đình thì chị lại cùng đồng nghiệp tối ngày nơi thủy đình. Nếu như những người vợ khác tung tẩy cùng chồng con du xuân thì chị lại gắn mình với rối. “Ngượng ngùng” với chồng, con nhiều lắm.

Nhưng là cái nghiệp rồi. Nhiều lần tôi rủ rê cả chồng cả con đến rạp hát. Sau mỗi suất diễn, mấy đứa trẻ cứ níu tay mẹ mà hỏi: Sao mẹ không ra biểu diễn thế? Con cứ mong mãi để còn vỗ tay?” – Ngừng lời kể, người nghệ sĩ khẽ lau khóe mắt. Cũng bởi, các con chị đâu biết những vũ điệu chim công bồng bềnh, huyền ảo trên mặt nước làm chúng mắt tròn mắt dẹt và vỗ tay không ngớt ấy chính là do bàn tay khéo léo của chị làm nên – một vũ điệu đến giờ ít có người thay thế được!

Từ khi còn là nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp đến nay, NSND, Giám đốc của Nhà hát Múa rối Việt Nam Nguyễn Tiến Dũng chưa năm nào sum vầy trọn vẹn cùng gia đình. Ông bảo, không riêng ai, tất cả nghệ sĩ múa rối luôn đón năm mới, hò hẹn với mùa xuân ở sàn diễn cùng những bộ trang phục... kỳ dị nhất quả đất.

Nếu diễn rối nước thì diện quần áo cao su. Rối cạn thì mặc quần áo đen để mà đu đưa với vai diễn. Khán giả chỉ có thể biết nghệ sĩ nếu ngồi đến cuối vở diễn.

Với NSƯT Lê Minh Tuấn, chuyện lỗi hẹn với gia đình khi năm mới như cơm bữa. Nhiều khi vợ con “chán không buồn nhắc”. Nhưng, dù có thế nào đi chăng nữa thì anh cũng như đồng nghiệp vẫn luôn say sưa với nghề.

Nói về vai diễn tâm đắc – vai Thiên Nga trong tiết mục múa rối nước “Bay lên từ mặt nước”, NSƯT Lê Minh Tuấn kể: “Nếu như, trong các trò diễn của Việt Nam, âm nhạc gần như mang tính chất tượng trưng thì ở đây nghệ sĩ phải ăn xăm với từng nốt nhạc. Đã thế, chúng tôi chỉ có thể biểu diễn bằng một cây sào, một cái dây và sau tấm mành. Khó cũng lắm mà say cũng thật nhiều nên chúng tôi không ngại khi phải lỗi hẹn với mùa xuân, thậm chí có khi đành lòng chấp nhận cả sự đổ vỡ...”.

Vậy đấy, những đứa con bé bỏng của cố NSƯT Phương Nhi và có lẽ rất nhiều khán giả khác nữa sao biết được sau tấm mành tre kia là những người nghệ sĩ đắm mình cùng những con rối để mà quên đi biết bao buốt giá của mùa đông nơi làn nước lạnh.

Từ đây, những cô tiên, chú Tễu, con rồng, con công, hoàng tử, công chúa... bước ra, kéo khán giả vào giấc mơ hay câu chuyện cổ tích lấp lánh niềm vui, sự ấm áp của một năm mới.

“Ai cũng ước mong khi năm mới sang là đoàn viên gia đình, nhưng với nghệ sĩ múa rối thì những mong ước ấy đành cất chặt trong tim. Ai cũng ước mong đã lên sân khấu là được lung linh dưới ánh đèn sân khấu, là được khán giả biết mặt đặt tên, nhưng với nghệ sĩ múa rối luôn là những người giấu mình vào các con rối... Đã thế, người nghệ sĩ múa rối không được lộ diện mà vẫn phải đem đến cho khán giả niềm thích thú, yêu mến và cả những giọt nước mắt yêu thương...”.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/don-nam-moi-sau-manh-tre-4056507-b.html