Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện với đợt triều cường cuối năm

Theo dự báo, đợt triều cường tháng 10 âm lịch sẽ kéo dài khoảng 1 tuần, mực nước sẽ dâng cao. Vùng trũng các địa phương Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang và Đồng Tháp nhiều khả năng sẽ bị ngập nặng.

Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường TP Bạc Liêu bị ngập sâu.

Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường TP Bạc Liêu bị ngập sâu.

Tại Bạc Liêu, mưa lớn từ 1 giờ đến hơn 4 giờ sáng ngày 25/10 cộng với triều cường dâng cao đã làm hầu hết các khu vực của TP ngập trong biển nước. Nhiều tuyến đường chính như: Trần Phú, Võ Thị Sáu, Bà Triệu, Lê Văn Duyệt, Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Thụ… nước ngập sâu từ 50-70 cm. Lúc triều cường dâng cao, lại đúng giờ cao điểm người dân đi làm và đưa con đi học khiến đường phố trở nên ùn ứ, các phương tiện giao thông chật vật di chuyển, xe tắt máy hàng loạt.

Anh Nguyễn Văn Năng, ngụ ở phường 5, TP Bạc Liêu cho biết: “Triều cường đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân, đi lại khó khăn vất vả. Nhiều gia đình buộc phải dùng các bao cát ngăn bớt nước tràn vào nhà, đồng thời thức thâu đêm tát nước. Tội nhất là các cháu học sinh ở các hẻm, các khu dân cư, phải bì bõm lội nước đến trường. Ở vùng nông thôn bà con trồng rau màu cũng rất khó khăn. Nhiều người đã phải đôn cao liếp, khơi rãnh để rau màu có thể thoát nước tốt khi gặp mưa dầm, kể cả trang bị thêm máy bơm để dự phòng”.

Anh Lê Văn Bảo, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu chia sẻ: “Vụ này trồng màu khó khăn lắm, không chỉ sâu bệnh xuất hiện nhiều mà còn bất lợi về thời tiết. Mưa nhiều, triều cường dâng cao gây thiệt hại nặng nề cho nông dân”. Anh Bảo nhẩm tính, để sản xuất được 1kg rau trong mùa này còn khó hơn trồng 10kg trong mùa nắng, triều cường dâng cao nếu chạy không kịp coi như mất trắng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đây là đợt triều cường cao thứ 2 trong năm. Dự báo 2 tháng cuối năm là tháng 11 và 12 sẽ có 4 đợt triều cường nữa, đỉnh triều cao kỷ lục thường rơi vào cuối tháng dương lịch.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tích cực vận hành cống ngăn triều để tiêu thoát nước cho nhanh. Hiện nay triều cường cùng với lượng mưa lớn khiến cho nhiều vùng trong tỉnh bị ngập sâu, nhất là TP Bạc Liêu. Tỉnh chỉ đạo cho UBND TP Bạc Liêu tăng cường kiểm tra hệ thống thoát nước trên địan thành phố, khơi thông dòng chảy cống để tiêu thoát nước nhanh hơn”.

Còn tại TP Cần Thơ, khoảng 5 giờ sáng 25/10 triều cường đã dâng sớm hơn so với dự báo của cơ quan chức năng, nhiều tuyến phố bị ngập như Trần Văn Hoài, 30/4, Nguyễn Văn Cừ… khiến cho việc di chuyển của người dân gặp nhiều khó khăn.

Tại những tuyến đường nước ngập nặng, ngoài lực lượng công an còn có dân phòng, thanh niên tình nguyện để hướng dẫn người dân đi vào chỗ cao cũng như đẩy xe giúp dân khi xe bị chết máy.

Dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch ở Cần Thơ tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày từ 26 - 28/10 (nhằm ngày 2 - 4/10 âm lịch), vượt báo động 3 và xấp xỉ đỉnh triều đợt rằm tháng 9 âm lịch vừa qua.Trước diễn biến của kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ yêu cầu thành viên Ban chỉ huy, UBND quận, huyện tiếp tục triển khai chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.

Theo đó, lực lượng chức năng và các quận, huyện và các đơn vị liên quan chủ động khắc phục nhanh sạt lở trên tuyến giao thông; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố; tăng cường lực lượng, tổ chức ứng trực, sẵn sàng có mặt để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông tại các giao lộ, điểm ngập sâu...

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong các tháng cuối năm 2022, lượng mưa ở thượng nguồn sông Mekong và ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa ở khu vực Nam Bộ. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức xấp xỉ, hoặc thấp hơn mùa khô năm 2021-2022. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chủ động ứng phó lũ kết hợp triều cường và sạt lở trên sông Cửu Long.

S.Tuyến

Nguyên Du-Trung Kiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-doi-dien-voi-dot-trieu-cuong-cuoi-nam-5700429.html