Đón Tết đừng quên phòng các bệnh hay gặp
Ðể vui Tết trọn vẹn, người dân cần chủ động giữ gìn sức khỏe và phòng tránh các bệnh dễ 'tấn công' trong dịp này.
Bệnh hô hấp
Hen phế quản: Ðối với những người có cơ địa dị ứng, sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng… sẽ bị co rút khí quản, tạo ra các cơn hen gây khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể gây suy hô hấp.
Viêm phổi: Người bị viêm phổi thường có các triệu chứng như: sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở… Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm khí - phế quản cấp: Bệnh thường do các loại virus cúm gây ra. Triệu chứng của bệnh là hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau người, mệt mỏi, nặng có thể dẫn tới đau ngực khó thở. Khi mắc bệnh, phải điều trị kịp thời, dùng thuốc đủ liều lượng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Phòng ngừa đột quỵ
Ngoài yếu tố thời tiết, việc ăn uống, vận động và sinh hoạt thiếu điều độ trong dịp Tết cũng khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao.
Ðể phòng ngừa đột quỵ, người bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được bỏ thuốc, quên thuốc. Khi có biểu hiện cần phải ngừng mọi hoạt động, nằm ở một nơi yên tĩnh và gọi ngay cấp cứu khi thấy những dấu hiệu sau: mệt mỏi, tê ở cánh tay, chân, mặt hay một bên cơ thể; hoa mắt, choáng váng, không nhìn thấy rõ mọi vật; xây xẩm mặt mày, đứng không vững, khó nghe và khó nói.
Ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa
Tết là thời gian nghỉ ngơi, ăn uống nhiều, đây cũng là thời điểm dễ xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, gây tiêu chảy. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do ăn nhiều loại thức ăn, thức ăn "kỵ" nhau, ăn nhậu kéo dài, ăn những món lạ... Ða phần bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, sốt nhẹ và mệt mỏi nhiều.
Trường hợp bị rối loạn tiêu hóa do ăn uống thất thường như: ăn quá nhiều, quá ít, không đúng bữa, nhiều mỡ, nhiều đạm... sẽ gặp các triệu chứng thông thường là tiêu chảy, táo bón, sình bụng và tình trạng chậm tiêu hóa, ăn không biết ngon, đi phân sống, trong phân có những thức ăn còn nguyên như chất mỡ, chất thịt...
Khi bị ngộ độc thức ăn không cần uống thuốc ngay, cần xử trí nhanh bằng cách gây nôn cho ra các thực phẩm đã ăn hoặc thức ăn khi bị phân hủy, tiêu hóa hết là bệnh sẽ đỡ. Nhưng nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài đến ngày thứ 2-3 thì nên đưa bệnh nhân đi bệnh viện để được khám và điều trị.
Bệnh lý liên quan đến gan
Lá gan khỏe cũng chỉ có thể xử lý được một lượng cồn không quá 30gr mỗi ngày (tương đương với 1 lon bia 250ml hoặc 100ml rượu vang hoặc 25ml rượu nồng độ 40%). Nếu vượt quá giới hạn trên, hệ thống men chuyển hóa cồn của gan bị quá tải, không thể thải độc, nên các chất độc hại của cồn sẽ tích tụ làm tổn thương gan, gây tụ mỡ, viêm gan và cuối cùng có thể dẫn đến xơ gan.
Ðể bảo vệ sức khỏe trong dịp Tết cần lưu ý
Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân; không nên đi xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày thời tiết giá lạnh cần tránh ra ngoài trời, đặc biệt là không ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia…để phòng cảm lạnh.
Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp.
Người có bệnh mạn tính nhớ uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.
Về ăn uống, tránh quá bữa, bỏ bữa nhưng cũng không ăn quá nhiều bữa, dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn vừa phải.
Cần giảm các thức có nhiều mỡ, tránh ăn các thực phẩm như thịt mỡ và các phủ tạng, hạn chế uống nước ngọt, ăn mứt, bánh kẹo, nhớ uống đủ nước, nên ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp cho cơ thể đủ lượng các chất khoáng, các loại vitamin nhất là các vitamin C, E, beta-caroten… là những chất chống oxy hóa mạnh.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh truyền nhiễm và tiêu hóa.