Đồng bằng sông Cửu Long: Sau triều cường, lại đến hạn mặn
Tác động từ biến đổi khí hậu tại ĐBSCL ngày càng gay gắt, dẫn đến gia tăng triều cường, hạn mặn. Ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ với PV báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, đặc biệt là với việc triều cường đang diễn ra.
PV: Ông đánh giá như thế nào về đợt triều cường năm nay, có gì khác so với những năm trước?
Ông Kỷ Quang Vinh: Những năm trước với TP Cần Thơ, theo quy luật đầu năm là hạn hán, nước thấp, vì vậy thủy triều theo đó cũng thấp theo. Đến cuối năm nước dâng lên theo đó thủy triều cũng lên cao. Thủy triều dâng thường vào cuối năm nhất là tháng 9, tháng 10 âm lịch do gió Đông Bắc mạnh thổi xuống dồn về các cửa biển kết hợp với lũ trên thượng nguồn đổ về tạo thành đỉnh triều.
Triều cường năm nay theo quy luật đầu tháng 9 âm lịch sẽ có xuất hiện nhưng do năm nhuận nên trễ hơn bình thường. Và năm nay xuất hiện đến 2 đợt triều cường, đợt vừa mới đây là do các cơn bão làm thay đổi chế độ gió đông bắc, làm gió đông bắc thổi rất mạnh vào lúc triều cường đang lên nên mực nước dâng lên rất cao.
Mặc dù năm nay trên vùng thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp lũ lên rất thấp nhưng dưới hạ nguồn triều cường lại dâng cao. Trong 3 năm gần đây, năm nào đỉnh triều ở Cần Thơ cũng cao, đặc biệt năm 2019 là năm cao nhất lịch sử.
Theo tôi, có 2 lí do để lí giải cho hiện tượng này: Một, là do đất bị lún đi rất nhiều. Theo nghiên cứu của Viện đại học Stanford của Mỹ, trung bình mỗi năm ĐBSCL sẽ bị lún từ 1 cm đến 2 cm. Vì thế có lẽ từ đây về sau, năm nào đến thời điểm này cũng sẽ bị ngập, đặc biệt là vùng Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ thậm chí có thể các vùng Cà Mau và Kiên Giang một số nơi cũng sẽ ngập nặng.
Hiện tượng thứ hai là do nước biển dâng cao vì tháng 9 năm nay đúng vào thời điểm mùa hè ở Bắc bán cầu làm tuyết trên núi tan chảy xuống biển kết hợp nước biển dâng làm triều cường càng dâng cao.
PV: Do biến đổi khí hậu nên ở ĐBSCL đang tồn tại quy luật sau đợt triều cường sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn, mặn. Ông nhận định như nào về đợt hạn mặn sắp tới?
Ông Kỷ Quang Vinh: Theo chỉ số mực nước hiện nay thì mực nước có cải thiện nhiều so với năm rồi. Vì vậy theo tôi sắp tới khô hạn sẽ rất dữ dội, tuy nhiên theo tôi thì mức độ thiệt hại sẽ giảm hơn so với đợt vừa qua (cuối 2019 đầu 2020). Tôi nghĩ với những bài học về thiệt hại nặng nề do hạn, mặn những năm vừa qua, nhất là năm rồi 2019, bà con nông dân và chính quyền các địa phương trong vùng đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho công tác ứng phó. Nên năm nay về mức độ hạn mặn sẽ khốc liệt, nhưng thiệt hại sẽ giảm thiểu.
Ông nhận định về tình triều cường ảnh hưởng đến các địa phương trong vùng ĐBSCL thời gian tới, thưa ông?
- Từ nay đến cuối năm triều cường có lẽ vẫn còn nhưng đỉnh triều sẽ thấp hơn nhiều với đỉnh vừa qua và trở lại quy luật bình thường của nó. Trừ khi có xáo trộn hay bão lớn thì mới có thể có thay đổi.
Còn về thời gian tới vùng ĐBSCL có 2 khu vực từ Ô Môn trở về phía biên giới của An Giang, Đồng Tháp là khu vực ngập lũ nên triều cao của mực nước sẽ phụ thuộc vào nguồn nước lũ từ sông Mekong đổ về.
Còn vùng phía dưới trở về biển nước cao hay thấp phụ thuộc vào thủy triều nước biển dâng. Khu vực Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau do cốt nền thấp nên nếu có thủy triều chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Qua theo dõi 3 năm gần đây từ 2018 đến 2020, nước hầu như không có trên thượng nguồn nhưng phía hạ du vẫn bị ngập, thậm chí như năm ngoái 2019 đã bị ngập bất thường. Vì vậy thời gian tới ĐBSCL phải đương đầu trước tiên là mùa khô hạn, mặn sẽ gay gắt. Đến mùa mưa có thể vùng thượng nguồn An Giang, Đồng Tháp chưa biết như thế nào, nhưng chắc chắn vùng hạ lưu sẽ bị chìm trong những đợt đỉnh triều.
Vậy theo ông cần có giải pháp gì ứng phó?
- Để hạn chế ngập thì chúng ta nên chú ý đến nguồn nước và lượng nước. Ở TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung có 3 nguồn nước để gây ngập: đó là nước mưa tại chỗ, nước mưa trên thượng nguồn (nước lũ), nước thủy triều (nước biển dâng).
Qua nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, lượng mưa và đỉnh lũ, tôi không thấy có liên quan, suy ra mưa tại chỗ sẽ không gây ngập. Tuy nhiên ở vùng đô thị vẫn bị ngập, nguyên nhân là do hệ thống cống thoát nước trong đô thị bị ách tắc, bị vỡ, hoặc chưa phù hợp nên không thể thoát nước.
Còn đối với ngập do nước mưa ở thượng nguồn (nước lũ), thì chỉ có vùng Ô Môn trở lên biên giới Campuchia mới bị ngập.
Trung bình trong mùa lũ có đến 10 tỷ m3/ngày đổ tràn qua vùng sát biên giới và gây lũ cho vùng này. Tuy nhiên, khi lượng nước này chảy xuống thì thấm dần vào đất không còn gây lũ cho vùng hạ nguồn mà chỉ có khả năng gây ngập cục bộ nhưng không đáng kể. Đối với nguồn nước thủy triều đây là nguồn nguy hiểm nhất vì đây là nguồn gần như là vô tận.
Từ những lý giải trên cho thấy đối với tình trạng ngập do nước mưa tại chỗ chúng ta có thể cải tạo, thông thoáng hệ thống cống thoát nước hoặc đào các ô giữ tâm nước để nước từ từ thấm xuống và thoát theo các đường sông. Tuy nhiên đối với ngập do nước mưa trên thượng nguồn và thủy triều chúng ta nên làm hệ thống các đê bao, để chặn nước.
Dựa vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để đắp các đê có thể điều tiết nước tạo thành hệ thống đê bao hoàn chỉnh cho ĐBSCL kết hợp hệ thống máy bơm, hệ thống thoát nước trong nội ô để chủ động điều tiết nước.
Như vậy đối với khu vực TP Cần Thơ và ĐBSCL, để chống ngập chủ yếu phải làm đê xung quanh có kế hoạch, có quy hoạch. Thêm nữa phải kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ để chia ĐBSCL thành từng ô nhỏ trong đó có những đường thoát nước và những khu vực có máy bơm. Nếu làm được vậy thứ nhất có thể chắn được lũ do thủy triều, thứ hai có thể trữ nước cho mùa khô.
Trân trọng cảm ơn ông!