Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị hạn, mặn nghiêm trọng

Tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 – 2020 của Tổng cục Thủy lợi chiều 19/12, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị hạn, mặn sớm hơn, sâu hơn, thậm chí nghiêm trọng hơn năm 2016.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Mùa khô 2019 – 2020, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện sớm so với năm 2015 - 2016 là từ 20 - 30 ngày; so trung bình nhiều năm là từ 2,5 - 3,5 tháng. Từ giữa tháng 12, mặn có khả năng ảnh hưởng sâu đến 40 - 50km (cao hơn 2016 khoảng 3 - 5km). Dự báo tháng 1, 2, giữa tháng 3/2020: ranh mặn 4g/l xâm nhập từ 55 - 110km, cao hơn từ 3 - 7km so 2015 - 2016, từ 20 - 40km so với trung bình nhiều năm.

Vụ Đông Xuân tại khu vực gặp rủi ro cách biển đến 50 - 60km. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, nếu có xả nước thủy lợi, mặn giảm cửa sông Cửu Long. Còn khu vực sông Vàm Cỏ, Cái Lớn mặn có thể tăng cao.

Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang.

Tổng diện tích tự nhiên thuộc vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn khoảng 1.869.000 ha (không bao gồm các khu vực đã có công trình thủy lợi kiểm soát xâm nhập mặn), cao hơn vùng ảnh hưởng của năm xâm nhập mặn lịch sử 2016 khoảng gần 50.000 ha.

Bên cạnh đó, tổng cộng sẽ có khoảng 120.772 hộ thiếu nước sinh hoạt, gồm 31.487 hộ (tương đương 26%) từ công trình cấp nước tập trung khoảng; 89.282 hộ (tương đương 74%) từ cấp nước nhỏ lẻ. So với năm 2015-2016, số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 89.228 hộ (năm 2015-2016 là 210.000 hộ).

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long năm nay thấp hơn năm 2015 (năm để sinh ra hạn mặn 2016). Qua xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, kinh nghiệm ứng phó với tình trạng này có rất nhiều. Nếu xảy ra tình trạng như dự báo trên mà không có kinh nghiệm năm 2016 sẽ thiệt hại sẽ rất nặng nền. Điển hình, tuy xâm nhập mặn dự báo cao hơn nhưng số hộ bị thiếu nước lại giảm mạnh.

Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 với việc vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn nhằm đảm bảo một vụ sản xuất thành công. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 với việc vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn nhằm đảm bảo một vụ sản xuất thành công. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Bên cạnh đó, sau năm 2016, Chính phủ, địa phương đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi, công trình cấp nước cho dân. Với tình hình trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ phải cùng quyết tâm để đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kịch bản chi tiết cả về trước mắt và lâu dài.

Về nước sinh hoạt, Bộ đã chỉ đạo địa phương phải cân đối nước đến từng thôn, ấp, hộ gia đình. Đây là nhiệm vụ ưu tiên số một để đảm bảo đủ nước cho người dân, tiếp theo là cây ăn quả lâu năm, lúa rồi đến các đối tượng khác.

Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng vẫn phải đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đây là giải pháp số một. Trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020, Chính phủ đã giao Bộ và địa phương đầu tư nhiều công trình thủy lợi. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình được xây dựng chủ yếu phục vụ ứng phó với thiên tai; trong đó có hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, chống sát lở…

Với giải pháp phi công trình, ngoài tổ chức quản lý, Bộ cũng như các địa phương đã đầu tư xây dựng các hệ thống giám sát nói chung; trong đó có giám sát mặn để dự báo, cảnh báo, hướng dẫn người dân phòng chống.

Liên quan đến giải pháp trước mắt đối với sản xuất vụ Đông Xuân, ông Đinh Công Chính, Phó trưởng Phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết thêm, hàng năm khu vực này sản xuất 1,6 triệu ha. Dự báo sẽ khó khăn về nguồn nước, nên các địa phương đã giảm diện tích so vụ Đông Xuân năm ngoái 50.000 ha, diện tích sẽ bù vào vụ Hè Thu và Thu Đông. Bên cạnh đó, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, hiện đã cơ bản gieo cấy xong.

Cụ thể, trà lúa Đông Xuân sớm gieo cấy đầu tháng 11 thường được 25% nhưng năm nay đã đẩy lên 30%; trà tập trung vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 đã đẩy lên và đạt trên 50%. Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các địa phương chú trọng việc chăm sóc, cố gắng đảm bảo diện tích gieo cấy cũng như kế hoạch đề ra.

Trước tình hình trên, dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019 -2020 vào ngày 25/12 tại Bến Tre); Hội nghị do Chính phủ chủ trì công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 dự kiến vào tháng 1/2020.

Bích Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/dong-bang-song-cuu-long-co-nguy-co-bi-han-man-nghiem-trong-20191219181239071.htm