Đông Bắc Á tuyên chiến với bảo hộ thương mại
Trong tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn diễn ra tại Tokyo, ngày 9-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tái khẳng định cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở và thúc đẩy thương mại tự do.
3 nền kinh tế hàng đầu khu vực cũng khẳng định ủng hộ cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều sắp tới nhằm giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên.
Chỉ chấp nhận thương mại đa phương
Tại hội nghị cấp cao 3 bên lần này, xu thế tự do thương mại đa phương đang thực sự tiếp thêm động lực mới cho 3 nền kinh tế lớn ở châu Á thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại Trung-Nhật-Hàn. Tất cả các sáng kiến thương mại đa phương nói trên chính là những nỗ lực của 3 chính phủ với chủ trương hợp tác để tăng cường tự do thương mại đa phương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, tạo động lực cho một nền kinh tế toàn cầu cân bằng, tự do, công khai và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Hội nghị cấp cao 3 bên lần này là dịp để 3 nước bày tỏ sự đồng thuận cao đối với chủ trương ủng hộ tự do thương mại toàn cầu.
Theo tuyên bố chung, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nhận thức rõ vai trò quan trọng của 3 nước chiếm 22% GDP toàn cầu này trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của thế giới; công nhận tầm quan trọng của tự do và mở cửa thương mại - đầu tư để đạt tăng trưởng; duy trì cam kết tự do hóa các nền kinh tế, đấu tranh chống mọi hình thức bảo hộ thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh.
Lãnh đạo 3 nước cam kết hợp tác nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy định, tự do và cởi mở, minh bạch, không phân biệt đối xử trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Lãnh đạo Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản tại cuộc họp thượng đỉnh. Ảnh: japantimes.co.jp.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương, coi đây là yếu tố bổ sung và tăng cường cho hệ thống thương mại toàn cầu. Theo đó, 3 nhà lãnh đạo nêu rõ "Hiệp định Thương mại tự do (FTA) 3 bên là một cách quan trọng không chỉ để tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, mà còn thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho đầu tư - thương mại ở khu vực Đông Á cũng như phục vụ lợi ích chung của 3 nước".
3 bên cam kết thúc đẩy đàm phán về Hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực, đồng thời nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa một FTA toàn diện, chất lượng cao và các bên cùng có lợi. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng tự do thương mại đang dẫn dắt kinh tế thế giới đi đúng hướng, đồng thời kêu gọi kiểm soát các bất đồng để có thể hợp tác và phát triển một cách ổn định và ở tiêu chuẩn cao hơn.
Nhấn mạnh ý nghĩa hội nghị này, các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, hội nghị cấp cao 3 bên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được xem là cơ hội để 3 nền kinh tế hàng đầu khu vực khôi phục lòng tin chiến lược và nâng tầm hợp tác.
Hiện cả 3 nước đang phải đối mặt với một vấn đề chung, đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ. Cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích là những quốc gia làm Mỹ thâm hụt thương mại.
Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đang chịu sức ép từ Mỹ đòi đàm phán lại hiệp định thương mại song phương, Trung Quốc và Nhật Bản mới đây trở thành 2 trong số những nền kinh tế bị Chính phủ Mỹ áp đặt các loại thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép.
Việc Mỹ, thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của cả 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chủ trương thực thi các biện pháp bảo hộ thương mại đang gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến hoạt động thương mại của 3 nền kinh tế này. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nền kinh tế có quy mô lớn không chỉ ở châu Á mà cả trên bình diện thế giới, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu và khoảng 70% GDP châu Á.
Trước sức ép từ Washington, thay vì thụ động trước xu thế bảo hộ thương mại của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang chủ động thúc đẩy thương mại đa phương, coi đó là nền tảng cho sự phát triển và thịnh vượng của khu vực. Bắc Kinh và Tokyo đã chủ động đề xuất và xúc tiến các sáng kiến thương mại đa phương, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản khởi xướng thay thế cho Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui, hay Trung Quốc thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tin rằng đây là cơ hội cho 3 nước Đông Bắc Á này thúc đẩy hợp tác kinh tế. Ông nhấn mạnh nếu Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản có thể cùng hợp tác và phá vỡ những cách thức thành công truyền thống để tìm kiếm cách thức tăng trưởng sáng tạo hơn và toàn diện hơn, 3 nền kinh tế này có thể thiết lập trạng thái cho một trật tự toàn cầu mới.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh sự cần thiết trong việc 3 nước cùng giải quyết chủ nghĩa bảo hộ thương mại và hối thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán các thỏa thuận thương mại trong khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 16 nước, gồm 10 nước thành viên ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á.
Gạt bỏ những bất đồng xây dựng môi trường an ninh chung
Những chuyển động đáng chú ý về an ninh và thương mại tại Đông Bắc Á đã đụng chạm tới lợi ích chiến lược của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đòi hỏi 3 nước thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình với tư cách là những quốc gia, nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng như trên thế giới.
Năm 2018 đã mở màn với các tín hiệu tốt đẹp từ Bán đảo Triều Tiên. Xu thế đối đầu trong năm 2017 được chuyển hướng sang xu thế đối thoại và hòa giải, đã tạo một bầu không khí tích cực cho triển vọng an ninh ở khu vực Đông Bắc Á.
Trong bầu không khí địa chính trị như vậy, tăng cường đối thoại nghiêm túc và mở rộng hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự khởi động trở lại của hội nghị cấp cao 3 bên lần này đã tạo chất xúc tác củng cố sự ổn định và phát triển ở Đông Bắc Á, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Tại cuộc họp báo chung sau ngay hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra một tuyên bố đặc biệt, trong đó hoan nghênh kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hôm 27-4 vừa qua; kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, đồng thời khẳng định lập trường tiếp tục duy trì các nỗ lực chung của 3 nước để đảm bảo thành công của hội nghị Hàn - Triều sẽ góp phần đảm bảo nền hòa bình và sự ổn định tại Đông Á.
Với tư cách là 3 quốc gia có lợi ích an ninh gắn chặt với tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và cũng là 3 quốc gia tham gia tiến trình đàm phán 6 bên, rõ ràng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong muốn một Bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định lâu dài. Chính vì vậy, sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã điện đàm trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kết quả hội nghị.
Động thái này cho thấy Seoul đánh giá cao tầm quan trọng của việc hợp tác với Trung Quốc và Nhật Bản. Đáp lại, cả Bắc Kinh và Tokyo đều bày tỏ thiện chí sẵn sàng xúc tiến hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, cũng là hòa bình ổn định của khu vực Đông Bắc Á. Đó là chất xúc tác đầu tiên, để cả 3 nước đồng thuận tiến hành hội nghị cấp cao 3 bên sau gần 3 năm gián đoạn.
Rõ ràng, lãnh đạo 3 nước đã bày tỏ thiện chí, sẵn sàng gạt bỏ những bất đồng và rào cản liên quan những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, vướng mắc trong lịch sử hay căng thẳng xung quanh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng bày tỏ sẵn sàng đối thoại.
Nghi lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản. Ảnh: The Japan Times.
Cùng với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Triều Tiên sắp tới với nội dung tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, sự phối hợp chặt chẽ của 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn đóng vai trò tối quan trọng đối với việc tìm kiếm giải pháp phù hợp cho các vấn đề bất đồng trên Bán đảo Triều Tiên.
Đẩy nhanh hơn tiến trình "tan băng"
Theo bình luận của tờ Financial Times, việc Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Tokyo đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc đến Nhật Bản kể từ năm 2010, trong khi đó, sự xuất hiện của Tổng thống Moon Jae-in ở Tokyo cũng được ghi nhận là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản kể từ năm 2012... đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, cho thấy lập trường cứng rắn, phi truyền thống của chính quyền Donald Trump về thương mại và an ninh đã giúp 3 nước đẩy nhanh hơn tiến trình "tan băng" quan hệ của 3 nước vốn thường tồn tại những vấn đề không mấy dễ chịu.
Đây chính là cơ hội "vàng" để các nước xây dựng lại quan hệ song phương. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói: "Đã 8 năm trôi qua kể từ chuyến thăm của (cựu Thủ tướng Trung Quốc) Ôn Gia Bảo đến Nhật Bản, quan hệ Trung-Nhật đã được cải thiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau và bây giờ chúng ta đang tiến đến giai đoạn đối thoại cấp cao".
Trung Quốc đã "đóng băng" quan hệ với Nhật Bản vào năm 2012 khi xảy ra tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku). Nhưng giờ đây, khi ông D.Trump đe dọa áp thuế trị giá nhiều tỷ USD đối với Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh thấy cần phải tìm kiếm mối quan hệ mới, ít nhất là nối lại mối quan hệ tạm thời với Tokyo.
Tôn Vân, một chuyên gia về chính trị châu Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng do bị ảnh hưởng bởi mức áp thuế của Mỹ lên mặt hàng thép và nhôm, Nhật Bản cũng có thể "đi nước đôi" nhằm có được sức mạnh đòn bẩy làm đối chọi với Mỹ. Theo chuyên gia này, về phương diện thương mại, cả 3 nước nói trên đều bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách của Tổng thống D.Trump nên giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có những cuộc đàm phán sơ khai về một thỏa thuận tự do thương mại 3 bên. Đây cũng là những nước có vai trò to lớn tại các cuộc đàm phán thương mại Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Nhìn một cách tổng thể, rõ ràng cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều được hưởng lợi từ tự do thương mại toàn cầu và chính sách của Chính phủ Mỹ hiện nay, khiến Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn.
Kiyoyuki Seguchi, Giám đốc Viện Nghiên cứu toàn cầu Canon tại Tokyo, cho rằng sự ấm lên trong quan hệ song phương là biểu hiện của mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Seguchi nhận xét rằng trong vài năm gần đây, các công ty của EU và Mỹ có ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc, trong khi đó, các công ty Nhật Bản lại bắt đầu thu được những lợi nhuận lớn từ hoạt động đầu tư của họ tại Trung Quốc, chẳng hạn như trường hợp nhà máy lắp ráp xe Honda thứ ba tại Trung Quốc. Hơn nữa, trong trường hợp quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, ít nhất là họ (Trung Quốc) vẫn có thể duy trì được mối quan hệ thương mại với Nhật Bản.
Ý thức rõ tầm quan trọng của việc liên kết giữa 2 nền kinh tế số 2 và số 3 thế giới sẽ tạo ra sức bật mới, đặc biệt trong bối cảnh có những dấu hiệu bất thường về kinh tế như hiện nay, Chính phủ Nhật Bản và Trung Quốc dự định thông qua việc thành lập một hội đồng công-tư để thảo luận về những dự án chung tại những quốc gia khác liên quan đến sáng kiến "Vành đai, Con đường", nhằm mục đích tạo ra một khu vực kinh tế rộng lớn hơn.
Theo kế hoạch, hội đồng sẽ hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng hợp tác liên chính phủ và các thị trường, mà trong đó cả Nhật Bản và Trung Quốc đều liên quan và tại các nước Á-Âu nằm dọc theo phần Đông-Tây của khu vực "Vành đai, Con đường".
Để duy trì các lợi ích kinh tế, sau gần một thập kỷ đàm phán, ngày 9/5, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập một đường dây nóng an ninh để hạn chế các sự cố trên biển có thể thổi bùng căng thẳng giữa 2 cường quốc quân sự lớn nhất châu Á này.
Ngoài việc thiết lập đường dây nóng, hiệp ước song phương quy định các cuộc gặp định kỳ giữa quan chức quốc phòng hai nước và cơ chế liên lạc trên biển giữa các tàu hải quân của 2 nước nhằm tránh các sự cố trên biển.
Những động thái của 3 nước Hàn-Trung-Nhật cho thấy họ đã sẵn sàng cho cuộc chiến với chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Huyền Hoa