Đón nhận Bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn
Ngày 22/11, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn (tại xã Thạch Văn).
Lãnh đạo Sở VHTT&DL và huyện Thạch Hà trao quyết định công nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn.
Hồ Phi Chấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, sống bằng nghề chài lưới ở giáp Trung Thủy, tổng Hạ Nhất, phủ Thạch Hà nay thuộc xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Bối cảnh lịch sử đất nước vào cuối thế kỷ XVIII có nhiều biến động, các thế lực phong kiến tranh giành địa vị gây nên chiến tranh liên miên, dân tình đói khổ lầm than triều chính rối ren loạn lạc. Hồ Phi Chấn bất bình với thời cuộc chán ghét bọn quan lại, địa chủ bóc lột vơ vét của cải của dân nghèo, ông đã chỉ huy đội quân của mình đi lấy thóc gạo của người giàu chia cho người nghèo.
Bởi thế uy danh của ông được nâng cao, bọn quan lại phong kiến khép ông là cầm đầu giặc cướp nhiều lần cho lính về truy nã vây bắt nhưng đều thất bại vì được người dân che chở bảo vệ. Nhiều trận đánh diễn ra giữa ông với lãnh binh Dương Tiến (tướng của Chúa Trịnh) ở Đò Vang (Thạch Trung), bãi biển (Thạch Trị), Trung Thủy (Thạch Văn) nhưng đều thất bại trước tinh thần dũng cảm của Hồ Phi Chấn.
Dùng sức mạnh không được bọn chúng chuyển sang dùng hình thức thuê người bắt có treo giải thưởng kết hợp với dụ dỗ nhưng đều thất bại trước ý chí sắt đá của ông.
Đông đảo nhân dân tham gia lễ rước
Hồ Phi Chấn tham gia phong trào Tây Sơn, là một tướng lĩnh có tài dũng cảm trong chỉ huy chiến đấu tả xung hữu đột lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm Quang Trung thứ 5 ông được phong sắc vì đã lập nhiều chiến công.
Khi vua Quang Trung đột ngột qua đời, vua Quang Toản nối ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, Hồ Phi Chấn tiếp tục phò tá triều Tây Sơn chống lại Nguyễn Ánh bảo vệ triều đình. Ghi nhận công trạng của ông, vua Cảnh Thịnh đã ban sắc cho ông.
Năm 1802 khi nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn Ánh tấn công quyết liệt, ông được giao trấn giữ con đường thượng đạo giáp giới giữa Thanh Hóa – Nghệ An. Ông bị vây bắt, tra tấn kiệt sức rồi chết.
Đền thờ Hồ Phi Chấn được xây dựng cuối triều Tây Sơn gồm một tòa, xung quanh xây tường bao, mái che . Trong đền có xây bàn thờ, hai bên khắc đôi câu đối ghi công lao của ông như sau:
“Khai quốc thừa gia minh thiết khoan
Lịch triều gia tặng điệp long chương”
Ngôi đền hiện nay mới được phục dựng quay mặt ra biển cả tựa lưng vào làng quê trông rất uy nghi, đây là một trong những di tích lịch sử liên quan đến phong trào Tây Sơn đang được chính quyền địa phương và dòng họ quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa.
Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Chấn đã được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 428/QĐ-BVHTTDL công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.