Đồng bằng sông Cửu Long: Phải bố trí lại dân cư ở những nơi nguy cơ cao về sạt lở

Sáng 4/6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là giải pháp ổn định môi trường sống vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn chính các vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường. (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn chính các vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường. (Ảnh: Quốc hội)

Giải pháp nào ổn định môi trường sống vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nhận định, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua và giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới?

Trả chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến tình hình sạt lở của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền núi phía Bắc.

Để khắc phục và giảm thiểu tối đa tình trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đánh giá về trữ lượng của cát, sỏi lòng sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để từ đó biết rõ được trữ lượng khai thác ở các vùng như thế nào.

Mặt khác, hiện nay, các địa phương đều đã có quy hoạch nên cần có sự rà soát, sắp xếp lại dân cư, những vùng có nguy cơ bị sạt lở ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. Những nơi nào có nguy cơ cao về sạt lở thì phải bố trí lại dân cư.

Bên cạnh đó, cần có quy định và xử lý nghiêm việc lấn chiếm lòng sông, bờ sông; phải nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo về tình hình sạt lở đất.

Sẽ tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn

Trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre về giải pháp trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, với tác động của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long bị tình trạng xâm nhập mặn sâu, trước đây khoảng 15-20km, hiện nay vào chỗ sâu nhất ở sông Vàm Cỏ là 125km.

Trong thời gian tới, với hiện tượng El Nino nắng nóng và với việc lưu lượng nước hạn chế, việc xâm nhập mặn này chắc chắn sẽ tiếp tục cực đoan hơn. Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành trong quy hoạch vùng đã tính đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ví dụ sản xuất, nuôi trồng từ nước ngọt có thể chuyển sang nước mặn, nước lợ. Các ngành sản xuất phải chủ động trong việc này, bởi vì phải thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, có những giải pháp về công trình, phi công trình để cố gắng đồng bộ trong các công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước đồng bộ. Đơn cử, đầu tư hệ thống đập ngăn phải đồng bộ, không phải ngăn được dòng, nhánh này nhưng không ngăn được dòng, nhánh kia. Chúng ta ngăn để cố gắng giữ được nước ngọt là tốt hơn.

Liên quan đến giải pháp làm kênh dẫn nước ngọt từ vùng này sang vùng khác, do liên quan đến nhiều yếu tố, cần được đánh giá, nghiên cứu rất kỹ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh sẽ có văn bản để trả lời, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn, gửi tới các đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang tranh luận, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã chia sẻ rất nhiều về giải pháp, quyết tâm của ngành trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhận thấy, tất cả các phần trao đổi và báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường không có nội dung nào phân tích về ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, mất an ninh nguồn nước đối với các nhóm dễ bị tổn thương hơn trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đối với các đối tượng yếu thế, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, những người như phụ nữ, trẻ em, người già sẽ bị ảnh hưởng nhiều, từ đó có các tác động đến kinh tế gia đình, sinh hoạt…, chúng ta phải đặc biệt quan tâm và ưu tiên những đối tượng này.

Cùng trả lời với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này.

Dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án trong đó, tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước

Trả lời chất vấn về lượng mưa đổ về trong mùa hạn nhưng tại sao lại thiếu nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực. Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước bù cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân. Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới. Bộ sẽ cùng với các Bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nguồn nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhân dân.

Cùng đề cập đến vấn đề tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trên thế giới đang đánh giá chúng ta đang ở trong kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu, không riêng gì Việt Nam, trong đó Việt Nam lại là quốc gia bị tổn thương nhất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, tiếp cận vấn đề nước chúng ta phải tiếp cận ba chủ thể: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức chúng ta sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. Chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, cách thức chúng ta khai thác, sử dụng, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với nguồn nước. Chúng ta cũng cần có “tuyên ngôn” với bà con nông dân cả nước rằng, Việt Nam không phải là một quốc gia dư thừa nước, do vậy cần có cách tiếp cận ngắn hạn, vừa dài hạn, vừa có chiến lược tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính, trong đó đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải. Bộ trưởng cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ đề án Chính phủ đã phê duyệt.

Về hồ chứa, Bộ trưởng khẳng định, các địa phương cần phải xem xét thận trọng, bởi không phải dễ để sử dụng diện tích lớn làm hồ trữ nước của một địa phương để phục vụ cho địa phương khác, nhất là địa hình bằng phẳng, không có độ dốc.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương nên tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Trà Vinh trong tiếp cận nguồn nước, các giải pháp tiết kiệm nướng, ngăn chặn xâm nhập mặn.

Quý Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-phai-bo-tri-lai-dan-cu-o-nhung-noi-nguy-co-cao-ve-sat-lo-376681.html