Đông Anh và Gia Lâm có thể lên quận ngay trong năm 2024

Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của thành phố Hà Nội vừa tổ chức phiên họp (sáng ngày 7/8) với nhiều thông tin quan trọng, trong đó hướng tới sự thay đổi thực chất về cơ sở vật chất, đời sống người dân ở tất cả các mặt.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo, nhấn mạnh phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm được công nhận thành quận. Năm 2025, thành phố tập trung đưa huyện Thanh Trì và huyện Hoài Đức thành quận.

Đông Anh, Gia Lâm đã đủ điều kiện

Để đạt được mục tiêu này, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ngành của thành phố, với vai trò đầu mối sẽ chủ động phối hợp cùng cơ quan chuyên môn của các bộ, cơ quan trung ương để chủ động giải quyết những khó khăn, tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành các tiêu chí.

"Đây là cơ hội rất tốt cho Hà Nội nhằm thay đổi tư duy về triết lý phát triển đô thị, phát triển Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Đông Anh và Gia Lâm đã đủ các tiêu chí để thành lập quận trong cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Đông Anh và Gia Lâm đã đủ các tiêu chí để thành lập quận trong cuối năm 2024, đầu năm 2025.

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án của 5 huyện 6 tháng đầu năm 2024, ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, cho biết huyện Đông Anh và Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện, cả hai huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện Đề án thành lập quận trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Đối với các huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng, về nhóm tiêu chuẩn “Diện tích tự nhiên” và “Quy mô dân số”, cả 3 huyện đều đạt tiêu chí thành lập quận. Tuy nhiên, với tiêu chí thành lập phường, cả 3 huyện đều chưa đạt.

Trong khi đó, nhóm tiêu chuẩn “Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội” và “Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị”, cả 3 huyện chưa đạt 100% tiêu chí thành lập phường, thành lập quận. Chưa kể, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng vẫn còn diện tích đất nằm ngoài khu vực phát triển đô thị.

Còn nhiều việc phải làm

Với những thách thức đặt ra, thành phố Hà Nội xác định sẽ còn nhiều việc phải hoàn thành trong thời gian tới. Trong đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống của nhân dân là vấn đề quan trọng nhất cần hướng đến.

Cùng với đó, theo cơ quan chức năng, việc phát triển huyện thành quận trong giai đoạn hiện nay cần bám sát các quy định của Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Việc trở thành quận sẽ tạo động lực để Gia Lâm, Đông Anh thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Việc trở thành quận sẽ tạo động lực để Gia Lâm, Đông Anh thúc đẩy kinh tế, xã hội.

Phát biểu tại phiên họp Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, thành phố đã tạo cơ chế, chính sách đầy đủ để các huyện có cơ hội hoàn thiện các bộ tiêu chí huyện thành quận. Đồng thời, quyết tâm đưa 5 huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao bằng những chính sách cụ thể.

Đối với vấn đề chỉ tiêu cân đối thu - chi ngân sách tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tự cân đối ngân sách cấp huyện.

Đối với cân đối ngân sách cấp xã, thành phố sẽ báo cáo Bộ Tài chính về việc khi thực hiện chính quyền đô thị, cấp phường chỉ là cấp dự toán.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cập nhật các quan điểm mới, xác định quy trình chuẩn trong thiết lập hồ sơ, bảo đảm thuyết trình đầy đủ, thuyết phục trình cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, UBND thành phố cần phối hợp với các bộ, ngành thống nhất một số quan điểm trước khi hồ sơ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Trong các tháng cuối năm 2024, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, hai huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm cần đẩy nhanh phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác lập hồ sơ Đề án và làm việc với các bộ, ngành trung ương thẩm định; phấn đấu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận vào quý IV-2024 hoặc đầu quý I-2025. Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng khẩn trương thực hiện và hoàn thành các dự án thuộc đối tượng đạt tiêu chí.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu làm rõ hiện còn đang thiếu và vướng mắc nội dung gì. Các huyện cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện, nhất là dự báo về dân số để đầu tư đồng bộ về hạ tầng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất bảo đảm hiệu quả nhất.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ phải bảo đảm thực hiện đúng quy định, không chạy theo thành tích. Các huyện cần tích cực hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu bền vững; tăng cường nguồn thu tại các xã, khuyến khích sự chủ động, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ cơ sở...

Đối với 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tiến độ hoàn thiện hồ sơ lên quận phải bảo đảm đúng quy trình, gắn trách nhiệm người đứng đầu và huy động cả hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên của các địa phương trong năm 2024.

Hà Nội hiện có 12 quận và 17 huyện.

12 quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông.

17 huyện và 1 thị xã gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/dong-anh-va-gia-lam-co-the-len-quan-ngay-trong-nam-2024-1101539.html