Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển bền vững nghề cá

Do việc khai thác thủy hải sản quá mức diễn ra trong thời gian dài, cùng với nhiều loại hình đánh bắt mang tính hủy diệt, đã khiến nguồn lợi thủy hải sản trên biển ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, các tỉnh ĐBSCL đang nỗ lực khôi phục lại nghề cá, phát triển cân bằng giữa khai thác và bảo vệ, nhằm hướng đến sự bền vững.

Khai thác quá mức

Là người nhiều năm gắn bó với nghề biển, ông Trần Văn Phinh, ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) cho biết, đi biển ngày càng khó và thường thua lỗ. “Chiếc tàu lớn với công suất 830CV của gia đình tôi đã nằm bờ hơn 6 tháng nay. Chiếc nhỏ công suất 290CV thỉnh thoảng đi đánh bắt, nhằm duy trì cuộc sống gia đình. Vùng biển Tây Nam bây giờ nguồn cá tôm cạn kiệt, tàu cá lại nhiều nên việc đánh bắt kém hiệu quả”, ông Trần Văn Phinh lý giải.

Tàu cá tại các tỉnh ven biển ĐBSCL nằm bờ ngày càng nhiều. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, qua điều tra các nghề khai thác trên biển cho thấy, trữ lượng nguồn lợi thủy hải sản các loại ở Kiên Giang (một trong những ngư trường trọng điểm của ĐBSCL), khoảng 145.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, với số lượng hơn 11.700 tàu, sản lượng khai thác thủy hải sản dao động từ 339.200-447.550 tấn/năm, vượt trữ lượng và khả năng khai thác cho phép ở vùng biển này. Sản lượng khai thác tập trung chủ yếu ở nghề lưới kéo chiếm 71%, nghề lưới vây chiếm 17%...

Còn ở tỉnh Cà Mau, có khoảng 4.870 phương tiện khai thác thủy hải sản (trong đó có 2.480 tàu cá công suất từ 90CV trở lên); sản lượng khai thác hàng năm trên 237.500 tấn thủy hải sản các loại, vượt xa so với trữ lượng cho phép khai thác theo hướng bền vững. Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra tại các tỉnh ven biển khác như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre…

Bên cạnh việc khai thác quá mức, các đội tàu tại ĐBSCL cũng tập trung nhiều loại hình khai thác có mức độ xâm hại nguồn lợi thủy hải sản cao như lưới kéo, lưới rùng, lồng bát quái (nghề lú), te, xiệp... Các tàu này cũng thường xuyên vi phạm khi khai thác trên biển, gây ảnh hưởng đến các bãi đẻ, bãi giống của các loài thủy hải sản.

Nỗ lực cơ cấu lại các đội tàu khai thác

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Đỗ Chí Sĩ: “UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thủy sản trên địa bàn. Định hướng trong thời gian tới là tổ chức lại hoạt động khai thác thủy hải sản ở các vùng biển theo hướng giảm dần số lượng tàu cá, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi; phát triển hợp lý các nghề khai thác gắn với bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm; chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không theo quy định của các tổ chức quốc tế”.

Để hướng đến nghề cá cân bằng và bền vững hơn trong tương lai, các tỉnh ven biển ĐBSCL đang nỗ lực cơ cấu lại các đội tàu khai thác. Tại Kiên Giang, theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh này, tổng số tàu khai thác thủy hải sản bền vững tối ưu của tỉnh ở mức 9.210 chiếc. Vì vậy, số tàu phải cắt giảm lên đến 2.550 tàu, nhiều nhất là tàu có chiều dài nhỏ hơn 12m…

Nói về việc này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu khai thác sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn. Năm 2021, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chế tài phục vụ cho việc điều chỉnh. Giai đoạn 2 từ năm 2022, tập trung cắt giảm số tàu theo kế hoạch và thực hiện qua nhiều bước. Trên cơ sở lộ trình cắt giảm tàu cá, ngoài việc tổ chức tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ sự cần thiết phải thực hiện điều chỉnh, Kiên Giang sẽ xây dựng những chính sách kèm theo phù hợp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ ngư dân nằm trong diện bị cắt giảm, chuyển đổi sang nghề khác thích hợp.

“Đây là một trong những giải pháp trọng tâm để bảo đảm ngành khai thác thủy hải sản của tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới”, ông Thao nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thao, tới đây Kiên Giang sẽ phân vùng quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Thực hiện các giải pháp như nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính để phát triển nghề khai thác trên biển hiệu quả; mở rộng việc xã hội hóa trong đào tạo lao động nghề cá; triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu và tăng hiệu quả kinh tế của nghề cá…

TẤN THÁI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-ben-vung-nghe-ca-764871.html