Đơn vị Mỹ phơi mình dù đã ngụy trang điện tử
Quân đội Mỹ vừa có lý do để lo lắng khi một đơn vị của họ lộ rõ trên bức ảnh vệ tinh khi được bảo vệ bằng ngụy trang điện tử.
Thông tin được Đại tá Scott Woodward, chỉ huy Trung đoàn Cơ giới số 11 của Lục quân Mỹ công bố khi đăng tải bức ảnh vệ tinh thể hiện rõ nét vị trí triển khai quân của một đơn vị cấp tiểu đoàn trong diễn tập tại Trung tâm huấn luyện quốc gia, thuộc căn cứ Irwin, bang California.
Trung đoàn 11 bị phát hiện do đã bộc lộ quá nhiều tín hiệu điện tử. Điều khiến giới quân sự Mỹ đặc biệt lo ngại là khi đó bài diễn tập diễn ra vào ban đêm, dưới một khu vực có rừng che phủ trong Trại Irwin.
Với điều kiện như vậy, các phương pháp trinh sát quang học thông thường sẽ khó có thể phát hiện ra vị trí triển khai quân bởi đơn vị đã vận dụng các thiết bị trinh sát điện tử chủ động để phát hiện dấu vết của Trung đoàn 11.
Chiến thuật này đã thành công khi trung đoàn 11 bị phát hiện từ khoảng cách 12km. Nhưng tín hiệu từ các thiết bị trinh sát lại làm lộ vị trí của đơn vị. Ngoài ra, binh sĩ và các thành phần hỗ trợ còn liên tục liên lạc với nhau và chia sẻ thông tin bằng sóng vô tuyến, dẫn đến việc hiện rõ như ban ngày trên ảnh vệ tinh.
"Ngụy trang có thể giúp tăng khả năng sống sót trong giao chiến ở khoảng cách gần. Tuy nhiên câu hỏi quan trọng hơn là: Độ bộc lộ tín hiệu điện tử lớn như thế nào? Nếu tôi có thể nhìn thấy bức hình như vậy, thì mọi biện pháp ngụy trang thông thường đều vô dụng", Đại tá Scott Woodward cho biết.
Trong các đợt diễn tập của quân đội Mỹ, Trung đoàn Cơ giới số 11 có nhiệm vụ đóng vai một lực lượng đối địch (OPFOR) tương đồng về năng lực. Do đó, việc tiểu đoàn nói trên bị OPFOR phát hiện dễ dàng trong diễn tập đang làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng tác chiến (EW) Mỹ trước những đối thủ có trình độ công nghệ cao như Nga.
Mối lo ngại đã được Trung tướng Ben Hodges, Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, đánh giá: "Không có thiết bị vũ khí nào của Mỹ thoát khỏi tầm ngắm của tên lửa hay pháo binh Nga cũng như hệ thống tác chiến điện tử, gây nhiễu hoặc thu thập thông tin của Nga".
Cả các quan chức cao cấp của Mỹ và NATO cũng thừa nhận Nga có khả năng tác chiến điện tử rộng có thể dập tắt bất cứ hệ thống truyền thông nào của kẻ địch.
Sĩ quan quân đội Mỹ nghỉ hưu Laurie Buckhout, người từng tham gia lữ đoàn tác chiến điện tử chỉ ra rằng, Nga có thể hủy diệt các mạng lưới kiểm soát và chỉ huy bằng cách gây nhiễu hệ thống truyền thông vô tuyến, radar và các tín hiệu GPS.
Hơn nữa không giống như Mỹ, Nga có các đơn vị lớn chuyên thực hiện tác chiến điện tử để tấn công các thiết bị điện tử dưới đất, gây nhiễu các phương tiện truyền thông, radar và các mạng lưới điều khiển chỉ huy.
Hồi cuối năm 2019, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của lực lượng vũ trang Mỹ là tướng Joseph Dunford, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James đã lên tiếng khẳng định Nga chính là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Theo hai vị tướng này, đối phó với EW Nga hiện là nhiệm vụ rất khó với Mỹ.