Đón tin vui về lạm phát, chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục 4 phiên liên tiếp sau khi báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) cho thấy xu hướng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 13/6, chỉ số S&P 500 tăng 0,23% lên 5.433,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,34% lên mức 17.667,56 điểm. Ngày thứ Năm chứng kiến phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục thứ 4 liên tiếp của cả S&P 500 và Nasdaq Composite. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 65,11 điểm (tương đương 0,17%) xuống còn 38.647,10 điểm.
Lực đẩy chính cho thị trường Phố Wall trong tuần này là những báo cáo kinh tế mới cho thấy dấu hiệu suy yếu của lạm phát.
Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/6, chỉ số PPI tháng 5 giảm 0,2% so với tháng trước, thay vì tăng 0,1% như dự báo được giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Dữ liệu khác cho thấy, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng vào tuần trước - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động bớt thắt chặt.
Trước đó một ngày, một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng yếu hơn so với dự báo của giới chuyên gia.
Ngân hàng UBS cho biết, số liệu CPI trong tháng 5 sẽ giúp giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư rằng lạm phát đang có nguy cơ tăng trở lại.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, cổ phiếu Broadcom leo dốc hơn 12% sau khi hãng sản xuất chip công bố kết quả tài chính quý 2 vượt kỳ vọng và thông báo chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Generac và Paramount Global lần lượt sụt 4,6% và 6,9%. Trong khi đó, cổ phiếu Salesforce và Amazon cũng lần lượt mất 2,9% và 1,6%, góp phần kéo chỉ số Dow Jones
Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 12/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, nhưng lưu ý rằng đã có tiến triển trong vấn đề lạm phát. Tuy nhiên, Fed dự kiến chỉ có 1 đợt giảm lãi suất trong năm nay, thay vì 3 lần được đưa ra trong dự báo hồi tháng 3.
“Trong thời điểm hiện tại, đã có thể loại trừ khả năng Fed tăng thêm lãi suất. Điều này sẽ hỗ trợ cho định giá cổ phiếu. Kỳ vọng cơ bản của chúng tôi lúc này là thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng cao hơn”- nhà quản lý danh mục Zachary Hill của công ty Horizon Investments nhận định với đài CNBC.
Mặc dù dự báo cứng rắn của giới chức Fed về lãi suất, tỷ lệ đặt cược của thị trường vào khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đang tăng lên. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, thị trường đang đặt cược khả năng 60,5% Fed sẽ hạ lãi suất với mức 0,25% vào tháng 9.
Chiến lược gia trưởng Ryan Detrick của Công ty Carson Group nhận định với hãng tin Reuters: “Fed tỏ ra cứng rắn về lãi suất, nhưng họ sẽ hành động dựa vào các số liệu kinh tế. Số liệu PPI tháng 5 cho thấy tín hiệu tích cực, và giới đầu tư kỳ vọng rằng Fed có thể sớm thay đổi quan điểm cứng rắn nếu các số liệu lạm phát tiếp tục có sự cải thiện”.
“Sau đợt leo dốc mạnh gần đây, thị trường đang tăng chậm lại. Chúng tôi gọi đây là khoảng lặng sau bão, thị trường đang điều chỉnh sau khi liên tục lập kỷ lục mới trong nửa đầu tháng 6” - ông Detrick lưu ý thêm.
UBS Global Research mới đây dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 12 thay vì tháng 9, trong khi Goldman Sachs và Morgan Stanley tiếp tục kỳ vọng đợt cắt giảm đầu tiên vào tháng 9.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/don-tin-vui-ve-lam-phat-chung-khoan-my-lap-ky-luc-moi.html