Đồng bằng sông Hồng hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 9% mỗi năm
Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc.
Những năm qua, việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhờ đó, việc phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên và trở thành những điểm sáng của cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng đạt nhiều thành tựu quan trọng
Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước bao gồm 11 tỉnh, thành phố là Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh và 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng.
Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253km2, chiếm 6,4% diện tích của cả nước; dân số trên 22,9 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước.
Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học-công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ của cả nước và có vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Vùng có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, tốt nhất cả nước, gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt; trong đó thành phố là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển, gắn kết các địa phương trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước cũng như với các quốc gia trong khu vực và thế giới; là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố, có diện tích tự nhiên là 21.253km2, chiếm 6,4% diện tích của cả nước; dân số trên 22,9 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước.
Những năm qua, việc phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Mục tiêu đặt ra là: “Xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức và chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh."
Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, việc phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên và trở thành những điểm sáng của cả nước.
Quy mô kinh tế tăng nhanh
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt khá cao, bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp, giảm dần sự phụ thuộc vào tăng vốn và lao động; quy mô kinh tế tăng nhanh đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, ngành công nghiệp-xây dựng tiếp tục duy trì vai trò trụ cột tăng trưởng của vùng. Đến năm 2020, tỷ trọng các khu vực nông, lâm, thủy sản-công nghiệp, xây dựng-dịch vụ lần lượt là 5,76%-40,62%-43,64%.
Thu ngân sách nhà nước của vùng tăng đáng kể, gấp 9,5 lần so với năm 2005 và cao hơn bình quân chung cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Là một trong hai vùng thu hút vốn FDI nhiều nhất nước
Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng kinh tế-xã hội thu hút vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2022, đã thu hút được 11.871 dự án với vốn đầu tư 126,5 tỷ USD, tương ứng gần 33% số dự án và trên 30% của tổng vốn đầu tư của cả nước. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh thuộc nhóm 10 địa phương có tổng vốn FDI đăng ký dẫn đầu cả nước.
Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng kinh tế-xã hội thu hút vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2022, đã thu hút được 11.871 dự án với vốn đầu tư 126,5 tỷ USD, tương ứng gần 33% số dự án và trên 30% của tổng vốn đầu tư của cả nước.
Với sự có mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực (như Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic...), Vùng Đồng bằng sông Hồng từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghệ cao.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt
Tiềm năng, lợi thế vùng được phát huy hiệu quả nên đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 0,86%, thấp thứ 2 so với các vùng và thấp hơn bình quân cả nước. Các chính sách an sinh xã hội đối với người có công, với hộ nghèo, với gia đình gặp thiên tai, dịch bệnh… được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Vùng có 3 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới và 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt kết quả tích cực. Các sự kiện văn hóa, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước được tổ chức thiết thực, hiệu quả, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.
Lĩnh vực giáo dục đào tạo được đặc biệt quan tâm, quy mô và chất lượng ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của vùng năm học 2019-2020 là 98,99%, cao hơn tỷ lệ của cả nước (96,74%). Vùng là trung tâm giáo dục đại học, sau đại học lớn nhất của cả nước với trên 150 trường đại học, học viện. Chất lượng nguồn nhân lực của vùng ngày càng được nâng cao.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư, nâng cấp về cả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực; chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện và nâng cao. Số bác sỹ trên 1 vạn dân tăng từ 4,6 (năm 2005) lên 9,8 (năm 2020).
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9%/năm trong giai đoạn 2021-2030
Bên cạnh nhưng kết quả đã đạt được, việc phát triển kinh tế-xã hội Vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn những hạn chế, bất cập nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng.
Chất lượng tăng trưởng chưa cao, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập.
Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành. Khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển.
Tiếp tục phát trển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.
Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước.
Một số chỉ tiêu cụ thể là: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới (ít nhất 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48-52%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sỹ trên 1 vạn dân; hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung…
Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc y tế và sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chăm sóc y tế và sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế chính sách và thể chế liên kết vùng, đồng thời khẩn trương xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng và các địa phương.
Phát triển kinh tế vùng, cụ thể đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển kinh tế nông nghiệp với các sản phẩm có giá trị cao, đa dạng; phát triển các ngành dịch vụ đa dạng, chuyên sâu, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Phát triển các tiểu vùng, hành lang kinh tế, trong đó tiếp tục phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước; phát triển hành lang kinh tế Bắc-Nam… Bên cạnh đó, phát triển đô thị và hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cùng với đó, phát triển văn hóa xã hội. Xây dựng mạng lưới cơ sở văn hóa đồng bộ, hiện đại; bảo tồn phát huy các giá trị di tích, di sản. Phát triển vùng trở thành trung tâm dẫn đầu cả nước về giáo dục, đào tạo; đa dạng các loại hình học tập; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngoài ra còn tăng cường bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; củng cố quốc phòng an ninh; triển khai đồng bộ hiệu quả công tác đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh./.