Đồng bằng sông Cửu Long quyết liệt chống dịch

Đến ngày 11-6, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 11 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng chục nghìn con lợn mắc bệnh đã phải tiêu hủy, các ổ dịch mới liên tiếp được phát hiện. Do đặc thù sông nước, kênh rạch chằng chịt, cho nên việc ngăn chặn dịch càng khó khăn. Các địa phương trong khu vực đang phải quyết liệt chống dịch.

Tiêu độc khử trùng các ổ dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Bá Dũng

Tiêu độc khử trùng các ổ dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Bá Dũng

Đến ngày 11-6, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 11 trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng chục nghìn con lợn mắc bệnh đã phải tiêu hủy, các ổ dịch mới liên tiếp được phát hiện. Do đặc thù sông nước, kênh rạch chằng chịt, cho nên việc ngăn chặn dịch càng khó khăn. Các địa phương trong khu vực đang phải quyết liệt chống dịch.

Dịch lan nhanh trên diện rộng

Trà Vinh là tỉnh thứ 11 của khu vực ÐBSCL công bố DTLCP tại hộ nuôi của bà Lê Hồng Dân, ấp Giồng Mới, xã Huyền Hội, huyện Càng Long. Hộ này có 15 con lợn bị bệnh, trong đó sáu con chết có trọng lượng 562 kg. Ðến ngày 8-6, hai ổ DTLCP khác tại ấp Cầu Xây, xã Huyền Hội tiếp tục xuất hiện với số lượng 26 con. Dịch bệnh lan nhanh với hai ổ dịch mới tại ấp Thuận Hiệp, xã Thuận Hòa với 23 con và tại ấp Long Hanh, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang số lượng 24 con lợn. Theo đánh giá của ngành chức năng, DTLCP đang có chiều hướng tiếp tục lan rộng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, DTLCP tiếp tục được phát hiện tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền vào ngày 9-6. Bí thư Ðảng ủy xã Mỹ Khánh Trương Nhựt Quang cho biết, đã có ba ấp Mỹ Nhơn, Mỹ Long và Mỹ Hòa trên địa bàn xã phát hiện DTLCP với tổng số 179 con. Toàn TP Cần Thơ, DTLCP xảy ra ở hơn 50 hộ chăn nuôi thuộc 17 xã, phường của năm quận, huyện gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn và Phong Ðiền. Tổng số đã có 1.528 con lợn bị tiêu hủy, chiếm tỷ lệ khoảng 1,2% tổng đàn nuôi của TP Cần Thơ.

Các địa phương giáp ranh Cần Thơ là Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang và Vĩnh Long cũng đều đã công bố DTLCP trên diện rộng. Tỉnh Hậu Giang có tổng số 2.575 con lợn, tương đương 184 tấn phải tiêu hủy tại 54 ổ dịch thuộc 20 xã, thị trấn của năm huyện, thị xã: Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. DTLCP cũng đã và đang bùng phát tại tỉnh Sóc Trăng. Thống kê đến ngày 8-6, dịch xảy ra tại 11 ấp, tám xã của năm huyện trong tỉnh, gồm: các huyện Mỹ Xuyên ba điểm, Trần Ðề 11 điểm, Thạnh Trị hai điểm, Kế Sách bốn điểm và Châu Thành một điểm với tổng số lợn phải tiêu hủy 390 con, trọng lượng hơn 20 tấn. Huyện Mỹ Xuyên là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng phát hiện DTLCP . Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là hơn 13.320 con, trong đó có ba trang trại và bốn điểm giết mổ lợn tập trung. Ðàn lợn sau khi xét nghiệm dương tính DTLCP đã được ngành chuyên môn hỗ trợ tiêu hủy và khử trùng khoanh vùng ổ dịch. Chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 11-5 đến 1-6, tỉnh Vĩnh Long đã có 21 hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm DTLCP với tổng số lợn tiêu hủy là 416 con. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, từ ngày 22-5 đến 7-6, đã phối hợp các huyện, thành phố tiêu hủy 403 con lợn của 14 hộ nuôi tại tám ổ dịch. Trong đó, TP Long Xuyên có đến năm ổ dịch, số lượng lợn nuôi bị bệnh tiêu hủy nhiều nhất là hộ ông Nguyễn Quốc Việt, ngụ phường Mỹ Hòa với đàn lợn 189 con.

Tại Ðồng Tháp, DTLCP lần đầu được phát hiện tại bốn hộ chăn nuôi ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng với tổng đàn 187 con vào ngày 21-5. Từ đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan sang địa bàn TP Sa Ðéc, thị xã Hồng Ngự và các huyện: Tháp Mười, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Cao Lãnh, Tam Nông và Thanh Bình. Gần đây nhất, vào ngày 5-6, tại hộ ông Nguyễn Văn Lý, ấp Hòa Ninh, xã Long Thắng, huyện Lai Vung có bảy con lợn mắc bệnh và đã được ngành chức năng tiêu hủy. Toàn tỉnh có 129 hộ chăn nuôi ở 36 xã của 10 huyện, thị xã, thành phố có lợn mắc dịch, chết và tiêu hủy 3.018 con, tương đương 179 tấn.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch

Tỉnh Cà Mau có tổng đàn lợn hơn 75.000 con. Ngày 9-6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bốn ổ DTLCP tại bốn xã thuộc bốn huyện ven biển, tổng số lợn đã tiêu hủy là 116 con, với trọng lượng gần 10 tấn. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, trong hơn một tháng vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp khẩn nhằm triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó với DTLCP đang lan rộng tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL và cả nước. Với phương châm chống dịch như chống giặc, sau khi khảo sát thực tế, cơ quan chức năng tỉnh tiến hành lập hơn 30 trạm, chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm, cả đường bộ và đường thủy. Ðến ngày 25-5 vừa qua, toàn tỉnh đã cơ bản khép kín vành đai chống dịch. "Với hệ thống chốt trạm nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh kiểm soát và vệ sinh, tiêu độc gần như 100% lượng phương tiện đường bộ khi lưu thông vào tỉnh Cà Mau, kể cả phương tiện có hoặc không có vận chuyển gia súc, gia cầm" - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau Lê Thanh Triều khẳng định.

Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Tùng, ngoài kịp thời ngăn ngừa các ổ dịch mới xuất hiện và duy trì 12 chốt kiểm dịch tại các ổ dịch cũ, ngành thú y đang tích cực phối hợp các địa phương, ngành chức năng tiếp tục thực hiện tiêu độc sát trùng môi trường chung quanh ổ dịch với tổng diện tích hơn 218.400 m2. Ngày 7-6, Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại 109 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Thời gian triển khai thực hiện từ ngày 5 đến 15-6, nhằm chủ động loại trừ mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, phòng ngừa bệnh DTLCP và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, bảo vệ đàn vật nuôi và sức khỏe cộng đồng.

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi với hơn 560.000 con lợn, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch, bất kể ngày đêm, khi có thông tin lợn bệnh, chết đều phải kiểm tra, xử lý. Khi phát hiện lợn nghi ngờ mắc dịch, ngành chuyên môn và địa phương phải kiểm tra, tiến hành xét nghiệm ngay, nếu dương tính với dịch phải tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch và kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào. Tỉnh cũng hoãn lại nhiều cuộc họp để ưu tiên công tác phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, UBND tỉnh An Giang đã bổ sung dự toán năm 2019 cho Sở NN&PTNT hơn 16,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện chống DTLCP. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành, các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch; tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời, phát hiện xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Kiểm tra chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tiêu hủy lợn, trường hợp phát hiện cá nhân hay tổ chức nào trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh, hoặc khai không đúng về số lượng và trọng lượng buộc tiêu hủy theo quy định, phải xử lý nghiêm.

Còn tại TP Cần Thơ, trung tâm của vùng ÐBSCL, các biện pháp phòng chống DTLCP cũng được triển khai đồng bộ, tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch, chết đúng quy định. Ðáng chú ý, tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của TP Cần Thơ cũng xuất hiện dịch bệnh cho nên công tác ứng phó được Ðảng ủy và chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Bí thư Ðảng ủy xã Mỹ Khánh Trương Nhựt Quang cho biết, mỗi khi nhận được tin báo xuất hiện ổ dịch mới là đích thân đồng chí xuống hiện trường, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hộ chăn nuôi. "Bên cạnh hai chốt kiểm soát phương tiện vận chuyển động vật ra vào vùng dịch, Ðảng ủy xã còn phân công các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ và các đảng viên phụ trách địa bàn nắm sát từng nhà, từng hộ chăn nuôi để vận động bà con kịp thời khai báo khi có lợn bệnh. Ðồng thời chỉ đạo cho cán bộ thú y và cán bộ phụ trách ghi chép chính xác số lượng lợn, khối lượng để bảo đảm quyền lợi của bà con khi có kinh phí hỗ trợ tiêu hủy, tái đàn" - đồng chí Trương Nhựt Quang nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40508002-dong-bang-song-cuu-long-quyet-liet-chong-dich.html