Đón Tết ở quê hương - Niềm vui trọn vẹn của những người Việt xa xứ
Với những người con xa quê, Tết càng ý nghĩa hơn khi được ở cạnh người thân và hít thở bầu không khí thân thuộc nơi quê nhà.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới lại bồi hồi nhớ về quê hương, gia đình và đặc biệt là nhớ về ngày Tết cổ truyền với những tình cảm, mong ước tốt đẹp nhất. Với những người con xa quê, Tết càng ý nghĩa hơn khi được ở cạnh người thân và hít thở bầu không khí thân thuộc nơi quê nhà.
Ký ức ùa về
Gần 49 năm ở Washington D.C (Mỹ), cũng gần bằng từng đấy năm gia đình bà Trần Thị Thu đón Tết cổ truyền ở nơi xứ người bên kia bán cầu. Cũng bánh chưng, bánh tét, cũng mứt Tết, hoa mai, hoa đào nhưng với bà Thu Tết nơi xa xứ vẫnbuồn và lạnh lẽo. Có lẽ Tết nơi xứ người dù đủ đầy vật chất nhưng làm sao có được không khí rộn ràng đón xuân, sum vầy bên gia đình hay hòa cùng những bước chân vội vàng mua sắm chiều 30 Tết, hay hồi hộp trong thời khắc giao thừa. Nhưng năm nay thì khác, Tết với bà trọn vẹn và ý nghĩa hơn nhiều khi được trở về đón Tết trên chính quê hương Việt Nam.
Bà Thu kể, khi vừa đặt chân xuống sân bay, đi qua những con phố ngập sắc hoa xuân, dường như ký ức Tết xưa lại ùa về trong tâm trí bà. Đó là sự háo hức khi được mặc quần áo mới, quây quần ấm áp bên người thân, chúc nhau những lời tốt đẹp, đi chùa cầu may đầu năm mới.
Bà Thu chia sẻ: “Ở Mỹ, cái Tết rất lạnh lẽo, chỉ có tổ chức nhỏ nhỏ của cộng đồng mình gom lại với nhau, rất thiếu thốn hình ảnh quê hương. Còn Tết ở Việt Nam thì có sức sống hơn, có nội lực hiện lên từ cái tâm của mọi người nên hoàn toàn khác, trọn vẹn và hạnh phúc”.
Khi hương sắc của mùa xuân theo cánh mai vàng len lỏi vào từng con hẻm thì cũng là lúc người ta lại nôn nao được trở về nhà; được sum vầy bên người thân; bên mâm cơm gia đình đầm ấm; để được sẻ chia những khó khăn và cả những niềm vui sau một năm lao động vất vả. Với mỗi người Việt đó là niềm hạnh phúc trọn vẹn. Và những kiều bào xa quê cũng vậy, chắc rằng trong tâm trí họ luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương và mong muốn đón Tết đúng nghĩa trên mảnh đất quê cha đất tổ.
Tết sum vầy
Anh Lâm Chí Thiện, Việt kiều Australia, dù công việc bộn bề nhưng hơn 20 năm nay, năm nào anh cũng thu xếp thời gian để về thành phố Hồ Chí Minh đón Tết cổ truyền. Bởi, đối với những kiều bào như anh, Tết là cơ hội để gặp gỡ người thân, bạn bè bao tháng ngày xa cách. Anh kể lần đầu tiên về thành phố đón Tết, lúc đó anh chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà, để sà vào vòng tay của người thân, thăm họ hàng, gặp gỡ chòm xóm. Nhiều năm sống và làm việc nơi đất khách, anh Thiện thấu hiểu được nỗi lòng của mỗi kiều bào ta xa quê, đó là luôn dành nỗi nhớ và tình yêu cho quê hương.
Năm nào cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn đón Tết tại quê nhà, nhưng chắc hẳn năm nay, anh Thiện vui hơn bội phần khi chứng kiến đất nước ngày càng đổi mới, thành phố ngày càng đi lên.
Anh Thiện nói: “Tết nguyên đán là tết truyền thống của quê hương nên mọi người trong gia đình rất háo hức chuẩn bị để có được một cái Tết vui vẻ và hạnh phúc. Mình về hồi 92, 94, lúc đó cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn còn khá hạn chế. Nhưng mà bây giờ đường sá rất tốt, rất nhiều cao ốc mọc lên. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, quá nhiều”.
Không thể quên
Còn với anh Danny Võ Thành Đăng – người Việt đang sinh sống và làm việc tại Singapore, mỗi độ Tết đến xuân về, đón giao thừa chính là khoảnh khắc mà anh nhớ mãi không quên. Khi đó mọi thành viên trong gia đình cùng nhau ngồi lại, sum vầy bên mâm cơm cúng tổ tiên. Với anh và những kiều bào khác, không khí đón xuân trọn niềm vui, vẹn ý nghĩa hơn khi năm nào cũng được trở về tham gia chương trình gặp gỡ đầu xuân.
Năm nay, được giao lưu trò chuyện để hiểu nhiều hơn về cuộc sống, về tình cảm của bà con từ nhiều quốc gia trở về với Tổ quốc, anh cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Khi còn được đón Tết trên chính mảnh đất quê hương mình, chính là điều tuyệt vời với những kiều bào xa xứ như anh. Những hoạt động đó đã giúp cộng đồng kiều bào gắn kết với nhau và với đồng bào trong nước, làm cho ngày Tết cổ truyền đủ đầy và nhiều xúc cảm hơn.
Và anh hy vọng, những kiều bào đang vất vả nơi đất khách mà chưa có dịp về thăm quê, một ngày nào đó không xa sẽ được trở về cùng đón xuân, vui Tết: “Hãy trân quý thời gian, hãy dành thời gian mình có được để trở về, được đoàn tụ, đoàn viên, để gặp gỡ những người thân sau bao lâu xa cách. Một thông điệp gửi gắm cho những người đã lâu rồi không về là Hãy về đi, hãy đón một mùa xuân thật ý nghĩa với những người thân của mình”.
Có thể nói, Tết cổ truyền là nét văn hóa thiêng liêng, không thể thiếu và gắn bó trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, làm gì, người Việt khắp nơi vẫn luôn mong muốn trở về để sum họp cùng gia đình, cùng quây quần bên nhau, để góp công góp sức cho quê hương thêm tươi đẹp. Dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào người Việt năm Châu vẫn luôn hướng về cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, để đồng hành và góp một phần nhỏ công sức của mình cho sự lớn mạnh của đất nước chúng ta./.