Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa, được giá lúa hè thu
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ hôm nay đến 16-7, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn có nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa và dông, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Riêng khu vực Hà Nội, hôm nay (8-7), nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 39 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ hôm nay đến 16-7, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn có nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa và dông, đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Riêng khu vực Hà Nội, hôm nay (8-7), nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 39 độ C.
* Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang, mưa to kèm theo dông những ngày qua trên địa bàn các huyện Quang Bình, Xín Mần và Vị Xuyên đã khiến ba người bị thương nhẹ do nhà sập tại thôn Nậm Sái, xã Nà Chì, huyện Xín Mần; 67 nhà ở bị thiệt hại, trong đó có bốn nhà bị sập hoàn toàn; 18,5 ha lúa, hoa màu, 2 ha cây ăn quả và 1,5 ha cây công nghiệp bị thiệt hại; nhiều tuyến đường bị sạt lở. Ước tính thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng.
* Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân hiện rất phấn khởi bởi vụ lúa hè thu có năng suất và giá bán đều tăng cao so với các vụ trước. Cụ thể, thương lái mua lúa tươi của nông dân tại ruộng với giá từ 5.300 đến 6.500 đồng/kg, tùy theo giống lúa, tăng từ 300 đến 600 đồng/kg so với vụ hè thu trước. Năng suất lúa cũng vượt hơn sáu tấn/ha, cao hơn vụ hè thu trước từ 500 đến 700 kg/ha. Như vậy, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha ở vụ lúa này.
* Tại TP Cần Thơ, vụ hè thu 2020 nhờ ít sâu bệnh nên phần lớn nông dân trúng mùa, năng suất lúa đạt bình quân khoảng 6,5 đến bảy tấn/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha, cao nhất trong nhiều năm qua.
* Tại Đồng Tháp, năng suất lúa vụ hè thu cũng đạt tới bảy tấn/ha. Trúng mùa và trúng giá, cộng với dễ tiêu thụ nên nông dân rất vui mừng. Giá lúa loại thường được thương lái thu mua khoảng 5.200 đồng/kg, lúa dài 5.500 đồng/kg, lúa thơm 5.900 đồng/kg trở lên.
* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nắng nóng kéo dài đã gây hạn hán, thiếu nước với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 1.484 ha lúa. Trong đó, huyện Vĩnh Linh 541 ha, huyện Gio Linh 847,1 ha, huyện Cam Lộ 75 ha. Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan trực thuộc phối hợp điều tiết, sử dụng nguồn nước luân phiên có hiệu quả.
* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có hơn 100 ha keo bị khô héo, chủ yếu là keo lai và keo tai tượng, tuổi đời từ một đến bốn năm. Nguyên nhân do bệnh chết héo, mối, trồng trái vụ… Chi cục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc cây để tăng khả năng kháng bệnh.
* Tại Bình Thuận xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại trên lúa và thanh long như: ốc bươu vàng, với diện tích nhiễm 147 ha lúa, phân bố nhiều tại các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi; sâu đục thân, diện tích nhiễm 20 ha, bệnh đạo ôn lá 542 ha. Trên cây thanh long, 415 ha nhiễm bệnh đốm nâu, tập trung tại Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi.
* Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện công tác lai tạo giống lúa chịu mặn, ngắn ngày, thích nghi với điều kiện canh tác của tỉnh. Các giống lúa BLR 103 và BLR 105 được nhiều nông dân đánh giá cao về tính thích nghi với vùng mặn, đặc biệt là thích nghi tốt trên nền đất lúa - tôm. Hai giống lúa này đã được gieo trồng thử nghiệm tại các vùng sinh thái mặn và cây lúa phát triển tốt.