Đồng bằng sông Cửu Long: Quản lý chặt chẽ hoạt động khai cát trái phép

Trước tình trạng thiếu cát sông phục vụ cho xây dựng, san lấp như hiện nay, cơ quan chức năng vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường lực lượng tuần tra để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát trái phép, có phép nhằm tránh gây thất thoát. Để đối phó cơ quan Công an, các đối tượng đã sử dụng hóa đơn giả, không hợp pháp…

Truy quét "cát tặc"

Tại Tiền Giang, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Qua đó đã xử lý nhiều vụ vi phạm. Điển hình, khoảng 1 giờ ngày 12/8, trong lúc tuần tra, Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) phát hiện ghe sắt không số đăng ký đang khai thác cát trái phép trên sông Tiền (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy). Khi tổ công tác áp sát phương tiện, Phan Văn Linh (SN 2000) điều khiển phương tiện tăng tốc bỏ chạy nhưng không thoát. Lúc này, trên phương tiện còn có Lê Văn Thơi (SN 1994). Cả hai thừa nhận đã khai thác gần 33m3 cát và đều có tiền sự về hành vi "khai thác cát trái phép".

Trước đó, đêm 28/7, tổ tuần tra Phòng CSKT Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện 2 phương tiện thủy nội địa đang khai thác cát trái phép trên sông Tiền (giáp ranh giữa huyện Cái Bè, Tiền Giang và huyện Long Hồ, Vĩnh Long). Thấy lực lượng tuần tra, các đối tượng điều khiển phương tiện bỏ chạy. Bị truy đuổi, bọn chúng bất chấp nguy hiểm để trốn nhưng vẫn bị khống chế.

Truy đuổi "cát tặc"

Truy đuổi "cát tặc"

Qua làm việc, Ngô Quốc Hưng (SN 1983) khai trực tiếp điều khiển phương tiện thủy vỏ thép, không số đăng ký và cùng Cao Thanh Tâm (SN 1995) khai thác gần 21m3 cát. Phương tiện thủy không số đăng ký còn lại do Trần Văn Bình (SN 1969) cầm lái đi cùng Nguyễn Văn Giới (SN 1988); trên phương tiện có 8m3. Trong đó, Giới bị UBND huyện Cai Lậy xử lý vi phạm hành chính về hành vi khai thác cát trái phép vào tháng 4/2023.

Tại tỉnh Bến Tre, đêm 19 rạng sáng 20/8, tổ công tác thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về tham nhũng, kinh tế , buôn lậu, môi trường tuần tra trên tuyến sông Hàm Luông (xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm và xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) phát hiện 7 phương tiện đang vận chuyển gần 230m3 cát sông; bắt giữ 11 đối tượng liên quan.

Để tránh bị phát hiện, bọn "cát tặc" khai thác vào ban đêm hoặc dùng hóa đơn quay vòng, hóa đơn giả, không hợp lệ nhằm qua mặt lực lượng tuần tra. Ngày 14/8, Phòng CSGT Công an tỉnh An Giang đã chuyển hồ sơ, tang vật vụ vận chuyển cát chưa rõ nguồn gốc, nghi vấn sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và làm giả tài liệu hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đến Công an huyện Chợ Mới để tiếp tục làm rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đối thoại và chỉ cho người dân vị trí mỏ cát được khai thác

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đối thoại và chỉ cho người dân vị trí mỏ cát được khai thác

Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 11/8, trong lúc tuần tra trên sông Hậu, đến đoạn thuộc xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới), tổ công tác của Đội Cảnh sát đường thủy thuộc Phòng CSGT phát hiện ghe sắt AG - 23763 do Phạm Minh Tâm (SN 1991) điều khiển đang chở khoảng 90m3 cát nghi vấn không rõ nguồn gốc. Thời điểm này, phương tiện chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn, không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng và không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định. Tâm có xuất trình hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhưng qua tra cứu, tổ công tác phát hiện hóa đơn trên không có trên hệ thống nên lập biên bản vụ việc.

Sau đó, Lê Cao Thắng (chủ phương tiện AG-23763) đã xuất trình giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện giấy tờ trên là giả. Làm việc với Công an, Tâm khai số cát trên hút từ hầm cá tại khu vực Doi Lửa (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) chở về quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) theo yêu cầu của Thắng. Trong quá trình vận chuyển cát, Thắng đưa cho Tâm hóa đơn trên để mang theo.

Giám sát cát "đặc thù”

Tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều mỏ cát biển, cát sông được cấp phép theo cơ chế đặc thù để phục vụ cho các dự án cao tốc, trọng điểm. Dù vậy, địa phương này vẫn chỉ đạo cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, thậm chí để người dân tham gia giám sát.

Một đối tượng bị bắt giữ

Một đối tượng bị bắt giữ

Giữa tháng 8/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khởi công khai thác mỏ cát sông MS01, nhằm cung cấp cho Dự án thành phần 4 (đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1). Đây là 1 trong 5 mỏ cát (tổng trữ lượng hơn 11 triệu m3) trên sông Hậu được UBND tỉnh Sóc Trăng lập hồ sơ, thủ tục bàn giao cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù để thi công cao tốc. Mỏ cát MS01 nằm trên sông Hậu (xã Phong Nẫm) và xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) có tổng diện tích 34ha, trữ lượng cát được phép khai thác hơn 1.180.000m3, thời gian khai thác đến hết tháng 8/2028 do Công ty Cổ phần bê-tông Cửu Long khai thác.

Khi mỏ cát MS01 vừa được khởi công, người dân sống trong khu vực mỏ có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại hoạt động khai thác cát sẽ khiến tình trạng sạt lở trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân trong vùng. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - Trần Văn Lâu - đã dẫn đầu đoàn công tác tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp.

Tại đây, người dân được trao đổi, chia sẻ tất cả những băn khoăn, lo lắng cũng như các kiến nghị, đề xuất liên quan đến hoạt động khai thác cát sông. Mọi người cho rằng cần xem xét khoảng cách cấp phép khai thác so với bờ, vì địa điểm này từng xảy ra sạt lở nghiêm trọng; ngành chức năng cần có đánh giá chính xác thực trạng diễn biến sạt lở tại khu vực khai thác; đơn vị khai thác phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người dân kiến nghị tiếp tục đầu tư gia cố hạ tầng giao thông nông thôn tại khu vực đang bị uy hiếp bởi sạt lở; xem xét sử dụng nguồn cát khác...

Phương tiện khai thác cát trái phép

Phương tiện khai thác cát trái phép

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành chức năng, chính quyền địa phương phải công khai tất cả các thủ tục liên quan đến hoạt động khai thác cát, gồm các thủ tục đánh giá tác động môi trường, giấy phép, thời gian, số lượng phương tiện, trữ lượng được khai thác trong ngày, vị trí, phạm vi ranh giới khai thác để người dân theo dõi, giám sát. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng hoan nghênh việc người dân chủ động, tích cực tham gia giám sát khai thác cát, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ chi phí (250.000 đồng/ngày/người được cử đại diện) để họ có thêm điều kiện giám sát hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Còn cho biết: "Người dân rất vui vì được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện được trực tiếp tham gia giám sát hoạt động khai thác cát. Mọi thứ đều được công khai, minh bạch cũng khiến ai nấy yên tâm hơn. Tôi tin người dân tại khu vực mỏ sẽ là "cánh tay nối dài" giúp giám sát hoạt động khai thác cát đúng theo quy định của pháp luật".

Bên cạnh việc để người dân trực tiếp tham gia giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn cam kết: "Mọi hành vi tư lợi, trục lợi, vi phạm trong hoạt động khai thác cát sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình khai thác cát sông nếu xảy ra sạt lở, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp khắc phục ngay...".

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/quan-ly-chat-che-hoat-dong-khai-cat-trai-phep_166644.html