Dồn sức sản xuất những tháng cuối năm
Trong 9 tháng vừa qua, sản xuất công nghiệp cả nước cũng như Đồng Nai duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Các doanh nghiệp (DN) đã có sự chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tìm thêm các đơn hàng mới.
Triển vọng tích cực nhưng còn đó không ít khó khăn. Sự phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các ngành sản xuất, hay với các DN cụ thể. Để hoàn thành kế hoạch của năm đã đề ra, các đơn vị đang dồn sức cho 3 tháng còn lại của năm.
Tiếp đà hồi phục
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, GDP của tỉnh tăng trưởng hơn 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tiếp đà hồi phục; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng hơn 8,3% so với cùng kỳ, đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng.
Đối với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2024 cho thấy, có 34,7% số DN đánh giá tình hình SXKD tốt hơn so với quý II; 42,6% DN cho rằng tình hình SXKD ổn định và 22,7% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV có 42,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 40,4% cho rằng tình hình SXKD ổn định và 17,4% dự báo khó khăn hơn.
Tại Đồng Nai, trong tháng 9-2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng và trong xu hướng phục hồi tích cực, nhiều DN tiếp tục mở rộng sản xuất, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất thích ứng với điều kiện thực tế. Có 25/27 ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng so với tháng trước, khi mà các DN tập trung sản xuất đủ đơn hàng với số lượng lớn trước khi cung ứng ra thị trường, xuất bán tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng lao động đang có xu hướng tăng, nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện, nước.
Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội, từ nay đến cuối năm, các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển từ 15-18 ngàn lao động.
Nỗ lực trong những tháng cuối năm
Với những DN có vốn đầu tư nước ngoài, sự chủ động trong SXKD là điều khá rõ.
Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Scavi (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Ngô Trường An, tình hình lao động việc làm của công ty từ đầu năm đến nay ổn định. Có đơn hàng nên DN đang tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, vấn đề là việc tuyển dụng nhân sự ngày một khó khăn hơn cũng ảnh hưởng đến việc sắp xếp hoạt động sản xuất của DN.
Trong khi đó, tại một số DN nhỏ và vừa thì các ngành sản xuất cũng như đối với bản thân từng DN còn phải đối diện với nhiều thử thách.
DN chuyên thiết kế, chế tạo các loại cửa nội thất bằng nhôm cho công trình xây dựng, Giám đốc Công ty TNHH Cửa An Gia (huyện Long Thành) Đinh Đức Điền cho hay, tình hình SXKD tương đối chậm. Nguyên nhân là thị trường bất động sản, xây dựng thời gian qua chững lại, kéo theo các ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ cũng bị ảnh hưởng. Dự án lớn triển khai ít trong khi khối xây dựng dân dụng lại không sôi động bằng những năm trước. Hiện tại, các phòng, ban của công ty đang phải chạy đua để tìm thêm đơn hàng, nỗ lực thực hiện kế hoạch sản xuất đã đề ra.
Tương tự, năm nay ngành gỗ Việt Nam phấn đấu xuất khẩu 17,5 tỷ USD, bằng với mức của năm 2023, nhưng có thể năm nay là năm thứ 2 liên tiếp không đạt mục tiêu nói trên vì thị trường khó dự báo. Trong 9 tháng của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ mang về 12,5 tỷ USD nhưng mục tiêu 5 tỷ USD trong 3 tháng còn lại rất khó thực hiện. Riêng Đồng Nai, năm nay phấn đấu mục tiêu đạt 1,4 tỷ USD xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, con số này có khả năng thực hiện nhưng nếu so với mức 1,86 tỷ USD đạt được của năm 2022 lại là bước lùi đáng kể.
Phân tích sâu hơn ngành gỗ thì khối DN nước ngoài có phần phục hồi tốt hơn DN nội địa. Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai Võ Quang Hà cho hay, thời gian qua, các DN trong ngành đã tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước. Các DN cũng chú trọng hơn đối với thị trường nội địa vì thị trường này hầu như còn bỏ ngỏ.
Văn Gia
Theo khảo sát của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, hoạt động sản xuất toàn cầu suy yếu trong tháng 9 do nhu cầu giảm và bất ổn kinh tế. Căng thẳng leo thang ở Trung Đông khiến cho sự lo ngại về biến động giá dầu ngày càng gia tăng, kéo theo chi phí khác của các ngành sản xuất tăng lên.