Đơn vị được Nhà nước đảm bảo 100% ngân sách chưa tự chủ về biên chế nhân sự

Cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chi thường xuyên được quyết định 2 vấn đề: vị trị việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 9/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội) liên quan đến tự chủ về nhân sự trong các cơ sở đào tạo giáo dục đại học công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên được quyết định 2 vấn đề: vị trị việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Còn đối với đơn vị sự nghiệp công lập mà được hưởng một phần từ ngân sách Nhà nước và ngân sách Nhà nước đảm bảo 100% thì vẫn phải thực hiện theo quy định. Tức là không có tự chủ về vị trí việc làm và biên chế nhân sự.

Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - sáng 9/11.

Đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - sáng 9/11.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư thì được quyết định về bộ máy tổ chức.

Liên quan đến nội dung về sắp xếp, đơn vị sự nghiệp công lập mà đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao đổi, chúng ta thực hiện 3 mục tiêu kể từ khi ban hành Nghị quyết số: 19-NQ/TW cho đến năm 2020.

Cụ thể: Giảm được 10% đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giảm 10% đối với các đơn vị tự chủ chi thường chuyên, chi đầu tư.

5 năm tiếp theo vẫn duy trì 3 chỉ tiêu này. Do đó, Bộ trưởng đã đề nghị Bộ GD&ĐT cần có phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập sao cho phù hợp theo từng vùng miền khác nhau.

Đại biểu Quách Thế Tản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - sáng 9/11.

Đại biểu Quách Thế Tản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - sáng 9/11.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại giáo dục mầm non cho đến phổ thông ở các địa phương và có kế hoạch sắp xếp phù hợp theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 là giảm 10% đầu mối.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng lại định mức phù hợp với từng cấp học, từng vùng miền. VD: đối với khu vực đô thị, không thể tính bình quân cào bằng với nông thôn miền núi và ngược lại.

Cùng với đó, cần khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và có giải pháp căn cơ về việc này.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/don-vi-duoc-nha-nuoc-dam-bao-100-ngan-sach-chua-tu-chu-ve-bien-che-nhan-su-SRSldU2MR.html