Đón Tết trong niềm hoài vọng

Đối với người Việt Nam nói chung, người Quảng Trị nói riêng, dù học tập, công tác và sinh sống ở nơi đâu trên thế giới thì tết cổ truyền luôn gợi nhắc những cảm xúc rất đặc biệt. Đó là nỗi nhớ khắc khoải sắc mai vàng rực rỡ, là thèm đến thắt lòng cảm giác cùng nhau quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh chưng, bánh tét trong cái lạnh cuối năm hay một chiếc phong bao lì xì ngày mồng Một... Ở nơi đất khách quê người, họ hướng về quê hương, đón Tết trong niềm hoài vọng.

Mong một lần đón Tết ở quê nhà

“Mỗi lần Tết đến, vào sáng mồng Một, cha tôi trong bộ khăn đóng áo dài thắp hương lên bàn thờ tổ tiên cầu mong cho con cháu, gia đình luôn dồi dào sức khỏe, bình an và may mắn”, kỹ sư điện tử Lê Tài (65 tuổi), quê ở huyện Triệu Phong, định cư tại bang California, Mỹ, nhớ về những ngày đón Tết trên quê hương thời thơ dại. Ông Tài đã trải qua những cái Tết đầu tiên trên đất khách trong nỗi cô đơn. Có năm ở Việt Nam đã gần ngày 30 Tết nhưng bên đó muốn cắm một cành hoa trang trí cho có không khí Tết cũng không biết mua ở đâu. Thành ra những giây phút thiêng liêng ấy, ông một mình đón giao thừa trong tâm tưởng, khi nhiệt độ ngoài trời xuống đến 0oC.

 Tết cổ truyền luôn được gia đình ông Lê Tài tổ chức ấm áp trên đất Mỹ - Ảnh: NVCC

Tết cổ truyền luôn được gia đình ông Lê Tài tổ chức ấm áp trên đất Mỹ - Ảnh: NVCC

46 năm sinh sống trên đất Mỹ, nhất là từ khi có gia đình, năm nào ông cũng tổ chức đón Tết cổ truyền để dạy các con luôn nhớ về quê cha đất tổ. “Ngày 30 tháng Chạp đến, dù giữa tuần bộn bề công việc nơi xí nghiệp, nhà máy hay cuối tuần được nghỉ ngơi, tôi vẫn sắp xếp thời gian dọn dẹp nhà cửa, quét dọn bàn thờ sạch sẽ để đón ông bà, tổ tiên về ăn Tết cũng như cúng giao thừa đón năm mới. Những thứ ở Việt Nam thường dâng cúng vào dịp Tết như bánh chưng, bánh tét; hoa quả ngày xuân như dưa hấu, đu đủ, chôm chôm, dừa, xoài… giờ các siêu thị ở Mỹ cũng đầy đủ cả nên không khí đón Tết nơi xứ người cũng đỡ cô quạnh”, ông Tài chia sẻ. Dịp này, ông thường đưa các cháu đi may áo dài, khăn đóng để đi chúc Tết bà con ngày đầu năm mới được trịnh trọng. Gia đình ông thường tổ chức đón Tết với các bữa ăn thuần Việt, cũng đầy đủ nghi thức như ở Việt Nam. Các con nhỏ chúc Tết người lớn và người lớn lì xì mừng tuổi con cháu. Đến ngày mồng 3 Tết, gia đình tổ chức mâm cúng đưa ông bà tổ tiên để hôm sau trở lại đi làm bình thường.

Đến hôm nay gia đình ông Tài đã có 3 thế hệ trên đất Mỹ. Ông quan niệm đã mang trong mình dòng máu Việt thì dù mang quốc tịch nào cũng phải luôn nhớ về quê cha đất tổ. Vì vậy, ông luôn giáo dục con cháu dù sống xa quê nhưng phải luôn cố gắng giữ vững truyền thống, cốt cách của người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhiều lần về thăm quê, tặng học bổng cho con em nhưng chưa lần nào về đúng Tết, ông Tài cho biết sẽ cố gắng sắp xếp đưa con cháu về quê đón Tết một lần để các cháu cảm nhận đầy đủ không khí đón Tết cổ truyền trên quê hương mình.

Tết ấm nơi xứ lạnh

Một mình bay đến với nước Nga với nhiều hoài bão, Lê Minh Thắng (21 tuổi), sinh viên ngành Tự động hóa sản xuất và công nghệ của Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman, đã 3 lần đón Tết xa nhà. Năm đầu tiên đón Tết trên đất Nga, Thắng cùng các anh, chị sinh viên người Việt đang học tập tại trường quây quần bên nhau đón giao thừa và hình dung không khí ở quê nhà. Giờ này, chắc mẹ mình đang vớt bánh tét ra để chuẩn bị sắp cỗ cúng giao thừa, cha chắc đang lau dọn lại bàn thờ, còn các em chắc đang ôm chặt bộ quần áo mới ngủ quên trên tấm phản... Rồi tự dưng mắt ai cũng rưng rưng.

Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman hiện có 146 sinh viên, thạc sĩ và nghiên cứu sinh người Việt Nam đang theo học. Tết Nhâm Dần - 2022 này kế hoạch đã được đoàn trường thông qua, nếu dịch bệnh được kiểm soát và mọi người đã tiêm đủ vắc xin trong vòng 6 tháng sẽ được cùng nhau tổ chức một bữa tiệc với chương trình văn nghệ thật vui vẻ quy mô toàn trường. Khi nghe đoàn trường thông báo ai cũng háo hức bởi đã rất lâu mọi người không được gặp nhau do dịch bệnh. “Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì mọi người dự định sẽ tổ chức liên hoan đón giao thừa quy mô nhỏ trong mỗi khu ký túc xá. Dù sao thì yêu cầu phòng chống dịch bệnh cũng phải được đặt lên hàng đầu”, Thắng tâm sự.

 Lê Minh Thắng (đội mũ) cùng các bạn sinh viên người Việt tại Nga -Ảnh: NVCC

Lê Minh Thắng (đội mũ) cùng các bạn sinh viên người Việt tại Nga -Ảnh: NVCC

Thắng kể, sinh viên người Nga và quốc tế biết rất ít về tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Tại trường này có dạy môn Văn hóa học. Buổi đầu tiên của môn học này, Thắng đã xin phép thầy giáo dành một giờ để giới thiệu về một số nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các dịp lễ, Tết. Kể từ đó, 3 năm đón Tết trên đất Nga, năm nào Thắng cũng được rất nhiều người bạn nước ngoài nhắn tin, gọi điện chúc mừng, tặng quà đầu năm mới. Thắng tâm sự: “Giới thiệu một nét văn hóa của dân tộc mình đến với bạn bè năm châu, đó cũng là cách để mình được sống trọn vẹn với nó. Bởi vậy, 3 năm đón Tết trong cái lạnh tái tê xứ người nhưng trong lòng em luôn thấy ấm áp”.

Luôn gìn giữ nếp Việt

“Mỗi dịp Tết đến tôi lại thèm được đắm mình trong nắng vàng rực rỡ, được ngắm cội mai già bung nụ đón xuân nơi quê nhà bên dòng Thạch Hãn. Xa quê, tôi luôn thấm thía nỗi nhớ nhà, sự thiếu vắng tình cảm gia đình”, chị Trần Thị Lý, công tác ở Khoa Giáo dục, Đại học Deakin chia sẻ. Chồng chị, anh Nguyễn Giang Thạch công tác tại Khoa Kỹ thuật, Đại học RMIT. Hai trường đại học này đều ở thành phố Melbourne của bang Victoria, Úc. Chị Lý kể, sang Melbourne học tập và công tác đã hơn 20 năm nhưng hình ảnh Tết quê hương luôn là những ký ức không phai mờ trong tâm trí.

Ở Úc, tết Dương lịch là ngày nghỉ lễ, còn Tết của Việt Nam thì vẫn là ngày làm việc bình thường. Vì vậy, để được đón Tết Việt giữa trời Úc, anh chị thường lấy phép năm để nghỉ vào dịp tết Nguyên Đán. Năm nào cũng vậy, anh chị cùng một nhóm bạn người Việt tổ chức gói bánh chưng cúng tổ tiên. Đây cũng là dịp để các con tham gia vào những hoạt động này và trò chuyện cùng con về ý nghĩa của Tết cổ truyền, các phong tục, tập quán để các cháu hiểu thêm về văn hóa Việt và thêm gắn bó với cội nguồn.

 Chị Trần Thị Lý (đứng đầu, bên phải) cùng bạn bè trong những chiếc áo dài đón Tết cổ truyền ở Úc - Ảnh: NVCC

Chị Trần Thị Lý (đứng đầu, bên phải) cùng bạn bè trong những chiếc áo dài đón Tết cổ truyền ở Úc - Ảnh: NVCC

Không phải chỉ có dịp Tết, gia đình chị Lý vẫn luôn giữ nếp Việt trong đời sống hằng ngày. Anh chị khuyến khích các con nói tiếng Việt, đọc sách, tìm hiểu về quê hương Việt Nam. Những hoạt động và chuyện trò hằng ngày như vậy không chỉ tăng sự gần gũi giữa các thành viên trong gia đình mà còn kết nối những đứa con xa quê với quê hương Việt Nam.

Chị Lý cho biết với các sinh viên Việt Nam đang theo học ở trường chị và ở Úc thì năm nay do dịch bệnh, nhiều bạn không thể về quê sum vầy cùng với gia đình. Tuy nhiên, các bạn luôn được đón nhận không khí Tết quê khi hội sinh viên Việt Nam tại trường đại học, các tiểu bang và vùng lãnh thổ, đặc biệt là Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Úc thường tổ chức các hoạt động đón Tết và trò chơi dân gian. Chị Lý trải lòng: “Dù ở nơi đâu, tâm hồn của những người con xa xứ luôn đồng điệu gìn giữ, phát huy văn hóa Việt và giới thiệu văn hóa Tết cổ truyền đến với bạn bè quốc tế. Xin chúc mọi người, mọi nhà năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc”.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=164691&title=don-tet-trong-niem-hoai-vong