Đồng bằng sông Cửu Long: Thích ứng để phát triển bền vững

Cà Mau sụt lún, Cần Thơ ngập lụt, Vĩnh Long sạt lở… Chưa bao giờ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu đến như vậy. Trước tình trạng này, các địa phương đã và đang chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tìm ra các giải pháp thích ứng nhằm biến nguy thành cơ, giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.

Cánh đồng điện gió ở tỉnh Bạc Liêu là minh chứng cho việc Đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối mặt với nhiều thách thức lớn

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Đồng bằng sông Cửu Long có dân số khoảng 18 triệu người, diện tích bằng 1/8 cả nước, nhưng đang đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm trong nước (GDP), cung cấp gần 60% sản lượng lúa và 40% lượng thủy sản. Tuy nhiên, khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức lớn, bao gồm cả những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc phát triển thủy điện quá mức ở thượng nguồn sông Mê Kông làm suy giảm phù sa, thay đổi quy luật dòng chảy. Đồng bằng không còn lũ lớn, xâm nhập mặn vùng ven biển diễn ra sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng và biến động khó lường. Nhiều vùng ven biển đang bị sụt lún từ 1cm đến 2,5cm/năm.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng (Viện Khoa học khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin: Nếu nước biển dâng 100cm, khoảng 38% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Trong đó, các tỉnh có nguy cơ ngập cao nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,86%) và Cà Mau (57,69%).

Tại Vĩnh Long, mùa khô năm 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới. Đỉnh mặn đo được trên sông Hậu ở huyện Trà Ôn lên đến 7,8‰ (phần nghìn), gần gấp đôi mức gây hại cho cây trồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt lo lắng: “Hiện nông dân không thể trồng cây sầu riêng, cây chôm chôm, kể cả lúa vụ 3”.

Trong khi đó, tại thành phố Cần Thơ, những đợt triều cường giữa tháng Chín và đầu tháng Mười âm lịch vừa qua đã khiến nhiều khu vực trũng thấp bị ngập nặng. Mực nước đỉnh triều cao nhất trên sông Hậu đã lên mức 2,05-2,10m (cao hơn mức báo động III từ 0,05m đến 0,1m), với hơn 100 điểm bị ngập, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Biến nguy thành cơ

Thời gian qua, người dân và chính quyền nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động thích ứng “sống chung với biến đổi khí hậu”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận định: Biết tận dụng cơ hội và có cách ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, người dân Đồng bằng sông Cửu Long có thể sống tốt.

Tư duy này coi biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Đồng bằng sông Cửu Long là điều tất yếu, từ đó thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để biến thách thức thành cơ hội phát triển. Nổi bật trong số đó là mô hình chuyển đổi từ lúa - tôm sang tôm thâm canh tại tỉnh Kiên Giang mang lại lợi nhuận cao.

Ông Mai Văn Phúc (ngụ tại ấp 13, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang), cho biết, với 3 vụ tôm thâm canh trong năm, gia đình ông đạt lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, cao hơn 10 lần so với mô hình cũ. Tại tỉnh Trà Vinh, ngành Nông nghiệp đã giúp nông dân chuyển đổi việc trồng lúa tại một số vùng đất bị nhiễm phèn, xâm nhập mặn ven sông Tiền sang trồng cây lác, làm nguyên liệu phát triển nghề dệt chiếu tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, Trà Vinh), cho biết, người trồng cây lác có lãi từ 140 triệu đến 160 triệu đồng/năm…

Về định hướng phát triển mang tính chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới đã tổ chức phiên tham vấn lần thứ 18 (phiên cuối cùng) về “Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt vào tháng 12-2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bản quy hoạch này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm chính trị của cả trung ương và địa phương trong việc phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, với 5 quan điểm lớn, trong đó nêu rõ phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội; thay đổi mô hình phát triển theo hướng tập trung nguồn lực để tạo các “quả đấm thép” cho sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Nhận định về cơ hội phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: “Nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên để phát triển nông nghiệp; biến đổi khí hậu khiến chúng ta chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo… Chủ động thích ứng, Đồng bằng sông Cửu Long có thể tự tạo cơ hội phát triển bền vững cho chính mình”.

Minh Điền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/984877/dong-bang-song-cuu-long-thich-ung-de-phat-trien-ben-vung