Đồng bằng sông Cửu Long: Nỗ lực khôi phục vườn cây ăn trái
ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực, chiếm khoảng 58% diện tích toàn miền Nam. Mặc dù cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân vươn lên khá giả, nhưng trước diễn biến của thời tiết cực đoan, hạn mặn, cây ăn trái bị thiệt hại nặng trên diện rộng. Việc tìm mô hình canh tác mới thích ứng với biến đổi khí hậu cho vườn cây ăn trái đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Cây chết tràn lan
Theo Bộ NN-PTNT, trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, dù các địa phương đã chủ động ứng phó sớm nhưng vẫn có hơn 25.000ha cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng; trong đó hơn 11.181 ha bị mất trắng (nhiều nhất là Bến Tre 5.448ha, Tiền Giang 3.909ha, Vĩnh Long 862ha, Long An 702ha, Trà Vinh 241ha...). Nguyên nhân là do khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài, thiếu nước ngọt để tưới, đất bị xì phèn, nước nhiễm phèn, cây bị sốc do môi trường bất lợi. Một số nơi do thiếu nước tưới nên người dân sử dụng nước nhiễm mặn nhẹ.
Ông Nguyễn Văn Son, ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, xót xa khi hạn mặn kéo dài, khiến 8 công sầu riêng của ông mất trắng. Mấy ngày nay, ông Son chạy đôn chạy đáo tìm vốn khôi phục vườn cây sau khi hạn mặn đi qua, bởi đây là nguồn sống chủ yếu của gia đình.
Kéo chúng tôi ra khu vườn đang được đốn hạ cây chết để trồng mới, ông Phan Văn Hoằng, ngụ xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, cho hay: “Vườn sầu riêng này đã hơn 15 năm tuổi, nếu tính giá bán bình quân 40.000-60.000 đồng/kg thì mỗi năm cũng thu về 600-700 triệu đồng. Thế nhưng, hạn mặn làm vườn sầu riêng chết hơn 70% diện tích; nguồn thu năm 2020 này mất sạch và còn phải nợ vật tư, ngân hàng”.
Những ngày qua, gia đình ông Hoằng phải thuê người đốn bỏ hàng loạt cây chết và tìm mua sầu riêng giống để trồng mới. Song phải mất đến 5-6 năm chăm sóc thì vườn cây mới bắt đầu cho trái.
Bến Tre có rất nhiều diện tích vườn cây bị thiệt hại do hạn mặn. Những ngày qua, ngành chức năng và người dân dồn sức khắc phục. Ông Nguyễn Bá Vàng, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, buồn rầu: “Sản xuất lúa chỉ mất 3 tháng là xong 1 vụ, trong khi vườn cây ăn trái trồng mới cần 3-5 năm chăm sóc mới cho thu hoạch, tốn nhiều công sức và vốn đầu tư lớn”. Theo thống kê, toàn huyện Chợ Lách có khoảng 2.354ha cây ăn trái bị thiệt hại 30%-100%. Hiện ngành nông nghiệp phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ 2-4 triệu đồng/ha (tùy số lượng cây chết) giúp bà con sớm khôi phục vườn.
Chủ động ứng phó dài hạn
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, thiệt hại vườn cây ăn trái đã gây nhiều khó khăn cho nông dân, khi mất nguồn thu nhập ổn định hàng năm. Tại Tiền Giang, rất nhiều hộ sau khi vườn sầu riêng bị chết trắng đã lâm vào cảnh nợ nần, không còn khả năng thanh toán.
Ông Trần Văn Khang, ấp Hiệp Phú, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, rầu lo: “Ấp có 188ha sầu riêng thì hơn 100ha thiệt hại nặng. Trung bình 1ha để trồng mới lại sẽ cần khoảng 350 cây sầu riêng, tiền giống là 120.000 đồng/cây, cộng với tiền phân, thuốc, chăm sóc… tính ra cần hàng chục tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, thời điểm này, người dân trải qua cảnh mất mùa, trắng tay vì hạn mặn; nợ vật tư, ngân hàng vây quanh nên dù muốn khôi phục vườn cây, cũng rất khó”. Cũng theo ông Khang, nếu như trước đây mỗi công sầu riêng ở vùng này giá gần 1 tỷ đồng, nay giá tuột còn 300-400 triệu đồng/công vẫn vắng người mua.
Trước những khó khăn của người dân, ngành chức năng ở Tiền Giang hỗ trợ cây giống cho những hộ bị thiệt hại và trồng mới, với mức 25.000 đồng/cây sầu riêng, 12.000 đồng/cây mít… Tại Bến Tre, việc khôi phục vườn cây cũng được chú trọng và thực hiện cấp bách. Ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, bộc bạch: “Những vườn cây bị ảnh hưởng ít thì hướng dẫn nông dân tỉa cành, rửa mặn cho đất, bón vôi, sử dụng phân hữu cơ sinh học có chứa nhiều dinh dưỡng khoáng, sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giúp cây chống chịu với điều kiện hạn mặn, giúp tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng… Những vườn trồng lại 100%, cần làm theo mô hình mới có xây dựng hồ trữ nước ngọt và đê bao ngăn mặn nhằm ứng phó hạn mặn khó lường. Trong quá trình khôi phục vườn cây thì sầu riêng được ưu tiên khuyến cáo, bởi có giá trị kinh tế cao; tuy nhiên người dân cũng nên trồng đan xen một số loại cây khác trong những năm đầu, nhằm lấy ngắn nuôi dài”.
Theo Bộ NN-PTNT, với nỗ lực khôi phục vườn cây ăn trái, thời gian qua đã có nhiều cuộc tập huấn, hội thảo đầu bờ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện tại các nhà vườn, và những tài liệu kỹ thuật hướng dẫn khắc phục. Bên cạnh việc trồng mới lại vườn cây, các địa phương cũng cần đề phòng hạn mặn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh lưu ý, theo dự báo, mùa khô năm 2020-2021 có khả năng tương đương mùa khô năm 2015-2016. Và diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn tới 80.000ha. Do đó, ngay từ bây giờ các tỉnh cần rà soát lại diện tích vườn cây ăn trái chi tiết từng loại cây trồng và từng huyện; hướng dẫn người dân cân đối nguồn nước tưới trong thời gian ảnh hưởng mặn; chủ động tích trữ nước ngọt, kết hợp sử dụng nguồn nước tiết kiệm thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng hoàn thiện, khép kín hệ thống thủy lợi ở các vùng trồng cây ăn trái; đồng thời lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo mặn để ứng phó phù hợp với từng giai đoạn...
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dong-bang-song-cuu-long-no-luc-khoi-phuc-vuon-cay-an-trai-689704.html