Đồng bằng sông Cửu Long: Làm gì để nguồn lực đầu tư thoát thế 'giậm chân tại chỗ'?

Trong những năm gần đây, vốn ngân sách đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gia tăng, nhất là phục vụ phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội của vùng vẫn 'giậm chân tại chỗ' trong 10 năm qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương trong vùng cần nhìn nhận các điểm nghẽn, song song với việc tìm kiếm các giải pháp để bứt phá trong thu hút nguồn lực đầu tư thời gian tới.

Hai yếu kém khiến nguồn lực đầu tư không tăng

Trong những năm gần đây, khu vực ĐBSCL ghi nhận tín hiệu tích cực khi dòng vốn ngân sách trung ương tăng lên đáng kể, nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, bao gồm các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang.

Vốn ngân sách cho ĐBSCL gia tăng những năm gần đây, nhất là phục vụ phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa.

Vốn ngân sách cho ĐBSCL gia tăng những năm gần đây, nhất là phục vụ phát triển các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh minh họa.

Theo đó, vốn ngân sách đầu tư cho ĐBSCL vào năm 2021 là 64.113 tỷ đồng. Tiếp theo năm 2022 và 2023, nguồn vốn này lần lượt đạt 72.265 và 80.791 tỷ đồng.

Ngược lại, thu hút FDI vào ĐBSCL lại giảm mạnh. Cụ thể, năm 2021 vốn FDI vào ĐBSCL là 26.144 tỷ đồng và hai năm tiếp theo lần lượt giảm còn 19.808 tỷ đồng và 17.079 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL, trong khi vốn ngân sách và FDI đi ngược chiều nhau thì dòng vốn khu vực tư nhân cho ĐBSCL gần như không biến động, tức giữ ổn định quanh mức trên dưới 150.000 tỷ đồng, trong ba năm gần đây.

Báo cáo của VCCI chi nhánh ĐBSCL cho thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của ĐBSCL trong 10 năm qua (giai đoạn từ năm 2014 - 2023) chỉ đạt khoảng 11% so với cả nước, cao hơn khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. Tính riêng năm 2023, vốn đầu tư cho ĐBSCL đạt 251.310 tỷ đồng, bao gồm 80.791 tỷ đồng từ ngân sách; 17.079 tỷ đồng vốn FDI và 153.440 tỷ đồng từ khu vực tư nhân.

Vốn tư nhân cho ĐBSCL chỉ bằng 16% nguồn vốn này của khu vực Đông Nam Bộ; 18% của đồng bằng sông Hồng và bằng 60% của Duyên hải miền Trung. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho khu vực ĐBSCL có tỷ lệ không đổi so với cả nước trong một thời gian dài.

Các chuyên gia nhận định, có hai yếu kém dẫn đến thực trạng nguồn lực đầu tư của ĐBSCL không tăng trong nhiều năm. Đầu tiên phải kể đến việc dòng vốn FDI vào vùng giảm, cụ thể giảm từ 11% so với cả nước trong những năm trước xuống còn hơn 7% hiện nay. Tiếp theo là hạn chế về số lượng doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả giảm đăng ký mới lẫn vốn đầu tư.

Về nguồn vốn từ khu vực tư nhân, 5 năm trở lại đây, vùng ĐBSCL với 18 triệu dân nhưng mỗi năm có chưa đến 1.500 doanh nghiệp để bổ sung nguồn lực vào xã hội. Riêng năm 2023, ĐBSCL có 15.043 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có 14.852 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tức năm ngoái có thêm chỉ 191 doanh nghiệp tham gia vào thị trường.

So sánh với các vùng khác, trong khi ĐBSCL có thêm 191 doanh nghiệp thì Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng lần lượt có thêm thêm 25.769 và 18.437 doanh nghiệp, tức lần lượt cao gấp 134 và 96,5 lần so với ĐBSCL.

Như vậy, mặc dù tỷ lệ vốn ngân sách có cải thiện, nhưng do những hạn chế trong thu hút nguồn lực FDI cũng như khu vực tư nhân khiến vốn đầu tư toàn xã hội vào ĐBSCL những năm qua vẫn giậm chân tại chỗ.

Bên cạnh đó, vấn đề này cũng phản ánh đúng thực tế khi bức tranh phát triển của ĐBSCL thời gian vừa qua hầu như không thay đổi. Cụ thể, từ 2017 đến 2023, tỷ trọng cơ cấu kinh tế của khu vực I, II, III và thuế - trợ cấp luôn duy trì mức ổn định.

Đa dạng góc nhìn để thay đổi

Trước bối cảnh ảm đạm của ĐBSCL, Long An lại đang vượt lên khá xa so với nhiều địa phương còn lại trong vùng.

Long An là một trong số ít địa phương có vốn đầu tư vào xã hội ở mức cao. Ảnh minh họa.

Long An là một trong số ít địa phương có vốn đầu tư vào xã hội ở mức cao. Ảnh minh họa.

Về FDI, Long An chiếm 70% số dự án và 38% vốn của cả vùng (ĐBSCL hiện có 2.063 dự án và hơn 35,6 tỷ USD vốn FDI). Về nguồn lực khu vực tư nhân, Long An cũng là một trong số ít địa phương có vốn đầu tư vào xã hội ở mức cao, đạt hơn 18.700 tỷ đồng năm 2023.

Theo ông Trần Văn Tươi - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, địa phương tiếp nhận được dòng vốn tốt nhờ tiếp giáp vùng kinh tế năng động của cả nước là Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế, Long An đã chủ động từ sớm trong quy hoạch phát triển công nghiệp với 16.422 ha đến năm 2050, trong đó, dư địa còn khoảng 10.000 ha sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư.

Bên cạnh việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, Long An đã tận dụng tốt các mối quan hệ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Qua tham tán thương mại, ông Cao Xuân Thắng - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho biết: “Nhiều đoàn doanh nghiệp Singapore đã đến Long An và thậm chí Long An cũng đã sang Singapore để mời gọi. Đây chính là điều kiện dẫn dắt doanh nghiệp đến Long An".

Đặc biệt, Long An rất chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, qua hình thức để doanh nghiệp FDI giới thiệu cho các doanh nghiệp khác về việc được tạo thuận lợi hoặc giải quyết khó khăn khi đầu tư.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Toshiyuki Fukuda - Tổng giám đốc Công ty TNHH Nippon Koei Việt Nam International, nhận định: “Nơi có tiện ích phục vụ đời sống tốt là yếu tố có ảnh hưởng đến việc rót vốn của nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, mang theo gia đình khi đi làm ăn".

Với các tập đoàn lớn, địa điểm chọn đầu tư thường là nơi có chi phí nhân công rẻ, nhất là lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc. Ngoài ra, những nơi có hạ tầng, môi trường kinh doanh tốt, lao động có tay nghề luôn được nhà đầu tư ưu tiên.

Ở góc nhìn địa phương khác, ông Phạm Duy Tín - Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Cần Thơ, cho rằng: “Cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bên cạnh việc giải quyết bài toán nguồn vật liệu phục vụ phát triển hạ tầng công nghiệp, ĐBSCL phải phát triển hệ thống logistics, cảng, có thể thông quan tại chỗ với thủ tục thông thoáng".

Ông Tín cũng đề xuất, cần có luật khu công nghiệp, khu kinh tế, bởi cả nước hiện có khoảng 426 khu công nghiệp và 19 khu kinh tế phát triển gần 30 năm qua, nhưng hành lang pháp lý chỉ dừng lại ở các nghị định, chưa tạo được sự an tâm cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia nhận định, để dòng vốn có thể tăng lên, ĐBSCL cần thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn cũng như nâng cao các tiện ích liên quan, khi đó nguồn lực đầu tư toàn xã hội của vùng sẽ được cải thiện.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-bang-song-cuu-long-lam-gi-de-nguon-luc-dau-tu-thoat-the-giam-chan-tai-cho-160652.html