Dồn sức bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu trước kỳ thi tốt nghiệp
Cùng với việc giảng dạy theo chương trình, nhiều trường THPT tại TPHCM đã tổ chức ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh lớp 12.
Tùy vào từng điều kiện cụ thể, các trường sẽ lên kế hoạch phụ đạo, ôn tập cho học sinh một cách hợp lý. Trong đó, thầy cô đặc biệt quan tâm đến bổ trợ kiến thức cho học sinh có học lực yếu, kém.
Không tạo áp lực
Ngay từ đầu học kỳ II, bên cạnh việc thực hiện chương trình, các trường THPT tại TPHCM đã lên kế hoạch, tập trung ôn tập cho học sinh.
Trường THPT Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có gần 500 học sinh lớp 12. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, do học sinh của trường nằm ở phân khúc điểm đầu vào lớp 10 còn thấp nên nhà trường hết sức chú trọng đến công tác ôn luyện thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là đối với những em có năng lực học tập chưa được tốt.
Căn cứ kết quả kiểm tra học kỳ I, Trường THPT Thủ Thiêm đã xây dựng kế hoạch phụ đạo theo nhóm học sinh, theo nhóm môn tự nhiên, xã hội cho học sinh lớp 12. Trong quá trình phụ đạo, giáo viên của trường cần lưu ý ngoài việc đánh giá thực chất trình độ học sinh, còn phải hiểu được hoàn cảnh, năng lực, tâm tư, tình cảm của các em. Trên cơ sở đó, giáo viên có biện pháp phụ đạo, hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Giáo viên bộ môn thường xuyên thông báo về tình hình phấn đấu, học tập của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm. Từ đó, trao đổi với phụ huynh học sinh, giúp cha mẹ nắm bắt tình hình thực tế của con em mình. Nếu tiến bộ, các em có thể được không tham gia phụ đạo để tập trung tự ôn luyện. Mặt khác, theo thời gian, danh sách lớp phụ đạo cũng được bổ sung nếu có học sinh sa sút trong học tập.
Tùy vào điều kiện thực tế, giáo viên Trường THPT Thủ Thiêm sẽ có kế hoạch phân công cán bộ, giáo viên tuyên truyền, vận động gia đình quan tâm phối hợp cùng với nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia lớp phụ đạo. Nhà trường dành chiều thứ 4 và ngày thứ 7 để phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Giáo viên bộ môn từng lớp sẽ lên danh sách và sẽ được cập nhật cải thiện, em nào có tiến bộ mời phụ huynh đến trao đổi để đưa ra khỏi lớp phụ đạo.
“Tương tự với quá trình học chính khóa thấy em nào chưa ổn lại đưa vào nhóm phụ đạo để tiếp tục ôn tập cho các em nắm vững kiến thức. Đến khi kết thúc kiểm tra học kỳ 2, nhà trường tổ chức ôn luyện, giải đề thi mẫu cho học sinh. Tất nhiên trong quá trình ôn tập thầy cô luôn có những phương pháp để không gây áp lực cho học sinh nhất là giai đoạn gần đích như hiện nay”, thầy Tùng chia sẻ.
Không để học sinh yếu ở lại phía sau
Tương tự, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), từ đầu năm học 2022-2023, Ban giám hiệu đã đưa ra kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12. Theo đó từ học kỳ 2, nhà trường xây dựng kế hoạch tăng tiết ôn tập, trong đó, đặc biệt chú trọng rà soát phân chia học sinh yếu, kém để có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Phân công giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm theo dõi, động viên, hỗ trợ kịp thời khi học trò gặp khó khăn.
Cô Trần Thị Minh Đức, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, bên cạnh những học sinh có học lực khá, giỏi, các em có năng lực học tốt thì ở trường học đều có những em năng lực học tập còn yếu. Đối với những học sinh này, mỗi em sẽ có một hoàn cảnh khác nhau, không hẳn các em yếu toàn diện, mà đôi khi chỉ bị hạn chế ở một số môn học.
Chính vì vậy, từ đầu năm học 2022-2023, nhà trường đã yêu cầu giáo viên các bộ môn cũng như thầy cô chủ nhiệm tổ chức rà soát và lập danh sách số học sinh khối 12 của trường có học lực yếu. Căn cứ kết quả rà soát, các trường xây dựng kế hoạch thực hiện kèm bảng phân công giáo viên phụ trách, thời gian tổ chức,... để tổ chức lớp phụ đạo cho các em.
“Với học sinh yếu, kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao mà chúng ta cần các em đạt ở mức trung bình là đã thành công. Trong các tiết học phụ đạo, thầy cô sẽ giúp các em ôn tập kiến thức cơ bản, luyện các dạng bài tập và giải đề. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng động viên một số em học khá, giỏi hỗ trợ, giúp đỡ các bạn học yếu. Qua đó vừa để củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ”, cô Đức chia sẻ.
“Nhà trường cũng đã tổ chức kiểm tra tập trung giữa kỳ giống với hình thức tương tự thi thử, giúp học sinh quen với không khí làm bài. Trong kỳ kiểm tra tập trung, ban giám hiệu cũng đặc biệt lưu ý khâu ra đề đảm bảo tính vừa sức với năng lực học tập của học sinh. Bởi nếu đề thi khó quá học sinh làm bài điểm thấp sẽ dễ gây chán nản, còn nếu quá dễ, các em sẽ có phần chủ quan”, thầy Tùng cho hay.