Dồn toàn lực triển khai cao tốc Bắc - Nam
Hiện tại, toàn ngành Giao thông vận tải (GTVT) đang dồn toàn lực để triển khai đồng loạt cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025, với yêu cầu vừa đảm bảo tiến độ thi công giai đoạn 1, vừa đảm bảo tiến độ công tác triển khai chuẩn bị đầu tư dự án giai đoạn 2 để sớm nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam góp phần thay đổi căn bản diện mạo về hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh…
Đảm bảo tiến độ hoàn thành 4 dự án thành phần năm 2022
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến thời điểm giữa tháng 3/2021, lũy kế thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đạt hơn 31% giá trị hợp đồng. Trong 10 dự án thành phần đang thi công, có 8 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, 2 dự án tiến độ chưa đáp ứng so với kế hoạch. Trong đó dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đến nay chậm 6,79% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 8,89% giá trị hợp đồng so với kế hoạch điều chỉnh. Lãnh đạo Bộ GTVT đã làm việc, yêu cầu các nhà thầu ký cam kết huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết và sẽ kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ, cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý trong thời gian tới.
Thi công cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45.
Cũng theo Bộ GTVT, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị của Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương giải quyết được 4,16 triệu m3. Dự kiến, khoảng 8,43 triệu m3 đất đắp còn lại tại 5 dự án thành phần sẽ được cung cấp đủ trong tháng 3/2022.
Mục tiêu trước mắt của toàn ngành GTVT là đảm bảo tiến độ hoàn thành 4 dự án thành phần trong năm 2022 bao gồm: đoạn Mai Sơn – quốc lộ (QL)45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan đơn vị liên quan, đặc biệt là giám đốc các ban quản lý dự án (QLDA) phải quản lý được tình hình triển khai hiện trường, nắm bắt đánh giá đầy đủ những biến động ảnh hưởng đến dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch triển khai chi tiết. Đặc biệt, phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và vật liệu cho dự án; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng…
Chủ động trong công tác GPMB, mỏ vật liệu
Cũng theo Bộ GTVT, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, các ban QLDA cần tổ chức bộ máy tại hiện trường để hoạt động. Đồng thời, các đơn vị bám sát kế hoạch triển khai của Bộ GTVT, phối hợp chặt chẽ với địa phương, chỉ đạo tư vấn tiến hành khảo sát, thí nghiệm, tính toán, xác định vị trí, trữ lượng, chất lượng và xây dựng hồ sơ liên quan đến mỏ vật liệu, bãi đổ thải… đảm bảo tính chính xác cao, để giai đoạn tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng của công trình.
Đối với công tác GPMB ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án, các ban QLDA phải tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản; hoàn thành đến đâu bàn giao ngay cho địa phương để triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Hiện tại, đã có 9/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình trên tuyến, 3 tỉnh còn lại là: Bình Định, Hậu Giang, Kiên Giang; QK4, QK5 đang xin ý kiến Bộ Quốc phòng để có văn bản trả lời về hướng tuyến đi qua các khu vực đất và công trình quốc phòng. Về mặt bằng phục dự án, đến nay, các ban QLDA đã trình hồ sơ thiết kế cơ bản khoảng 174,8 km/12 dự án. Đến ngày 15/3/2022, Bộ GTVT đã chấp thuận kết quả thẩm định và bàn giao cho địa phương được 133,8 km/12 dự án. Còn lại 41 km trình nhưng chưa đủ điều kiện để chấp thuận, các ban QLDA cần chỉ đạo tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ và trình lại ngay để tiếp tục thẩm định, trình Bộ GTVT chấp thuận làm cơ sở ban QLDA phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, sớm bàn giao cho địa phương theo các mốc tiến độ đợt 2 (trước 30/4/2022) và đợt 3 (trước 30/6/2022).
Để giải quyết triệt để các khó khăn về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu cũng như sự biến động về giá nguyên vật liệu, tại công điện của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đã yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng và thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ Xây dựng giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng để triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Bộ Tài nguyên và môi trường nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình nói trên trước ngày 20/3/2022.
Để giải quyết triệt để các khó khăn về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu cũng như sự biến động về giá nguyên vật liệu, tại công điện của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đánh giá tác động môi trường, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.