Đồng bằng sông Cửu Long ra sao trong quy hoạch đến 2050?
Trong những năm tới, đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ giảm trồng lúa, chuyển đổi sang các ngành nông nghiệp khác. Nhiều tuyến đường mang tính động lực cũng được xây dựng tại đây.
"Thuận thiên", "không hối tiếc" là những nguyên tắc trong xây dựng quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long được nhấn mạnh tại hội nghị báo cáo và tham vấn tổ chức ngày 26/11 tại Cần Thơ. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng quy hoạch vùng. Ngoài ra, còn có sự tham gia của lãnh đạo nhiều địa phương, bộ ngành và chuyên gia.
Đơn vị tư vấn Royal HaskoningDHV đã đưa ra những đề xuất mới mẻ trong đề án quy hoạch, trong đó có việc giảm trồng lúa, cơ cấu lại sản xuất dựa vào chia vùng nước. Mục tiêu quy hoạch là sớm đưa đồng bằng sông Cửu Long thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, người dân có được sự hạnh phúc.
Thay đổi cây trồng và chế biến liên quan sẽ tăng thu nhập
Về nông nghiệp, quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm diện tích trồng lúa xuống. Khu vực này hiện sản xuất khoảng 24 triệu tấn lúa, và dự kiến giảm xuống khoảng 16 triệu tấn vào năm 2050, trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.
Sản xuất lúa gạo vẫn sẽ được chú trọng, cùng với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, trong các khu vực canh tác nhỏ hơn ở phía tây bắc của vùng có thể đảm bảo nước ngọt quanh năm. Điều này sẽ cho phép nhiều nông dân trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn như trái cây và rau. Ngoài ra, người dân có thể hưởng lợi từ việc mở rộng diện tích được sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Theo thời gian, tổng diện tích được giao cho lúa trong toàn vùng sẽ giảm từ 2,3 xuống 1,4 triệu ha. Thay đổi cây trồng và chế biến liên quan sẽ tăng thu nhập ước tính 11,4 tỷ USD/năm vào năm 2030 và 21,1 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Trong quy hoạch nông nghiệp cũng sẽ phân ra làm 3 vùng nước mặn, nước ngọt và nước lợ. Từ đó sẽ có giải pháp phát triển nông nghiệp phù hợp cho từng khu vực.
Khu vực nước ngọt gồm Đồng Tháp Mười (một phần Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang), khu vực nằm giữa sông Tiền và sông Hậu tại Vĩnh Long, Cần Thơ; Tứ Giác Long Xuyên; bắc bán đảo Cà Mau; tây sông Hậu. Tại đây sẽ giảm lúa vụ 3, phát triển sinh kế dựa vào lũ, thậm chí là xả lũ vào ruộng, không phát triển thành vùng trữ nước quanh năm. Khu vực này cũng có thể chuyển đổi diện tích lúa sang hoa màu, nuôi trồng thủy sản.
Khu vực nước lợ gồm vùng tiếp giáp bán đảo Cà Mau, vùng chuyển tiếp Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, Bến Tre, Long An. Khu vực này sẽ phát triển đan xen lúa, nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái một cách bền vững.
Khu vực nước mặn là Nam bán đảo Cà Mau, ven biển Đông, ven biển Tây. Khu vực này cấm khai thác nước ngầm vùng ven biển để không bị sụt lún đất, nuôi trồng thủy sản đa canh bền vững, có thể làm đê chắn sóng, phát triển hệ thống tuần hoàn nước, cấp thoát tách rời.
Làm nhanh đường ven biển trong nhiệm kỳ tới
Trong quy hoạch hệ thống giao thông, đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành một hệ thống giao thông phát triển so với hiện nay, chia làm một số tuyến hành lang chính. Tuyến hành lang trung tâm gồm cao tốc nối TP.HCM với Cần Thơ và Cà Mau. Ngoài ra còn đường quốc lộ 1 đi Quản Lộ - Phụng Hiệp. Trong tương lai còn xây dựng đường ven biển Đông từ TP.HCM đi Cà Mau.
Một hành lang phía đông được quan tâm khác là cao tốc Nhà Bè - Mỹ Tho - Bến Tre - Trà Vinh, được đánh giá sẽ là một trục động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Ở phía tây còn có hành lang duyên hải biển Tây là cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu).
Ở sâu trong đất liền sẽ có trục TP.HCM đi Hà Tiên và TP.HCM đi Kiên Lương. Một hệ thống hành lang khác nằm ngang kết nối các cửa khẩu quốc tế tới hệ thống cảng biển và đô thị cũng được xây dựng là các đường vành đai của TP.HCM nằm ở một số tỉnh tiếp giáp thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Hành lang trung tâm còn đường Hồng Ngự - Trà Vinh, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025 cần bố trí 73.216 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến như Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, đường Đức Hòa - Mỹ An (81 km), Mỹ An - Cao Lãnh (24 km), An Hữu - Cao Lãnh (30 km), Cần Thơ - Long Xuyên (157 km), Rạch Giá - Hà Tiên (100 km).
Về cảng biển, nhóm tư vấn cho rằng giai đoạn 2021-2030, khả năng đầu tư mới cảng biển nước sâu trong vùng sẽ khó cạnh tranh với hệ thống cảng đã được đầu tư đồng bộ. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần nghiên cứu việc xây dựng cảng nước sâu sao cho khả thi.
Về hàng không, nhóm nghiên cứu cho rằng cần nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không hiện hữu trong vùng. Đồng thời có thể phát triển vận tải hàng hóa đường hàng không (Air cargo) tại Cần Thơ khi nhu cầu và quy mô thị trường đảm bảo (nhu cầu vận tải lớn hơn 500.000 tấn/năm).
Sau 2030 có thể triển khai nghiên cứu đầu tư đường sắt TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau. Tuy nhiên, điều kiện tối thiểu để bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khi nhu cầu vận tải đạt 150.000 khách/năm.
Quy hoạch theo hướng "thuận thiên" và "không hối tiếc"
Góp ý với dự thảo quy hoạch, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và môi trường, đồng tình với việc giảm trồng lúa. Ông nhấn mạnh nếu nghiên cứu kỹ, việc thâm canh lúa 3 vụ làm cho quốc gia nghèo thêm chứ không phải tạo thêm giá trị gia tăng. Theo đó, làm liên tục lúa 3 vụ trong 5 năm sẽ lỗ 43 triệu đồng/ha.
Theo tính toán, chi phí để trồng lúa 3 vụ còn phải tính thêm tiền đắp đê, duy tu công trình thủy lợi, cải tạo đất… Không những vậy, việc làm lúa còn ngăn lũ và cánh đồng, làm đảo lộn tự nhiên, làm cho đất ngày càng bạc màu, chi phí trồng ngày càng tăng thêm.
Vị này cho rằng cũng cần rất cân nhắc nếu làm đê biển theo mô hình của Hà Lan. Bởi đồng bằng sông Cửu Long nằm ở khu vực nhiệt đới, dòng chảy của nước sông và nước biển luôn có sự đan xen, quan hệ với nhau. Nước mưa sẽ không thoát đi đâu được sẽ tạo ra sự tù đọng, ảnh hưởng môi trường.
TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long cần tính toán đến sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa gần 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Do đó, khu vực này phải sản xuất nông nghiệp giá trị cao hơn, an toàn hơn, ngành du lịch chất lượng cao hơn, để đáp ứng nhu cầu.
Ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, nhất là đào tạo thêm kỹ năng bởi khu vực này đang có tốc độ già hóa nhanh nhất cả nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết quy hoạch của đồng bằng sông Cửu Long sẽ chú trọng đến việc phát huy các tiềm năng, lợi thế, nhưng cũng thích ứng với những sự thay đổi, tạo ra thế mạnh mới. Ông nhắc đến hai từ “thuận thiên” và “không hối tiếc” khi nói về quan điểm quy hoạch khu vực này. Các định hướng đều hướng tới sự phát triển với người dân làm trung tâm, hài hòa với môi trường.
Nói về giao thông, ông nhấn mạnh trong nhiệm kỳ tới sẽ hoàn thành xong đường cao tốc nối TP.HCM tới Cà Mau. Ngoài ra, đường ven biển toàn bộ khu vực này cũng sẽ hoàn thành. Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh đường ven biển không chỉ là giao thông đơn thuần mà nó là hành lang kinh tế, nơi sắp xếp dân cư, mở ra không gian kinh tế biển, mở ra quỹ đất cho công nghiệp, nông nghiệp, đô thị…
Hiện ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho các dự án liên kết vùng khoảng 17.000 tỷ. Chính phủ cũng thực hiện một dự án vay của World Bank trị giá 1,05 tỷ USD (tăng thêm ngoài các định mức bình thường so với các tỉnh khác) để đầu tư cho hạ tầng khu vực này.
Ông Dũng nhấn mạnh 2 khoản này tổng cộng khoảng 40.000 tỷ, giúp làm đường ven biển, làm các hồ lớn chứa nước, làm con đường kết nối vùng.
“Lần này làm quy hoạch là tính luôn đến nguồn lực để thực hiện. Do đó, chúng ta đang cố gắng để có một quy hoạch chất lượng nhất, làm cơ sở để phát triển nhanh, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.