Dọn tâm trí: đơn giản hãy dọn đồ đi

Dọn đồ không chỉ là kiểm soát trật tự và cách sử dụng đồ vật, mà còn là kết nối lại với chính mình.

Những khi tâm trí bận rộn với các tạp niệm, tôi tập ngồi thở và quan sát cơ thể mình. Cách này chỉ hữu dụng với tôi khi đang chứa đựng cảm xúc quá mạnh.

Nếu cảm xúc ở mức nhấp nhỉnh, lai rai, sự vận động có vẻ có ích hơn. Chạy đều đều, quét nhà thong thả, làm một món ăn giản đơn… Trong những cách vận động giúp an bình lại tâm trí, tôi thích nhất là dọn dẹp.

Có lúc tôi từng thức dậy buổi sáng, cuống cuồng chuẩn bị cho công việc của một ngày mới và mặc kệ đống chăn màn lộn xộn. Tôi tặc lưỡi, đằng nào buổi tối cũng ngủ tiếp. Có những lúc chiếc bàn chất đống sách vở, giấy tờ. Càng nhìn chúng tôi càng thấy còn nhiều việc dang dở quá. Những lúc như thế, tinh thần ít vui, đầu óc hỗn độn ngang ngửa đống lộn xộn chăn màn, sách vở kia. Tôi đã từng giải quyết xong công việc cho nhàn nhã, rồi dọn đồ. Cho đến ngày, tôi phát hiện ra, làm ngược lại có ích hơn nhiều. Thì ra, tạo không gian sống ngăn nắp, đẹp mắt trước khi bước vào bất kì kế hoạch nào có thể tiếp thêm rất nhiều năng lượng.

Hơn cả thế, khi dọn dẹp, đồ vật đánh thức những cảm xúc trân trọng cuộc sống và mở ra những cách nhìn mới về giai đoạn đã qua.

Tôi bắt đầu dọn dẹp tủ quần áo, soạn ra những đồ mình thường mặc và những đồ không còn được sử dụng hoặc không muốn mặc tiếp nữa. Những hình ảnh kí ức được tái hiện trong lúc gấp gọn để từ biệt những bộ đồ đó.

Này là đồ đã gắn bó với những chuyến du lịch, có nắng, có gió, có tiếng cây lá rì rào, có vị mặn mòi vắt qua những cung đường ven biển. Này là bộ đồ từng được kì vọng mặc trong một dịp tưởng tượng đã không xảy ra. Này là những bộ đồ mua hàng cũ. Ôi chao, có dạo tôi đã mua hàng cũ nhiều như thế ư? Có chiếc đẹp cứ muốn mặc mãi, có nhiều chiếc mua chỉ vì rẻ mà thôi. Giai đoạn cuồng nhiệt mua đồ cũ cũng là khoảng thời gian mà cảm nhận không xứng đáng chất chứa trong lòng tôi nhiều nhất.

 Những khi tâm trí bận rộn với các tạp niệm, dọn đồ giúp bạn kiểm soát trật tự và kết nối với chính mình. Nguồn: hna.de.

Những khi tâm trí bận rộn với các tạp niệm, dọn đồ giúp bạn kiểm soát trật tự và kết nối với chính mình. Nguồn: hna.de.

Hồi trước, tôi thường cất tất chân trong một chiếc túi. Chiếc túi ngày một to lên, vì bọn tất mãi không hỏng và tôi cứ có nhiều thêm. Mẹ lại mua tất tặng tôi mỗi khi đi chợ tìm được hàng có chất lượng tốt. Có lúc tôi thấy hơi phiền vì đã có quá nhiều và không muốn thêm nữa, nhưng nghĩ đó là sự quan tâm của mẹ, nên nếu vứt bớt đi thì thật áy náy. Mỗi lần định “kí quyết định” nghỉ hưu cho một đôi tất dày, tôi lại nhớ đến câu nói của mẹ “Chà chà, nhờ loại tất này mà mẹ được giữ ấm khi tuyết rơi đấy”. Thế là khỏi “kí quyết định” nữa.

Nhưng ngày hôm ấy, tôi đã nói lời tạm biệt với nhiều đồ đạc. Sự tích trữ đồ đạc tượng trưng cho cảm giác níu kéo những điều đã qua. Sự tích trữ và níu kéo không còn dắt hành vi của tôi nữa.

Chiếc túi tất chân vơi đi một nửa. Kì diệu thay, khi nhìn lại số tất được giữ lại và số tất sẽ ra đi, trong lòng tôi dâng lên một cảm xúc ấm áp và biết ơn mà ngôn từ khó truyền tải được. Điều mà trước đây tôi từng thấy hơi phiền, nay hiện diện thành tình yêu trong cách quan tâm của mẹ. Lúc trước, tôi ý thức được về cách quan tâm, nhưng giây phút ấy, sự quan tâm chạm vào từng giác quan, sống động đến thế. Giữa “biết” và “cảm nhận được” thì ra là một khoảng cách xa đến vậy.

Trong lúc dọn đồ, ta sẽ gặp lại những kỉ vật cũ. Có những món đồ sẽ được lưu giữ xuyên thời gian. Có những món đồ sẽ được ngôn từ gói lại thành một sự đánh thức tâm trí, rồi để đồ vật đó ra đi.

Có lần, khi đang sắp xếp lại bưu thiếp từ thuở thiếu niên, tôi tìm thấy một tờ giấy gói quà. Đó là giấy gói món quà mà tôi được nhận từ một người bạn lâu rồi không gặp. Mối quan hệ giữa chúng tôi có rạn nứt lớn. Ấn tượng cuối cùng của tôi về tình bạn ấy trong tôi không tốt đẹp gì. Nhưng khi nhìn tấm giấy gói ấy, tôi mới ngỡ ra, có giai đoạn mình từng trân trọng thành ý của bạn ấy như vậy. Đặt tấm giấy về phía những đồ vật sẽ ra đi, tôi không ngờ ngay ngày hôm sau, tình cờ gặp lại bạn ấy. Không có động lực nói chuyện lại, nhưng trong tôi không còn cảm xúc tức giận nữa rồi. Vũ trụ này thật diệu kì khi gửi những tín hiệu để hỏi xem chúng ta đã sẵn sàng sống cuộc đời nhẹ nhõm hơn chưa.

Rồi tôi đọc lại những bức thư thuở thiếu thời. Hình dung của tôi về chính mình thời niên thiếu là một đứa trẻ cực đoan. Có những bạn tôi quý mến và nhóm còn lại thì không để tâm. Nhìn lại các kỉ vật, tôi nhìn lại chính mình, thực tế của tuổi niên thiếu. Tôi tìm thấy một xấp thư tay được viết vào mùa hè nhận giấy báo đỗ đại học. Đó là thư hỏi thăm một số người bạn cấp hai dù không thân thiết. Có bạn gửi lại cho tôi bức thư dài lắm, chọn giấy đẹp và nói rằng đã vui biết bao khi nhận thư liên lạc từ tôi. Hóa ra, tôi không phải đứa trẻ ương ngạnh như tôi hằng tin.

Rồi tôi lọc đến những bức ảnh được rửa từ một thời đã cũ. A đây rồi, một bức ảnh tôi từng không muốn nhìn thấy. Nhưng có lẽ trong thâm tâm vẫn muốn hiểu điều gì đó nên đã giữ lại. Đó là ảnh tập thể hồi lớp 7. Trông tôi thật xấu xí, sao lại có thể đen đúa, già nua, cục mịch, nét mặt khổ sở cứng nhắc đến thế. Còn các bạn trông thật sáng láng và thoải mái. Nhiều lần tôi cố suy nghĩ tích cực, rằng mặt xấu thế thôi, chứ những ngón tay đẹp chưa này. Kết quả là vẫn chẳng thể giấu được sự thật: tôi ghét hình ảnh bản thân khi đấy.

Nhưng vào buổi dọn dẹp hôm đó, nhìn vào bức ảnh, lần đầu tiên tôi cảm thấy thương cô bé đầu tuổi thiếu niên năm ấy. Sự khắc khổ không phải tự nhiên mà có, mà là những chịu đựng tinh thần chưa tìm được lối ra. Ngày hôm ấy, tôi muốn nói với phiên bản thiếu niên của tôi rằng: “Không sao đâu, gần 20 năm nữa thôi, chúng mình sẽ cùng thanh lọc những khắc khổ này. Yêu thương em nhiều lắm!”. Ngày hôm nay, tôi đã có thể cười đùa với những tấm hình trước đây của mình. Bức ảnh chụp dù không đẹp xinh cũng có bao điều đáng yêu đằng sau đó.

Con người chúng ta không chỉ sống dưới lớp da này, mà còn hiện diện ở đồ vật nơi mình sống. Chúng ta có thể dùng cái đầu nhỏ nhắn để suy ngẫm về bản thân, hoặc kết nối với đồ vật để tìm thấy và cảm nhận về những khía cạnh mà trước nay chưa từng ngẫm tới. Dọn đồ không chỉ là kiểm soát trật tự và cách sử dụng đồ vật, mà còn là kết nối lại với chính mình.

Bạn thân mến à, lúc nào đó, hãy thử dọn đồ thật chậm rãi nhé!

Đặng Hoàng Ngân / Quảng Văn Books - NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/don-tam-tri-don-gian-hay-don-do-di-post1425689.html