Đòn tâm lý ẩn sau chiêu lừa đảo 'con cấp cứu ở viện'
Kẻ lừa đảo sử dụng nỗi sợ hãi làm lu mờ sự tỉnh táo của nạn nhân, từ đó tung đòn kết liễu khiến họ phải chủ động dâng tiền cho chúng.
Như VietNamNet đã đưa tin, thời gian qua, chiêu lừa “con cấp cứu ở viện” đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Kể từ đầu tháng 3 đến nay, chỉ trong ít ngày, hàng loạt phụ huynh tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Kẻ xấu thường tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế để gọi điện thông báo cho nạn nhân về việc con cháu họ bị té ngã khi hoạt động thể dục, bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền mổ gấp,...
Chúng thậm chí cung cấp thông tin chính xác về tên, tuổi học sinh nhằm tạo sự tin tưởng với các bậc phụ huynh để họ yên tâm chuyển khoản. Nhiều nạn nhân đã bị lừa và chiếm đoạt số tiền lên tới cả trăm triệu đồng.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, ở những vụ việc nêu trên, kẻ xấu đã sử dụng sự sợ hãi như một thứ vũ khí để đánh đòn tâm lý đối với các vị phụ huynh.
Theo ông Ngô Tuấn Anh - CEO Công ty An ninh mạng thông minh SCS, lòng tham và sự sợ hãi là hai yếu tố chính hay được những kẻ lừa đảo sử dụng. Các cuộc gọi lừa đảo theo kiểu “con cấp cứu ở viện”, sau đó yêu cầu người thân chuyển tiền đã đánh trúng vào nỗi sợ của mọi người.
“Khi nhận được thông báo con em mình gặp sự cố đang nằm trong bệnh viện, cần chuyển tiền để xử lý gấp, các bậc phụ huynh luôn mong muốn mọi việc được xử lý nhanh chóng nhất. Trong tình huống đó, sẽ có những người không kiểm tra kỹ dẫn đến việc chuyển tiền cho những kẻ lừa đảo”, ông Ngô Tuấn Anh giải thích.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng tài khoản không chính chủ, chẳng hạn như tài khoản đi mua của người khác. Chúng có thể hoàn tất phi vụ bằng cách rút tiền trực tiếp hoặc chuyển sang tiền mã hóa. Chính vì vậy, việc truy vết kẻ lừa đảo sau đó sẽ gặp không ít khó khăn.
Lời khuyên ở đây là khi nhận được thông tin, người dân cần phải xác minh kỹ càng hơn. Thay vì nghe cuộc điện thoại và chuyển tiền ngay lập tức, các bậc phụ huynh có thể liên hệ với ban phụ huynh hoặc giáo viên chủ nhiệm.
Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam (NCSC) cho biết, để đối phó với những chiêu trò tâm lý, gây sợ hãi của những kẻ lừa đảo, người dân phải chủ động nâng cao ý thức cảnh giác của mình. Đặc biệt là khi nhận các tin nhắn, cuộc gọi, đường link lạ.
"Chậm lại và không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức là điều kiện tiên quyết để tránh sập bẫy lừa đảo”, chuyên gia NCSC chia sẻ.
Khi gặp phải tình huống trên, cách tốt nhất là các vị phụ huynh cần giữ được sự bình tĩnh, sau đó nên xác nhận lại thông tin với bệnh viện và nhà trường nơi con em mình đang theo học.
“Trong trường hợp nghi vấn có đối tượng giả mạo tung tin bịa đặt để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời”, ông Hiếu nói.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại, cần nâng cao hơn nữa các kiến thức cũng như kỹ năng cho người dân mỗi khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh đó, với những kẻ đứng sau các chiêu trò “con cấp cứu ở viện” thời gian qua, ngoài việc điều tra, bắt giữ, cần công khai các hình thức xử lý, răn đe để những đối tượng có ý định thực hiện hành vi tương tự sẽ không dám tiếp tục thực hiện các phi vụ lừa đảo.