Đồng bằng sông Cửu Long: Gần tết, lo chống mặn
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã ban bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn vào sâu nội đồng. Tương tự, tình hình cũng rất căng thẳng với Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ. Năm nay, triều cường đến sớm, nước trên thượng nguồn sông Mekong về ít, mặn từ các cửa sông vì thế đã xâm nhập sớm hơn.
Mặn vào sâu nội đồng, diễn biến phức tạp
Trong Quyết định số 72/QĐ-UBND ngày 13/1, do Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng ký, đã ban hành về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo đó, yêu cầu các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn, nhằm hạn chế thiệt hại cho người dân.
Tới nay, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính tại Bến Tre đang diễn biến rất phức tạp; mặn xâm nhập nhanh đột ngột và rất sâu. Hiện tại, xâm nhập mặn trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Dự báo độ mặn còn tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 1 này. Độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 53-68km, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh Bến Tre. Còn nhìn chung, với toàn vùng ĐBSCL, mặn đã xâm nhập sâu khoảng 50km. Trong đó, nước có độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất là trên sông Vàm Cỏ Đông với 67km, thấp nhất là sông Cái Lớn 45km.
Tết Nguyên đán đã đến rất gần, nhưng nhiều địa phương vùng ĐBSCL lại phải bươn chải chống xâm nhập mặn. Tại Cần Thơ, ngày 14/1, triều cường đã gây ngập một số tuyến đường trong nội ô thành phố. Tại Hậu Giang, nước mặn xâm nhập cả từ hai hướng biển Đông và Tây. Với triều cường hướng Đông, trên sông Cái Côn (thuộc huyện Châu Thành), độ mặn đo được lúc đỉnh triều là 2,8‰. Tại thị xã Ngã Bảy độ mặn đo được lúc đỉnh triều là 2‰… Triều cường từ hướng biển Tây, xâm nhập vào địa phận huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh trên sông Cái Lớn, độ mặn đo được từ 0,9‰ - 2,1‰. Trong khi đó, theo dự báo, những ngày tới, mực nước trên các sông tại Hậu Giang đều ở mức thấp và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30cm. Do đó, nước mặn có thể còn vào sâu nội đồng hơn.
Còn tại Tiền Giang, tính đến ngày 14/1, trên sông Cửa Tiểu và Cửa Đại, xâm nhập mặn đã vào sâu 50km. Trong khi đó, cùng thời điểm nhiều năm trước, mặn vào sâu khoảng 30km.
Về nguyên nhân năm nay mặn xâm nhập sớm và sâu hơn vào nội đồng tại ĐBSCL, theo các nhà chuyên môn là do lượng nước dòng Mekong xả về quá ít, khiến cho các dòng sông trong vùng thiếu nước, không đủ để đẩy mặn ra xa. Tiếp đó, triều cường năm nay cũng đến sớm hơn. Cả 2 nguyên nhân chính kể trên đều do tác động xấu từ biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó
Tại thời điểm này, các địa phương vùng ĐBSCL đều đã có phương án giảm thiểu tác hại của xâm nhập mặn; kể cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán.
Trước hết, đó là việc vận hành hệ thống cống ngăn mặn ven biển. Các tỉnh ven biển như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) đã lên phương án bơm trữ gạn ngọt khi triều thấp, chủ động trữ nước ở các thời kỳ khan hiếm nước ngọt khi mặn vào sâu.
Tại Bến Tre, cùng với quyết định công bố tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập của UBN tỉnh, thì các vùng trồng hoa, cây giống, cây ăn quả tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre... đã và đang tiếp tục trữ nước ngọt trong mương vườn, dùng các dụng cụ chứa nước để dự trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Đối với diện tích hơn 2.000 ha lúa đã xuống giống tại huyện Giồng Trôm, Ba Tri khuyến cáo ngưng chăm sóc, bón phân để giảm thiệt hại.
Tại huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang), nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là nước sinh hoạt, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ dân xây bồn chứa dự trữ nước sinh hoạt. Tỉnh cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt các công trình bơm tưới tại các cống, với mục tiêu bảo vệ sản xuất cho trên 138.000 ha lúa đông xuân, hoa màu, cây ăn trái và trên 536.000 người dân các huyện vùng ven biển. Đặc biệt là việc tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường; đóng các cống, đắp đập ngăn mặn.
Tại Hậu Giang, lãnh đạo Sở NNPTNT cho biết, nhiều hệ thống cống ngăn mặn đã đóng để bảo vệ diện tích đất trồng trọt. Cùng đó, ngành thủy lợi túc trực kiểm tra độ mặn thường xuyên để khuyến cáo nông dân chủ động ứng phó. Tuy nhiên, điều lo lắng là các đập thủy điện thượng nguồn Mekong giảm xả nước ảnh hưởng đến ĐBSCL đúng vào những ngày Tết Nguyên đán. Cùng đó là triều cường từ biển lên cao, lấn sâu vào nội động. Vì thế, diễn biến nước mặn xâm nhập sẽ hết sức phức tạp.
Khi cái tết đã đến thì ĐBSCL lại phải lo chống xâm nhập mặn, lo đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các phương án chủ động phòng chống, thích ứng đã được triển khai với hy vọng giảm thiểu mức độ ảnh hưởng ở mức thấp nhất.
Hiện tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở mức độ, sâu hơn gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất kể từ trung tuần tháng 1 cho tới hết tháng 2; riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3/2020. Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 1 và 2, dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL rất hạn chế, khả năng thiếu hụt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm. Mực nước Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho ĐĐBSCL không nhiều. Tại thời điểm này, với toàn vùng ĐBSCL, mặn đã xâm nhập sâu khoảng 50km. Trong đó, nước có độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất là trên sông Vàm Cỏ Đông với 67km, thấp nhất là sông Cái Lớn 45km.