Dọn rào đón Tết

Tháng Chạp, gần giáp Tết, ba mài thật bén cái rựa, xong dắt anh em tôi đi dọn rào.

Rào giậu quê xưa hầu như đều trồng cây sống, không phải chăng toàn lưới thép kẽm gai như bây giờ. Cây sống đương nhiên phải sinh sôi; lâu mà không rong dọn sẽ vô tư lấn bừa ra hai bên, biến cái hàng rào mảnh mai thành lùm, thành bụi xum xuê. Quá nữa thì thành… rừng, nghĩa là lấp kín lối đi luôn. Vậy nên người quê xưa dù có biếng nhác cách nào cũng phải nhớ vác rựa dọn rào mỗi vài ba tháng nếu muốn có đường đi. Ấy là nói riêng mùa nắng. Còn giáp Tết, những cái hàng rào “ăn” đủ nước trời sau ba tháng mùa mưa sẽ nhanh chóng phình to, “xâm lăng” đường sá với tốc độ nhân đôi. Cuối năm bận rộn, tâm lý ai cũng nhìn những cái hàng rào ngút xanh, đua nhau phủ rợp ra đường bằng đôi mắt ái ngại, tự dặn lòng: thôi, ráng chờ tới Tết dọn luôn…. Thì đây, Tết rồi.

Ba lãnh việc rong cành nhánh còn tôi với anh Hai lo hốt dọn. Cây rựa ba cầm trên tay thuộc loại “rựa con”; nhỏ, nhưng được mài sáng choang, bén ngót. Ấy là loại rựa “chuyên dụng” để rong rào bởi nhẹ cầm vừa tay lại được tra cán dài để vói chặt những cành nhánh trên cao. Thao tác dọn rào của ba hết sức điệu nghệ: đi giật lùi dọc hàng rào, hai tay cầm cán rựa, ba cứ nhắm theo chớn rào cũ vung rựa phạt thẳng những đường dài dứt khoát từ ngọn xuống chân rào. Đám cành nhánh, lá lảy “xâm lăng” lần lượt bị đổ rạp, phơi trống ra chân rào cũ. Xong khâu phạt dọc tới vụ phạt ngang, tức xử lý đám cành nhánh lô nhô đâm thẳng lên trên. Khâu này hơi khó bởi phải “xử” trên cao. Không sao, cái cán rựa dài sẽ phát huy tác dụng. Cầm gần cuối cán, ba khéo léo huơ rựa lên cao phạt những đường ngang thẳng tắp. Nhánh đổ xuống mắc trên thân rào đã có đầu rựa ngoéo, lôi xuống đất cho anh em tôi hốt dọn. Dọn sạch xong là “làm nguội”; tức vung rựa phạt, sửa sơ lại những đoạn rào còn hơi lồi lõm, rong nốt những cành nhánh sót thò ra gây mất mỹ quan. Xong! Quệt mồ hôi, ba đứng chống rựa nhìn đoạn rào vừa được rong bằng chặn, phẳng phiu cười ngoác tới mang tai vẻ rất chi vừa lòng…

Khum, hốt hoài mỏi lưng, thấy ba làm “ngon ăn” quá tôi cũng kỳ kèo xin ba cho… cầm rựa! Ba ngần ngừ: liệu có được không đó? Con làm được ba, dễ mà… Được “chuẩn y”, tôi hăng hái vung rựa, thao tác y như ba làm mà sao đám cành nhánh cứ… nhùng nhầy, chặt hoài cũng không chịu đứt! Tới lúc chúng chịu “đầu hàng”, rớt xuống chân rào thì mồ hôi tôi cũng đã đổ như tắm, hai tay rần tê; còn đoạn rào vừa rong thì chỗ lồi chỗ lõm trông bắt chán òm…

Rong xong rào nhà, ba sẽ vác rựa cùng bà con tập trung đi rong hàng rào các con đường chung trong xóm. Rong rào đón Tết không chỉ đòi hỏi sạch thôi đâu mà còn yêu cầu đẹp. Chuyện ấy thì “tay nghề” ba tôi được tin tưởng lắm lắm. Vậy nên ba luôn được nhường phần “tay rong”, còn cào hốt là chuyện các cô chú khác - sẵn quét dọn luôn rác rến lưu cữu dọc đường.

Đông người vui chuyện, chưa tới hai ngày mà đường làng ngõ xóm đã sạch quang, rào giậu thẳng thớm nhìn trông vui mắt hẳn ra. Tết rồi, a ha…, lũ con nít sướng quá cứ cắm đầu chạy ngược chạy xuôi trên những con đường mới rợi, vừa chạy vừa reo. Ở nhà thì bà tôi cứ chống gậy ra vô nhìn cái hàng rào trước ngõ được ba tôi tỉa tót thẳng băng, cười móm mém bộ vừa ý lắm. Rào rong khéo quá. Tết rồi… Phải, rào dọn xong là thấy Tết. Mà “công quả” ấy đâu phải chỉ mình ba, còn có tôi với anh Hai nữa mà…

Y NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/233528/don-rao-don-tet.html