Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó hạn, mặn

Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn gay gắt của các năm trước, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp. Hạn, mặn đến đâu, chính quyền và người dân sẽ ứng phó đến đó.

Cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) phát huy tốt hiệu quả bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. (Ảnh BÁ DŨNG)

Cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) phát huy tốt hiệu quả bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. (Ảnh BÁ DŨNG)

Bài 2: Không chủ quan với diễn biến thực tế

Cùng với thực tế các công trình thủy lợi được đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả, việc các địa phương cử cán bộ chuyên môn túc trực đo độ mặn thường xuyên ở các trạm là rất cần thiết nhằm đưa ra các cảnh báo, biện pháp ứng phó phù hợp...

Chủ động từ rất sớm

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, nếu việc xả nước hạn chế ở thượng nguồn tiếp tục kéo dài thì khả năng mặn xâm nhập sớm và sâu từ nửa cuối tháng 2 và tháng 3 là rất cao... Tại các địa phương ở giữa đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 2, mặn với nồng độ 4 phần nghìn có thể xâm nhập sâu 45-60km; nếu thượng lưu vận hành xả nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 50-65km.

Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Cổ Chiên, sông Hậu và tiếp giáp Biển Ðông, phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Từ nguồn vốn trung ương, ngân sách địa phương, Trà Vinh đã đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ nước tưới tiêu cho hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Hưởng lợi từ các dự án phát triển thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi từ công trình đầu mối đến nội đồng, ưu tiên phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để khai thác hiệu quả các nguồn nước. Từ đó, Trà Vinh quy hoạch vùng trồng lúa cao sản xuất khẩu với diện tích 50.000ha.

Từ dự án nạo vét kênh Mai Phốp-Ngã Hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại tỉnh Vĩnh Long, khoảng 30.000ha lúa, 160.680ha đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh đã được tiếp ngọt, tiêu úng, rửa phèn. Tuyến kênh Mai Phốp-Ngã Hậu tiếp nước ngọt cho tuyến kênh Trà Ngoa và đây là tuyến kênh trục huyết mạch dẫn nước ngọt từ sông Mang Thít (Vĩnh Long) về phục vụ nguồn nước sản xuất, sinh hoạt cho tỉnh Trà Vinh.

Thời gian gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi được đưa vào sử dụng, tỉnh Bến Tre đã chủ động ngăn mặn, trữ ngọt. Trong đó, dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 cơ bản giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Còn dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao; phía sông Cổ Chiên, kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm. Cống Sa Kê góp phần ngăn mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc; đồng thời cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy nước phục vụ cho hơn 20 nghìn hộ dân ở hai huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc khi nguồn nước trên sông Mỏ Cày bị nhiễm mặn.

Để chủ động bảo vệ sản xuất vùng chuyên canh cây ăn trái ở các địa phương phía tây tỉnh, Tiền Giang đã đẩy nhanh tiến độ thi công các cống ngăn mặn tại các đầu kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864. Hiện, hai cống Rạch Gầm và Phú Phong ở huyện Châu Thành đã hoàn thành việc lắp đặt cửa cống. Cống âu trên kênh Nguyễn Tấn Thành do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư cũng đã ngăn dòng, hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã nạo vét hàng nghìn tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 nhằm khơi thông dòng chảy, tích trữ nước ngọt. Những nơi khó khăn về nước ngọt, địa phương cũng đã đào mới các ao trữ nước để tăng khả năng tích trữ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân...

Sau Tết Quý Mão 2023, mặn bất ngờ xâm nhập sâu vào đất liền tại tỉnh Vĩnh Long với độ mặn đo được vào ngày 3/2 hơn 4,7 phần nghìn. Huyện Vũng Liêm là địa phương ở Vĩnh Long thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn trong mùa khô. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm, nhờ hệ thống đê bao khép kín, nhiều năm nay, huyện đã chủ động ứng phó hiệu quả với mặn xâm nhập. Hiện, độ mặn đo được khoảng 5 phần nghìn nhưng chưa gây thiệt hại gì. Riêng với cây sầu riêng rất mẫn cảm với độ mặn, chỉ 0,5 phần nghìn là đã bị ảnh hưởng. Đầu năm 2023, dù độ mặn lên cao nhưng nhà vườn vẫn chủ động được nguồn nước ngọt để tưới cây. Toàn huyện Vũng Liêm hiện có khoảng 1.222ha sầu riêng, chưa ghi nhận nhà vườn nào bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn rà soát lại hệ thống cống để kịp thời vận hành ngăn mặn, trữ ngọt; hướng dẫn, khuyến cáo người dân kê cao bờ bao, đê bao để bảo vệ khu vực sản xuất cũng như tận dụng ao mương tại vườn để tích trữ nước ngọt...

Bám sát tình hình thực tế

Cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là cống lấy nước ngọt duy nhất phục vụ cho hơn 46.000ha ở vùng “ngọt hóa” Gò Công. Những ngày nước mặn dâng cao, cửa cống đóng chặt, hơn 10 người trong kíp trực thường xuyên đo độ mặn bên ngoài, kiểm tra nước mặn rò rỉ vào nội đồng. Khi độ mặn giảm xuống gần mức cho phép lấy nước ngọt vào nội đồng, cứ khoảng 10 đến 15 phút, các công nhân vận hành cống lại đo độ mặn bên ngoài để báo cáo về lãnh đạo ngành nông nghiệp xin ý kiến được mở cống lấy nước. Công việc cứ diễn ra liên tục suốt ngày đêm.

Ông Nguyễn Đỗ Thông, Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Gò Công thuộc Cụm Thủy nông Xuân Hòa (Tiền Giang) cho biết: “Để vận hành cống Xuân Hòa, mỗi kíp trực của chúng tôi gồm 12 người. Tất cả đều tập trung để bảo đảm lấy nước khi độ ngọt bên ngoài cho phép. Anh em ở đây ai cũng mong lấy được nước ngọt càng sớm càng tốt”.

Thời điểm này, tại Sóc Trăng, độ mặn cao nhất trong tuần trên sông Hậu tại khu vực cửa biển Trần Đề ở mức 19,8 phần nghìn, tại Long Phú là 15,2 phần nghìn và trên sông Mỹ Thanh tại Dù Tho là 4,9 phần nghìn. Theo dự báo của ngành chức năng, hạn mặn mùa khô năm 2023 không gay gắt so với trung bình nhiều năm, nhưng có thể diễn biến phức tạp và nhiều thời điểm tăng cao đột ngột. Vì vậy, công tác vận hành các công trình cũng được đơn vị chuyên môn tập trung điều hành.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Lê Bá Khiết, đơn vị đã phân công anh em trực 24/24 giờ để điều tiết nước cho phù hợp. Đầu tháng 2, độ mặn tăng lên đột xuất cho nên các cống cơ bản đã được đóng và chỉ vận hành khi nguồn nước cho phép. Năm nay, xâm nhập mặn xuất hiện trùng với đợt thu hoạch lúa trong vùng dự án Long Phú-Tiếp Nhựt cho nên việc vận hành cống cũng bảo đảm phù hợp để điều tiết lượng ghe tàu vận chuyển lúa từ kênh, rạch đi ra.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) Dương Ái Đạo cũng cho biết: “Chúng tôi thường xuyên cập nhật quan trắc đo mặn tại các điểm ven sông Cổ Chiên, sông Mang Thít và trong nội đồng để có số liệu cụ thể mới vận hành các cống cho hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân về cây trồng, vật nuôi để ứng phó phù hợp”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, tỉnh lo nhất tình hình hạn, mặn ở khu vực “ngọt hóa” Gò Công. Tỉnh đã khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra, nhất là ở khu vực cuối nguồn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết thêm: “Mặc dù địa phương đã có sự chủ động từ rất sớm, song, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; hạn, mặn có thể kéo dài, lấn sâu hơn vào nội đồng. Vì vậy, ngoài việc bám sát vào kịch bản đã xây dựng, lãnh đạo tỉnh cùng ngành chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở để khảo sát tình hình thực tế, nhất là việc nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy, để thuận lợi trong việc lấy và tích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân...”.

Là địa phương từng bị ảnh hưởng nặng nề do hạn mặn, nhất là vào mùa khô 2016-2017 và 2019-2020, tỉnh Bến Tre đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm để chủ động ứng phó hạn, mặn trong mùa khô 2022-2023 này. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường cảnh giác, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó tình hình xâm nhập mặn đang tăng cao trên các sông chính, đề phòng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh hưởng sản xuất, dân sinh. Bằng nhiều kênh, các địa phương thông tin rộng rãi về tình hình xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động ứng phó. Các đơn vị liên quan thường xuyên quan trắc, theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại các điểm đo, công trình, cửa lấy nước để có phương án vận hành phù hợp...

(*) Xem Báo Nhân Dân ra ngày 19/2/2023.

Nhóm PVTT đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-ung-pho-han-man-post739488.html