Đón xu hướng chuyển dịch của các trung tâm công nghiệp lớn Đông Nam bộ
Bình Phước hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trung tâm phát triển kinh tế nhanh, xanh và năng động của vùng Đông Nam bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Bình Phước nằm ở cửa ngõ phía Bắc vùng Đông Nam bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ vị trí địa lý chiến lược, nguồn tài nguyên phong phú và nguồn lao động dồi dào, đang ở độ tuổi vàng, đặc biệt là đất đai. Do đó, Bình Phước hoàn toàn có tiềm năng trở thành một trung tâm phát triển kinh tế nhanh, xanh và năng động của vùng Đông Nam bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Đây là nhận định của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế tại hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế Bình Phước giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Quan điểm, định hướng, giải pháp”, tổ chức ngày 21/11, tại Bình Phước.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện phát triển chính sách, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh nhận định: Để khai thác tiềm năng và lợi thế có sẵn, Bình Phước cần tập trung khai thác hiệu quả các nguồn lực nội tại và các cơ hội bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, xanh và bền vững dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; kiên quyết không đánh đổi môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh.
Cùng đó, tỉnh cần tập trung các nguồn lực và điều kiện cần thiết để chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội để đón đầu xu hướng chuyển dịch công nghiệp của các trung tâm công nghiệp lớn vùng Đông Nam bộ trên cơ sở phát huy sự tương hỗ và liên kết vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Mặt khác, Bình Phước cũng cần tập trung vào ba trụ cột chính gồm: nông nghiệp công nghệ cao gắn với nâng cấp chuỗi giá trị nông sản chủ lực và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới; công nghiệp – đô thị đón đầu sự dịch chuyển công nghiệp của Vùng Đông Nam bộ và thương mại – dịch vụ nằm trong mắt xích quan trọng trong việc kết nối vùng Đông Nam bộ với vùng Tây Nguyên.
Tỉnh phát triển kinh tế tập trung vào các đô thị trọng điểm của các tiểu vùng, các trục phát triển để tạo động lực lan tỏa, đầu tàu kéo cả khu vực cùng phát triển, trong đó tập trung vào liên kết vùng và và phát triển liên vùng.
Về phát triển hạ tầng công nghiệp, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bình Phước cần tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển sớm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vị trí và điều kiện thuận lợi để tạo hạt nhân phát triển cho tỉnh. Đối với khu công nghiệp, ưu tiên phát triển các khu có diện tích dưới 500 ha, chưa phát triển các dự án lớn hơn 1.000 ha trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Theo dõi, xem xét và xây dựng kế hoạch mở rộng khu công nghiệp khi tỷ lệ lấp đầy thực tế tối thiểu đạt 60%. Đối với cụm công nghiệp, ưu tiên quy hoạch và phát triển các cụm công nghiệp chuyên ngành; phát triển cụm công nghiệp dựa trên lợi thế, điều kiện của mỗi địa phương cấp huyện nhưng phát triển không quá 3 cụm công nghiệp/huyện.
Đối với ngành nông nghiệp, Tiến sĩ Trương Vĩnh Hải, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, Bình Phước cần thực hiện đề án cơ cấu nông nghiệp của tỉnh theo hướng giảm diện tích cây công nghiệp lâu năm và tăng diện tích cây ăn trái có giá trị cao đối với những vùng có điều kiện đất đai phù hợp, bảo đảm nguồn nước tưới và thuận lợi trong giao thương.
Đồng thời, phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp tuần hoàn phù hợp, dựa trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tối ưu hóa quá trình sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, hướng đến các mô hình nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng khẳng định: Trên cơ sở nội lực của địa phương, tỉnh đang triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu đến năm 2030, Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam bộ; trong đó, đẩy mạnh thực hiện có quả các dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những lĩnh vực đột phá, cơ bản; phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, khu công nghiệp, khu kinh tế, phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Tiểu ban văn kiện, Tổ biên tập tập trung nghiên cứu sâu các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học kinh tế tại hội thảo để tiếp thu tối đa, chọn nội dung phù hợp bổ sung, hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XII Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế tỉnh nhà thời gian tới.