Đông Bắc Á: Liên tiếp ghi nhận kỷ lục nắng nóng

Châu Á đang bị nắng nóng thiêu đốt, nhất là với các nước Đông Bắc Á. Hàng nghìn người đổ bệnh, gia cầm chết hàng loạt và những con sông bốc hơi dưới nắng mặt trời.

Người dân vội vã di chuyển dưới nắng nóng tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: AFP.

Người dân vội vã di chuyển dưới nắng nóng tại Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: AFP.

Tờ The Korea Times mới đây dẫn lời đại diện Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết, đợt nắng nóng trên cả nước khiến ít nhất 1.546 người mắc các bệnh liên quan và hơn 235.880 con gia cầm chết. Số người mắc các bệnh liên quan sóng nhiệt trên được ghi nhận từ ngày 20/5 đến 3/8, trong đó có 11 người tử vong.

Ngày cuối tuần qua, nhiệt độ tại thành phố Yeoju (tỉnh Gyeonggi) cách Seoul khoảng 64km lên tới hơn 40 độ C, mức cao nhất kể từ năm 2018. Trong khi đó, cơ quan dự báo thời tiết Hàn Quốc dự báo nắng nóng còn kéo dài tới hết ngày 14/8, với mức nhiệt ban ngày từ 30 - 37 độ C trên cả nước.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, Đài NHK đưa tin nắng nóng nguy hiểm tiếp diễn ở mức 35 độ C trở lên từ ngày 4/8 kéo dài hết ngày 12/8. Nền nhiệt trung bình đo tại 301 điểm quan sát cho thấy nhiệt độ tháng 8 này tại Nhật Bản còn có thể cao hơn tháng 7.

Ngày 10/8, người dân thành phố Kurume (thuộc tỉnh Fukuoka) hoảng hốt khi nhiệt độ lên tới 38,7 độ C. Nói với truyền thông địa phương, một cô gái nói trời nóng đến mức cảm thấy như thể cơ thể đang tan chảy. Còn nông dân trồng nho vùng Fuefuki thuộc tỉnh Yamanashi thì cho biết họ đã phải đi làm vào buổi tối thay vì vào ban ngày để tránh ánh mặt trời thiêu đốt.

Văn phòng Giám định y khoa của chính quyền đô thị Tokyo đã công bố số ca tử vong liên quan đến nắng nóng trên 23 phường của thủ đô Nhật Bản, trong tháng 7 vừa qua. Con số này đánh dấu mức tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 năm kể từ năm 2018, số ca tử vong do say nắng trong tháng 7 vượt quá 100. Số ca cấp cứu cũng tăng mạnh.

Trong số các ca gặp nguy hiểm, cơ quan chức năng phát hiện ra 79 nạn nhân có máy điều hòa nhưng không sử dụng vào thời điểm đó, 28 người không có máy điều hòa và 14 người đang sử dụng điều hòa không khí. Theo nhóm tuổi, 1 trường hợp tử vong ở độ tuổi 40; 4 người ở độ tuổi 50; 12 người ở độ tuổi 60; 41 người ở độ tuổi 70; 44 người ở độ tuổi 80; 21 người trong độ tuổi 90 trở lên.

Số liệu sơ bộ do Sở Cứu hỏa Tokyo công bố cho thấy đã có 3.647 cuộc gọi khẩn cấp được thực hiện từ ngày 1/7 đến ngày 28/7 để đưa những bệnh nhân nghi bị say nắng đến bệnh viện, tăng 573 so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số lượt xe cứu thương khẩn cấp được điều động trong tháng 7 là 91.614, tăng 2.592 lượt so với cùng kỳ. Đây là con số hàng tháng cao nhất từ trước đến nay. Sở Cứu hỏa Tokyo cũng cho biết, có tới 176 người đã được đưa đến bệnh viện trong ngày 29/7, khi nhiệt độ ở trung tâm thành phố lên tới 37,3 độ C, trở thành ngày nóng nhất trong tháng 7 năm nay. Trong một thông báo công cộng, Sở Cứu hỏa Tokyo khuyến cáo: Nếu đó là trường hợp khẩn cấp do say nắng, đừng ngần ngại gọi xe cứu thương.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, mùa hè năm nay nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận cách đây 125 năm. Không chỉ Nhật Bản mà Đông Bắc Á đang bị “khô nẻ”.

Còn tại Trung Quốc, khu vực phía đông tiếp tục nắng nóng, dự báo kéo dài đến ngày 13/8 tại các tỉnh Giang Tô và Chiết Giang. Trong tuần đầu tháng 8, nhiều nơi ở phía đông và tây bắc Trung Quốc nhiệt độ lên tới 43,9 độ C; trong đó có Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải, An Huy, Tân Cương. Theo Đài CCTV, tại Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang), ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục là 41,9 độ C hôm 3/8.

Các nhà khí tượng học Trung Quốc cho biết, mức nhiệt kỷ lục trong năm nay đã trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ lục địa cao gây ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, ngay cả khi hiện tượng thời tiết La Nina mang lại nhiệt độ bề mặt biển mát hơn mức trung bình ở vùng xích đạo Thái Bình Dương. Với cái nóng khắc nghiệt của mùa hè năm nay, lượng điện sử dụng cũng tăng do nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng cao.

Kể từ tháng trước, cơ quan điện lực tại Chiết Giang đã khuyến nghị chủ xe điện sạc pin vào đêm muộn để phân chia thời gian sử dụng điện, tránh giờ cao điểm hàng ngày, cũng như khuyên mọi người nên tắt điều hòa khi nhiệt độ dịu hơn.

Các nhà khí tượng học châu Á cho rằng mùa hè 2024 là “mùa hè điên rồ”, khi mà nền nhiệt trung bình cao hơn nhiều so với tất cả các dự báo. Mùa hè năm nay đến sớm ngay từ đầu năm và các dấu hiệu đều cho thấy sẽ kéo dài ít nhất là hết tháng 8. CBS News dẫn lời một nhà khoa học khí tượng Ấn Độ cho rằng họ đã không biết chuyện gì đang xảy ra khi người dân ở thành phố Bhagdora (Ấn Độ) đã phải chịu cái nóng lên đến 46 độ C. Mức nhiệt còn khủng khiếp hơn với Trung Đông khi nhiều ngày nhiệt độ lên tới hơn 55 độ C. Nhà nghiên cứu thời tiết Maximiliano Herrera cho biết, mùa hè 2024 mọi kỷ lục đang bị phá hủy trên khắp châu Á. Theo giáo sư Krishna AchutaRao (Trung tâm Khoa học Khí quyển của Viện Công nghệ Ấn Độ), mùa hè năm nay nắng nóng gần như bao phủ khắp châu Á, là khu vực mật độ dân số cao nhất thế giới, vì thế sự tác động có thể lên theo cấp số nhân.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bac-a-lien-tiep-ghi-nhan-ky-luc-nang-nong-10287756.html