Đón Tết cùng các em mồ côi, cơ nhỡ
Những trẻ mồ côi, khuyết tật, cơ nhỡ được sắm quần áo mới, lì xì, ăn bánh chưng… và cùng quây quần đón Tết thật cảm động.
Ngày mùng 2 Tết (13-2) , hàng chục trẻ mồ côi, khuyết tật, cơ nhỡ đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ tổng hợp (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) được đưa đi dạo chơi TP Pleiku.
Bà Võ Thị Bắc, Trưởng phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết dịp Tết này, trung tâm tổ chức đón Tết cho 54 em (dưới 1 đến 22 tuổi) mồ côi, cơ nhỡ.
Những năm trước, cứ đến dịp cuối năm là người thân các em đón về nhà cùng ăn Tết. Năm nay, do ảnh hưởng Covid-19 nên không thể về nhà cùng người thân, nhiều chương trình ý nghĩa của trung tâm đã lên kế hoạch trước đó bị dừng do việc hạn chế tập trung đông người.
Do đó, trong dịp Tết, trung tâm đã mua sắm quần áo mới, tổ chức cho các em chơi những trò chơi dân gian, cùng gói bánh chưng, tổ chức phiên chợ Tết và cùng giao lưu văn nghệ. Ngoài ra, mỗi phòng cũng không thể thiếu cây mai, cành đào, bánh kẹo và bữa cơm giao thừa.
"Kinh phí còn hạn hẹp, nhưng mỗi năm chúng tôi đều cố gắng kêu gọi xã hội hóa để lo một cái Tết đủ đầy cho các cháu bớt mặc cảm" - bà Bắc nói.
Tại trung tâm có 4 căn nhà 2 tầng khang trang luôn ngăn nắp, sạch sẽ. Các em ở đây được ở trong các khu nam nữ riêng biệt và có một cán bộ quản lý chung.
Những ngày cuối năm, những căn nhà nhộn nhịp hơn hẳn khi những đứa trẻ kém may mắn chia nhau mỗi người một việc, em quét sân, em lau chùi bàn ghế, nhà cửa, em trang trí cây mai, đào để chuẩn bị đón Tết. Một số em mang rổ đến nhận bánh chưng theo tiêu chuẩn 1 em 2 chiếc rồi đem về phòng mình để cùng ăn.
Nhân vật "nổi tiếng" nhất trong trung tâm này là Đinh. T (11 tuổi, người dân tộc Ba Na, xã Đắk Kơ Ning, huyện Kông Chro). Cách đây hơn 3 tháng, Đinh T. đã nổ súng tự chế bắn vào gia đình chị gái 28 tuổi khi đang ăn cơm tại chòi rẫy khiến 3 người bị thương. Công an vào cuộc điều tra mới biết nguyên nhân là do cha mất, mẹ đi lấy chồng khác nên Đinh T. ở cùng gia đình người chị gái. Nhưng gia đình người chị gái hoàn cảnh khốn khó, cơm không đủ ăn nên Đinh. T thường xuyên bị bỏ đói. Cái đói khiến Đinh.T chờ gia đình chị ăn xong rồi lục tìm cơm nguội hoặc lẻn vào nhà dân ăn vụng. Chính vì vậy, Đinh T. cũng hay bị chị phát hiện và la mắng.
Lâu ngày, Đinh T. nảy sinh lòng thù hận và đã nổ súng (trộm được trước đó) bắn gia đình chị gái. Do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc đưa vào trường giáo dưỡng nên Đinh T. dược đưa vào trung tâm nuôi dưỡng.
Theo anh Đinh Văn Bí, người trực tiếp dạy dỗ cho Đinh T. thì lúc mới vào trung tâm, Đinh T. rất rụt rè, hay ngồi một mình và không nói được tiếng phổ thông. Những hoạt động thường ngày của trẻ 11 tuổi khác như cầm đũa ăn cơm, tắm rửa hay quét dọn… Đinh T. cũng không biết.
Do đó, trung tâm cử anh Bí, cũng là người dân tộc Ba Na vừa quản lý, dạy dỗ cho Đinh T. Qua hơn 3 tháng, Đinh T. đã hòa nhập tốt, nói được ít câu tiếng phổ thông, cùng các bạn trong phòng dọn dẹp, ăn uống biết cầm đũa, vui chơi trong khu tập thể.
Thấy tôi đến hỏi chuyện, Đinh T. vòng tay chào. Qua những lời phiên dịch, Đinh T. kể vào đây lần đầu tiên trong đời được ăn cơm no, được đưa đi siêu thị chơi. Tết này còn được ăn bánh chưng, mặc quần áo đẹp và được lì xì nên rất vui.
Trong khi bạn bè đều vui cười hớn hở thì em Vũ Thị T.T (14 tuổi, trú huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lại phảng phất nỗi buồn khi năm nay, bố mẹ em vẫn "mất tích", còn người bác – người thân duy nhất lại không thể tới đón 3 chị em về vì dịch bệnh.
Từ năm 2019, khi bố mẹ cùng bỏ đi, ngân hàng đến xiết nợ căn nhà thì Vũ Thị T.T cùng 2 em 8 và 10 tuổi được đưa đến trung tâm nuôi dưỡng. Bé gái 14 tuổi vẫn nhớ như in, vừa ăn Tết năm 2019 xong thì mẹ dặn ở nhà chăm sóc em, mẹ đi vào TP HCM làm kiếm tiền trả nợ, sau đó thì cha cũng bỏ đi. Từ đó, đến nay Vũ Thị T.T không thấy cha mẹ trở về nữa.
"Tết năm ngoái, bác em đón ba chị em về nhà bác để ăn Tết. Năm nay, tuy ăn Tết ở trung tâm, nhưng cũng vui lắm. Nếu được gặp bố mẹ thì còn tốt hơn nữa" - Vũ Thị T.T nói.
Tại trung tâm, mỗi trẻ mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều là những trẻ không may mắn. Tết này, gạt đi tất cả những bất hạnh, những phút yếu lòng, các em cùng nhau đón cái Tết và ước nguyện về năm mới với những điều tốt đẹp hơn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/don-tet-cung-cac-em-mo-coi-co-nho-20210213100206226.htm