Đơn vị hành chính cấp huyện, xã sẽ được sắp xếp thế nào?
Bộ Nội vụ cho biết, đến nay, 56/56 địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến bộ; còn thông tin sáp nhập tỉnh là không chính xác.
Cả nước giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện
Ngay từ cuối năm 2023, Quảng Ninh đã có tờ trình về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gửi cấp có thẩm quyền xem xét.
Bà Trần Thị Duyên Hoa, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ Quảng Ninh) cho biết, địa phương đang gấp rút hoàn thiện các quy trình, thủ tục để sắp xếp lại 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 đơn vị thuộc diện sắp xếp và 3 đơn vị liền kề.
"Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh còn 172 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 95 xã, 70 phường và 7 thị trấn, giảm ba xã, hai phường", bà Hoa cho hay.
Từ giữa năm 2023, TP Hải Phòng cũng ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, bao gồm cả việc thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn. Thành phố sẽ sắp xếp 82 xã, phường, thị trấn để giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã.
Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng thông tin, do đặc thù đang tiến hành lộ trình thành lập TP Thủy Nguyên và quận An Dương, nên Hải Phòng chủ động báo cáo Trung ương sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế.
"Sau sắp xếp, số lượng công chức cấp xã, phường dôi dư khoảng 1.000 người. Chúng tôi sẽ tham mưu để thành phố xây dựng nghị quyết về chế độ chính sách đối với cán bộ công chức cấp xã, phường này. Dự kiến, người đủ điều kiện sẽ bố trí làm công chức cấp quận/huyện, chuyển thành viên chức, đưa từ nơi thừa sang nơi thiếu", bà Thu thông tin.
Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn tới năm 2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ chủ trì.
Bộ Nội vụ đã gửi 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án tổng thể của các địa phương. Tổng hợp từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành phố cho thấy, có một số thay đổi về kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính sắp tới.
Theo đó, tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 (trước đó dự kiến là 33); Trong đó có 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, cả nước sẽ giảm 14 đơn vị hành chính cấp huyện.
Còn tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị (trước đó dự kiến là 1.327), trong đó có 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập sẽ giảm 619 đơn vị hành chính cấp xã.
"Từ phương án của các địa phương trên toàn quốc cho thấy, có đến 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 109 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện bắt buộc sắp xếp nhưng các địa phương đã tự đề xuất để sắp xếp lại, nên các đơn vị này thực hiện khuyến khích sắp xếp, sáp nhập", Bộ trưởng Trà nói.
Bà Trà cho biết thêm, trên cơ sở phương án tổng thể, các địa phương đang tập trung xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp để trình Chính phủ, từ đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định xong trước 30/9/2024.
Chưa tính toán sáp nhập tỉnh, thành phố
Gần đây, trên mạng xã hội có thông tin về việc chuẩn bị sắp xếp, sáp nhập một số tỉnh, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Bộ Nội vụ chưa tính toán hay đề xuất gì về việc sắp xếp, sáp nhập bất cứ tỉnh, thành phố nào.
"Thông tin tỉnh này sáp nhập với tỉnh kia là không chính xác, không có căn cứ khiến nhân dân băn khoăn, làm ảnh hưởng đến tâm lý xã hội", Bộ trưởng Trà nói.
Về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, đơn vị, bà Trà cho biết, hiện nay, việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các bộ, ngành (tổng cục, cục, vụ) và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành) đã tương đối hoàn thiện. Còn lại một số đơn vị sự nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ tập trung sắp xếp tiếp trong năm 2024.
Dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm khoảng 140 đầu mối đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành; Đồng thời đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 có 63% đơn vị sự nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tự chủ hoàn toàn.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương cố gắng đến tháng 9/2024 thực hiện xong việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, kể cả đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như các đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Có như vậy, bộ máy mới ổn định để chuẩn bị cho năm 2025 tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp.
Lương chuyên gia cao cấp tương đương bộ trưởng
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, hiện Bộ Nội vụ đang tập trung hoàn thiện các chính sách để thu hút và trọng dụng người có tài năng, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức.
Theo đó, sẽ đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, cơ cấu, tỉ lệ phù hợp để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đấy thực hiện việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và nghiên cứu việc xét nâng ngạch công chức.
Về chính sách tiền lương, quan điểm xây dựng chính sách phải đánh giá đúng, công bằng, tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu. Trong đó, có người phấn đấu đi theo hướng chuyên gia cao cấp; Có người nếu đủ năng lực, điều kiện sẽ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm.
"Phải phân luồng, không thể để tất cả đều hướng tới mục tiêu có chức danh, chức vụ lãnh đạo, mà phải tính đến phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp và xây dựng đội ngũ chuyên gia cao cấp. Tiền lương của những chuyên gia cao cấp sẽ tương đương với lương của bộ trưởng, thứ trưởng. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế thuê chuyên gia cao cấp, thu hút và trọng dụng nhân tài", bà Trà nói.