Đón những bước chân lầm lỡ trở về
Con đường đất đỏ dẫn tới nhà Rơ Chơm Brông lầy lội sau cơn mưa lớn, hai bên đường bạt ngàn những vườn cà phê xanh mướt mát, lác đác còn cây trổ hoa muộn trắng muốt.
Rơ Chơm Brông (SN 1977, ở làng O Đất, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) từng nghe lời xúi giục của thành phần xấu, bỏ nhà với mong muốn đổi vận. Cải tạo trở về với hai bàn tay trắng, anh được giúp đỡ vay vốn, học cách sản xuất, từ chỗ là hộ nghèo, nay đã đủ ăn…
Trở về với cộng đồng, tích cực giúp bà con
Thiếu tá Trần Thị Luận, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Công an huyện Đak Đoa thông tin, Chơm Brông hiện tại đang làm công nhân nông trường chuối tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng với mức thu nhập một ngày khoảng 250.000 đồng. Đầu năm 2022, Chơm Brông đã xây nhà mới rộng khoảng 60m2.
“Bản thân Brông thời gian qua luôn chấp hành tốt các quy định tại địa phương, thường xuyên tham gia họp thôn và các cuộc họp do chính quyền tổ chức, rất tích cực trong việc giúp đỡ bà con trong thôn sửa nhà cửa sau mưa bão, các việc hiếu hỉ. Hồi Chơm Brông xây nhà cũng được bà con đến hỗ trợ ngày công…”, Thiếu tá Luận cho biết.
Nhớ lại những ngày mới trở về cộng đồng, Chơm Brông nói: "Nhìn cảnh vợ con đói khổ tôi thấy xấu hổ. May có công an và chính quyền địa phương giúp đỡ, động viên để tôi xóa bỏ mọi mặc cảm tội lỗi, bắt đầu lại từ đầu. Giờ tôi chẳng muốn đi đâu, chỉ muốn ở nhà giúp đỡ, sống hạnh phúc cùng vợ con. Nhìn các gia đình xung quanh sung sướng mà vợ con mình khổ thì buồn lắm".
Brông chia sẻ đã học được nhiều điều từ những lầm lỗi quá khứ. Sau khi đi cải tạo về, gia đình rất nghèo do không có vốn sản xuất, chưa biết cách làm ăn. Từ khi được công an xã và chính quyền cấp bò, giúp xây nhà tình nghĩa, bảo lãnh để ngân hàng cho vay vốn, được sinh hoạt trong câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, anh đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất.
Đại úy Lê Thế Nông - Phó trưởng Công an xã Ia Băng là người đứng ra bảo lãnh để Brông được vay vốn sản xuất. Đại úy cho biết, làng O Đất có khá nhiều trường hợp trước đây vì cuộc sống khó khăn đã nghe lời xúi giục của thành phần xấu, bỏ nhà với mong muốn đổi vận, nhưng sau đó hầu hết trở về với đôi bàn tay trắng. Họ đã được chính quyền và công an huyện, xã giúp đỡ, để tái hòa nhập cộng đồng….
Hỗ trợ xóa án tích, bảo lãnh vay vốn làm ăn
Ngay đầu giờ làm việc buổi sáng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đak Đoa, anh Trần Châu Hổ (SN 1989, thôn 5, xã Ia Băng) đã được Thiếu tá Trần Thị Luận hướng dẫn và bảo lãnh hoàn tất các thủ tục vay vốn.
Trần Châu Hổ phải chịu án tù về tội cướp tài sản, sau thời gian chấp hành án trở về địa phương gặp rất nhiều khó khăn để ổn định lại cuộc sống và tìm việc làm. Anh tham gia câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”, được cơ quan công an và chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều trong việc vay vốn 50 triệu đồng.
“Số tiền vay tôi dùng để mua xe chở hàng, máy cày làm phương tiện sản xuất cũng như làm dịch vụ nông nghiệp cho người làng. Tôi tham gia câu lạc bộ và thấy hoạt động rất hiệu quả, mọi người học hỏi cùng nhau trao đổi kinh nghiệm làm ăn, không trở lại con đường xấu”.
Bây giờ, cuộc sống của anh Hổ khá giả, thu nhập trung bình khoảng 15 triệu/tháng. “Hổ rất chịu khó làm ăn, hiện có máy cày cho thuê, kinh tế ổn định, đầu năm nay đã sắm thêm xe máy”, Thiếu tá Luận cho biết.
Xã Ia Băng có 70 người chấp hành xong án phạt tù, nhiều người ra tù khi trở về địa phương đã tự nguyện tham gia câu lạc bộ “Bạn giúp bạn”. Thành lập từ tháng 9/2020, đến nay, câu lạc bộ của xã thu hút được 37 thành viên. Mọi người được giúp đỡ tìm việc làm, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế.
Kể từ khi thành lập, câu lạc bộ đã hỗ trợ được phần con giống cho 8 thành viên (hỗ trợ heo cho 4 thành viên, hỗ trợ gà và vịt cho những người còn lại), giúp đào tạo nghề cho 1 thành viên. Mô hình câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” xã Ia Băng đã được nhân rộng tại địa bàn xã Nam Yang với 12 thành viên (câu lạc bộ hỗ trợ vay vốn cho 3 trường hợp với tổng số tiền 170 triệu đồng).
Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của câu lạc bộ, các thành viên được nghe tuyên truyền pháp luật, thông tin tình hình địa phương và các chính sách hỗ trợ cũng như thủ tục xóa bỏ án tích, xin cấp lý lịch tư pháp để làm việc tại doanh nghiệp. 100% thành viên đã làm CCCD, định danh điện tử…
Dùng mạng xã hội tìm việc làm
Thượng tá Hoàng Văn Huân, Phó trưởng Công an huyện Đak Đoa cho biết, Công an huyện đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xây dựng kế hoạch phân công cho các ban ngành, đoàn thể, xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tìm việc làm và định hướng nghề nghiệp. Công an huyện cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp lớn tạo điều kiện công ăn việc làm cho người hoàn lương.
Thiếu tá Trần Thị Luận chia sẻ thêm, Công an huyện đã xây dựng trang Facebook để đăng tải thông tin tìm việc làm và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp với các ngân hàng và bảo lãnh thành công cho các trường hợp vay vốn làm ăn.
Mô hình điểm “Bạn giúp bạn” trong công tác tái hòa nhập cộng đồng thành lập tại xã Ia Băng đã giúp các thành viên xích lại gần nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, để không ai còn mặc cảm về quá khứ.
Những con người từng một thời lầm lỡ, khi trở về cũng đã giúp ích rất nhiều cho chính quyền địa phương, công an xã về trật tự an ninh. Họ tích cực trao đổi thông tin, giúp lực lượng công an nắm bắt địa bàn; vận động những người khác không nghe theo lời kẻ xấu, không vi phạm pháp luật; cùng nhau chịu khó làm ăn, làm giàu để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/don-nhung-buoc-chan-lam-lo-tro-ve-2155555.html