Đồng bằng sông Cửu Long: Chính quyền và người dân vẫn gồng mình chống hạn, mặn
Nắng nóng kéo dài cùng với tình trạng xâm nhập mặn khiến nguồn nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt của người dân Đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt.
Gần một tháng nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nước ngọt đang diễn ra gay gắt ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long. Đến nay, nhiều địa phương như Tiền Giang, Cà Mau… đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024. Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, làm cạn kiệt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cũng như nước sinh hoạt.
Gần 1 tháng qua, hàng ngày, gia đình bà Trần Thị Bích (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) phải đến vòi nước công cộng hoặc các xe bồn chở nước miễn phí để lấy nước sinh hoạt. Bà Bích cho biết, với 5 nhân khẩu, gia đình bà phải sử dụng khoảng 200 lít nước/ngày. Hiện các kênh, ao nước ngọt đều khô cạn nước từ nhiều ngày qua. Hệ thống nước máy không đủ cung cấp sinh hoạt cho gia đình, vòi nước chỉ chảy nhỏ giọt. Do đó, mỗi ngày gia đình bà phải đem can nhựa đến vòi nước công cộng để lấy nước.
“Mỗi ngày 3 lượt, tôi phải mang can nhựa lấy khoảng 200 lít nước về cho cả gia đình sinh hoạt. Người dân ở đây chỉ còn biết trông chờ vào vòi nước công cộng và bồn nước miễn phí từ các nhà hảo tâm”, bà Bích nói.
Trong khi đó, tại Bến Tre tình trạng xâm nhập mặn cũng xảy ra nghiêm trọng. Có nhà cách bờ biển hơn 20 km, gần một tuần qua, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (huyện Thanh Phú, Bến Tre) phải mua nước ngọt để xứ lý. Theo bà Lan, nước do nhà máy cung cấp bị nhiễm mặn nên gia đình bà phải mua nước ngọt qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3 để nấu ăn, tắm rửa.
Trước tình hình thiếu nước ngọt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã linh hoạt triển khai các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua, các ngành, các cấp địa phương đã liên tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của chính quyền tỉnh về công tác phòng, chống xâm nhập mặn. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình xâm nhập mặn để đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.
Về công tác đảm bảo nước sạch, ông Đảnh thông tin hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 165 điểm cấp nước ngọt tập trung miễn phí cho người dân, tập trung tại huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri, huyện Chợ Lách, huyện Thạnh Phú, huyện Bình Đại…
Trong khi đó, tại Cà Mau, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát lập dự toán mở đường ống nối mạng các công trình hiện có và mua bồn nhựa trữ nước từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, sở cũng bố trí lực lượng, phương tiện chở 400 m3 nước ngọt ra đảo Hòn Khoai để hỗ trợ cho người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ngoài ra, địa phương còn kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia nhận định, năm 2024, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn, phức tạp hơn so với trung bình nhiều năm. Tình trạng mặn tiến sâu hơn bên trong các hệ thống sông. Tính từ đầu mùa khô đến nay, đợt xâm nhập sâu nhất xuất hiện, với ranh mặn 4‰, tiến sâu vào đất liền 40-66 km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1‰ tại hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre vào sâu 70-76 km tùy theo sông.
Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ ước tính, hạn, mặn, xâm nhập mặn năm nay khiến tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, sạt lở kinh đê, đường xá diễn ra nặng hơn. Theo dự báo, hạn, mặn năm nay có thể gây thiệt hại cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng trên 70 nghìn tỷ đồng.