Đồng bằng Sông Cửu Long: Các dự án xử lý rác đều bế tắc

Rác thải ngày càng quá tải, nhưng nhiều dự án xử lý rác 'chết lâm sàng', đắp chiếu, thậm chí phải thu hồi để tìm chủ đầu tư mới. Có địa phương còn chưa có nhà máy xử lý rác… Thực trạng nhức nhối này đang diễn ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đất làm nhà máy rác vẫn là… vuông tôm

Dự án nhà máy Điện rác Plasma và năng lượng tái tạo KPP (đốt rác phát điện) tại thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước) được UBND tỉnh Cà Mau quyết định cho thuê đất từ tháng 6/2017. Dự án được kỳ vọng chia bớt gánh nặng với Nhà máy xử lý rác thải thành phố Cà Mau đang quá tải.

Theo tìm hiểu của PV, nhà máy này đáng lẽ phải đưa vào khai thác, vận hành trong quý 2/2022. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đã cam kết. Đến nay, Cty TNHH Xử lý môi trường Quang Bến (chủ đầu tư) chưa thực hiện san lấp mặt bằng, chưa xây dựng các hạng mục công trình nào trên đất, hiện trạng vẫn là đất mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Khu đất dự án nhà máy Ðiện rác Plasma Cà Mau sau 6 năm vẫn là vuông tôm. ẢNH: TÂN LỘC

Khu đất dự án nhà máy Ðiện rác Plasma Cà Mau sau 6 năm vẫn là vuông tôm. ẢNH: TÂN LỘC

Kết quả thanh tra của Sở TN&MT Cà Mau cho thấy, việc chủ đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng thực hiện dự án đầu tư, kéo dài từ năm 2017 đến nay đã vi phạm pháp luật về đất đai. Mặc khác, vị trí khu đất hiện nay không còn phù hợp cho dự án này, do không đảm bảo khoảng cách an toàn; không được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư; không còn phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất của huyện.

Ông Đỗ Quốc Tây, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Cái Nước cho biết, Sở TN&MT tỉnh Cà Mau thống nhất không cho gia hạn và đề xuất di dời dự án đến vị trí khác phù hợp…

Bạc Liêu chưa có nhà máy xử lý rác tập trung

Hơn 20 năm từ khi thành lập tỉnh, Bạc Liêu vẫn chưa có nhà máy xử lý rác thải tập trung. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tìm kiếm nhà đầu tư nhưng tiến độ đến nay vẫn chỉ dừng lại ở “kêu gọi”…

Ông Lữ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bạc Liêu cho biết, ước tính toàn tỉnh mỗi ngày thải ra hơn 400 tấn rác nhưng chỉ có hai lò đốt rác (nhỏ, đơn sơ - PV) tập trung tại hai huyện Đông Hải, Phước Long và các bãi chôn lấp rác tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) và xã Tân Phong (thị xã Giá Rai).

Trước đây, tỉnh đã cấp phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, nhưng do trục trặc cơ chế nên phải hủy. Theo thiết kế, bãi chôn lấp rác ở thị trấn Châu Hưng có tổng diện tích quy hoạch là 12ha, sức chứa hơn 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, lượng rác tập trung về càng nhiều, hơn 120 tấn/ngày. Tỉnh đã mở rộng thêm khoảng 8.000m2 để chôn lấp rác trong khi chờ kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác.

“Bãi rác này quá tải đã nhiều năm. Người dân rất bức xúc bởi không chịu nổi mùi hôi thối, nhất là vào mùa nắng. Có gió mạnh thì những nhà dưới hướng gió lãnh đủ, còn mùa mưa thì nước rỉ ra đen sì” - Chị H.N.C (ngụ thị trấn Châu Hưng) cho biết.

Tại Trà Vinh, Sở KH&ĐT tỉnh này vừa quyết định chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thị xã Duyên Hải của Cty CP ĐTXD Hải Vân, do nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.

Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 12/2017, tổng vốn đầu tư hơn 263 tỷ đồng, công suất xử lý rác 100 tấn/ngày. UBND tỉnh đã nhiều lần điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng nhà đầu tư tiếp tục vi phạm về tiến độ thực hiện. Công trình thì bỏ hoang, hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân…

Loay hoay...

Vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang cũng thống nhất chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy điện rác Hậu Giang (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp) do Cty TNHH MTV Greenity Hậu Giang làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 23ha, tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng. Khởi công ngày 27/9/2020, dự án được kỳ vọng sẽ xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời, phát điện lên lưới điện quốc gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Bãi rác chất cao như núi của Nhà máy rác Cà Mau. ẢNH: TÂN LỘC

Bãi rác chất cao như núi của Nhà máy rác Cà Mau. ẢNH: TÂN LỘC

Theo kế hoạch, nhà máy vận hành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, sau hai năm khởi công, chủ đầu tư mới thi công được 2 ô chôn lấp rác tạm, đắp ta-luy đê bao xung quanh, phủ bạt. Đến nay, các ô tạm đã đầy, không thể tiếp nhận thêm rác; nước rỉ rác, nước mưa chảy tràn từ các ô tồn đọng gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh dự án… Theo chủ đầu tư, quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn trong việc huy động vốn, chi phí nguyên vật liệu tăng dẫn đến tổng mức đầu tư đội lên so với dự toán…

Tại Kiên Giang, Giám đốc Sở TN&MT Phùng Quốc Bình cho biết, Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (huyện Hòn Đất) hoạt động từ năm 2011, công suất 200 tấn/ngày. Đến năm 2017, khi thanh tra, Sở phát hiện nhà máy tiếp nhận lượng rác vượt công suất nên đề nghị chủ đầu tư nâng công suất. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa trình UBND tỉnh chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư nâng công suất nhà máy.

Với Nhà máy xử lý rác Bãi Bổn ở Phú Quốc của Cty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu, do thiết bị, công nghệ hoạt động không đáp ứng được công suất theo cam kết, tỉnh Kiên Giang đã thu hồi chủ trương thực hiện dự án. Sau đó, Cty TNHH ĐTXD Minh Thuận Thành xin chủ trương tiếp quản để thực hiện, được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận cho vận hành thử nghiệm.

Tuy nhiên, sau thời gian vận hành thử nghiệm, doanh nghiệp không thể xử lý hết được lượng rác phát sinh hằng ngày của thành phố Phú Quốc. UBND tỉnh Kiên Giang đã thông báo chấm dứt việc vận hành thử nghiệm, đồng thời, giao Sở KH&ĐT khẩn trương thẩm định, trình phê duyệt đề xuất dự án, công bố danh mục kêu gọi đầu tư.

Mới đây, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội nghị đột xuất để giải quyết một số vấn đề nóng trên địa bàn, trong đó có việc xử lý rác. Theo báo cáo, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre có lượng rác tồn đọng từ năm 2012 đến nay rất lớn, đòi hỏi phải tái cơ cấu.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ thống nhất chủ trương tái cơ cấu, đầu tư nhà máy nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng trong xử lý rác. Tuy nhiên, ông Thọ lưu ý, cần đánh giá năng lực nhà đầu tư một cách thận trọng, tăng cường công tác giám sát trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu, đảm bảo đúng theo các cam kết, mục tiêu đề ra.

CẢNH KỲ - TÂN LỘC

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-bang-song-cuu-long-cac-du-an-xu-ly-rac-deu-be-tac-post1550901.tpo