Đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui tươi và an toàn

Do tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ năm nay đã bị hoãn lại bảo đảm tinh thần đón năm mới an lành và đầy ý nghĩa. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh yêu cầu các chùa Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng trao dụng cụ và hóa chất phòng, chống dịch Covid-19 tặng các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại các xã vùng biên giới biển.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng trao dụng cụ và hóa chất phòng, chống dịch Covid-19 tặng các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại các xã vùng biên giới biển.

Do tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ năm nay đã bị hoãn lại bảo đảm tinh thần đón năm mới an lành và đầy ý nghĩa. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các tỉnh yêu cầu các chùa Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Tạm hoãn các hoạt động lễ hội

Cũng như Tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa đón mừng năm mới nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mọi sinh hoạt Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đều diễn ra tại chùa. Chùa Kh’leang là một trong những ngôi chùa cổ nhất tỉnh Sóc Trăng, có khuôn viên rộng khoảng 4.000 m2 năm nay được trang hoàng như mọi năm nhưng thiếu vắng các cụm sân khấu và khu hội tụ các phật tử sinh hoạt các trò chơi dân gian hay múa tập thể. Bàn ghế ngồi được sắp xếp giãn cách nhau, có tài liệu chỉ dẫn cách phòng, chống dịch bệnh bằng tiếng Khmer. Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, cho biết, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra trong bối cảnh đất nước và thế giới đang chống dịch Covid-19, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đang bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Những khó khăn đó tác động nhiều mặt đến đời sống của nhân dân và tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Vì vậy Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu các sư sãi, phật tử tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Hòa thượng Tăng Nô giải thích, việc thực hiện nghi lễ tại chùa là một truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay nếu tụ tập đông người sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Các vị hòa thượng, thượng tọa đã nhất trí với quy định cấm túc của Giáo hội theo phương châm “nơi nào không có dịch bệnh là nơi tạo ra phước lành”. Vì vậy, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng kêu gọi chư tăng cùng toàn thể phật tử tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tổ chức đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây phù hợp tình hình và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19.

Tỉnh Trà Vinh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với hơn 320 nghìn người dân tộc Khmer, chiếm 31% dân số tỉnh. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ chỉ diễn ra trong ba ngày; năm nay là năm nhuận cho nên Tết kéo dài thêm một ngày. Đây là lễ, Tết lớn nhất của đồng bào Khmer nên có rất nhiều nghi lễ và hoạt động có rất đông phật tử tham dự; như diễu hành rước Đại lịch, đắp núi cát, tắm tượng Phật, cầu siêu, cầu an và tắm sư, tắm cha mẹ... Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cho biết, ngày 27-3, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh đã có Công văn số 32/CV-BTS gửi chung các ban, ngành thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự các huyện, thị xã, thành phố, chư tôn đức tăng, ni, trụ trì các cơ sở tự viện, cư sĩ, tín đồ phật tử trong tỉnh yêu cầu tạm dừng các hoạt động phật sự, hoạt động tôn giáo tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Riêng về việc tổ chức Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ năm nay, ngày 4-4, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã gửi thông báo đến các Sư cả, Ban Trị sự 143 chùa trong tỉnh, yêu cầu nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt tinh thần của Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó hướng dẫn một số việc cụ thể như: trong các ngày Tết Chôl Chnăm Thmây phải giữ vệ sinh môi trường trong chùa và trong cộng đồng, không buôn bán, ăn uống và sử dụng đồ dùng không hợp vệ sinh. Không tổ chức nghi lễ đón rước Đại lịch mừng năm mới theo phum sóc, đón mừng năm mới theo gia đình để tránh tình trạng tập trung đông người. Không tổ chức liên hoan, văn nghệ, trò chơi dân gian, đắp núi cát. Không tổ chức cầu an, cầu siêu tập thể, giữ khoảng cách an toàn 2 m khi thăm hỏi, chúc mừng nhau. Ngày trọng đại Lễ tắm Phật cũng không được tập trung đông người, có thể chia ra trong bốn ngày Chôl Chnăm Thmây, hoặc theo từng người, từng gia đình riêng lẻ. Mỗi phật tử cần chung tay cùng cộng đồng ngăn chặn dịch bệnh và thực hiện nghiêm các chỉ thị, công văn về phòng, chống dịch mà Trung ương và tỉnh Trà Vinh đã ban hành.

Bảo đảm chống dịch tốt, vui đón Tết an lành

Đồng bào Khmer tỉnh An Giang sinh sống tập trung vùng Bảy Núi gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ngay thời điểm này do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà con hiểu rõ nguy hại của dịch bệnh, nên vui vẻ đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây ở nhà, không tập trung đông người hay kéo nhau đi chùa như những năm trước để bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung như chúc mừng 66 chùa Nam tông Khmer nhưng không thành lập đoàn đến thăm, chúc mừng mà giao UBND huyện thăm viếng trên tinh thần gọn nhẹ, nội bộ, không tập trung đông người.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ gần 4.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào Khmer vui Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây với kinh phí hơn 13 tỷ đồng; hỗ trợ 50 gia đình chính sách là đồng bào Khmer mỗi hộ 500 nghìn đồng vui Tết; chúc mừng và trao quà Tết tặng 84 người có uy tín là đồng bào Khmer; chúc mừng và tặng quà các Trường Phổ thông dân tộc nội trú, THCS nội trú, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú trong tỉnh; chúc mừng các phòng dân tộc huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số và các hoạt động khác.

Thượng tọa Tăng Sa Vông, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, kiêm Trụ trì chùa Khmer tại xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi khẳng định: Mặc dù cách đây gần một tháng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức thông tin tình hình dịch Covid-19 đến các vị sư sãi, Acha, các vị trụ trì chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã thông tin cho các vị sư sãi biết: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ về các biện pháp cấp bách, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn lây lan, năm nay Tỉnh ủy và UBND tỉnh không tổ chức các hoạt động tụ tập đông người, không tổ chức đoàn cán bộ đông người đi chúc Tết Chôl Chnăm Thmây như mọi năm. Tuy nhiên, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể trong tỉnh tập trung chăm lo, giúp đỡ đồng bào Khmer, nhất là những hộ nghèo bằng những việc làm rất cụ thể, thiết thực…

Trước đó, các vị hòa thượng, thượng tọa và Chi hội Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước của các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất, cam kết thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của địa phương trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, trong các ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2020, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh yêu cầu các vị trụ trì và ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho đồng bào Khmer trong tỉnh cách thức phòng, chống dịch bệnh. Tại Chùa Bốn Mặt - còn có tên gọi là chùa Buôl Pres Phek, tọa lạc tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, các vị sư sãi tiến hành vệ sinh chùa sạch sẽ, tạo môi trường thoáng mát. Các cửa ra vào đều đặt chai dung dịch sát khuẩn. Mọi người trong chùa đều thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách an toàn theo khuyến cáo. Những ngày này, các phật tử mang cơm đến chùa để cúng theo phong tục cũng theo trình tự và số người hành lễ không quá hai người…

Thượng tọa Lý Minh Đức, Trụ trì chùa Som Rong, TP Sóc Trăng cho biết, theo thông lệ mỗi tháng phật tử có sáu lần tập trung vào chùa dâng cơm, cúng dường và nghe tụng kinh, thuyết pháp. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và để bảo vệ sức khỏe của đồng bào phật tử, các hoạt động cúng đông người tại chùa đã tạm dừng. Thượng tọa Lý Minh Đức cho biết: Trong trường hợp các phật tử có việc thì liên hệ sư trụ trì, ban quản trị chùa qua điện thoại, nếu việc rất cần thiết phải vào chùa thì phải mang khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Sư trụ trì và ban quản trị chùa cũng tuyên truyền, vận động bà con phật tử thực hiện nghiêm các quy định chung về công tác phòng, chống dịch, với thông điệp mỗi người hãy ở tại nhà thực hiện các nghi lễ theo truyền thống quy mô nhỏ, tiết kiệm, không tập trung đông người. Hơn nữa, để thực hiện nghi thức cúng ông bà quá cố, các phật tử chỉ cần cung cấp danh sách tên người quá cố để các vị sư làm lễ cầu siêu chung, và phật tử không cần đến chùa.

Bài và ảnh: DUY PHONG, BƯỜNG SONG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44049502-don-tet-co-truyen-chol-chnam-thmay-vui-tuoi-va-an-toan.html